Kỳ 1: Tầm nhìn mới cho Đông Nam bộ
Khu vực phía Nam chiếm 60% sản lượng hàng hóa cả nước, nếu cải thiện logistics sẽ hỗ trợ hoạt động sản xuất trong nước, gia tăng khả năng cạnh tranh cho hàng xuất khẩu. Tại Đông Nam bộ, nếu giải quyết được khúc mắc vận chuyển, giảm chi phí cho vận tải sẽ góp phần giải quyết các khó khăn của kinh tế trong tình hình hiện nay.
Hoạt động dịch vụ hàng hóa tại cảng Bình Dương
“Điểm nghẽn” trong tăng trưởng
Không chỉ giữ vai trò đầu tàu kinh tế, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, vùng Đông Nam bộ còn là khu vực tập trung hạ tầng và dịch vụ logistics quan trọng, đảm nhận vận chuyển phần lớn hàng hóa của cả nước. Theo thống kê, vùng Đông Nam bộ có khoảng 14.800 doanh nghiệp cung ứng dịch vụ logistics, chiếm 49,2% tổng số doanh nghiệp logistics cả nước. Số lượng doanh nghiệp logistics của TP.Hồ Chí Minh với trên 11.000 doanh nghiệp, tỉnh Bình Dương trên 1.600 doanh nghiệp, Đồng Nai có trên 1.200 doanh nghiệp… Tuy nhiên, đến nay lĩnh vực logictics cho vùng Đông Nam bộ vẫn còn rất nhiều “điểm nghẽn” cần tháo gỡ.
Tại Nghị quyết 24-NQ/TW ngày 7-10-2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng chỉ ra các “điểm nghẽn” phát triển vùng. Cụ thể, đó là mạng lưới kết cấu hạ tầng cấp vùng, liên vùng, nhất là hạ tầng giao thông kết nối nội vùng và liên vùng còn thiếu, yếu, chưa đồng bộ; nguồn nhân lực logistics chất lượng cao chưa đáp ứng được nhu cầu, chi phí logistics còn cao. Sự liên kết giữa doanh nghiệp sản xuất - xuất nhập khẩu và doanh nghiệp logistics hiệu quả thấp; chưa hình thành được các trung tâm logistics quy mô lớn, có vai trò trung chuyển hàng hóa đa phương thức của vùng.
Theo ông Huỳnh Văn Cường, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Cảng Sài Gòn, đây là “điểm nghẽn” dẫn đến nhiều thách thức cho doanh nghiệp logistics. Hạ tầng giao thông đường bộ chưa đáp ứng nhu cầu bởi đường nhỏ, hẹp, tải trọng hạn chế (đặc biệt đối với hàng container và hàng công trình); quá nhiều giao lộ gây tắc nghẽn, xung đột giao thông. “Trong khi giao thông đường bộ chưa đáp ứng tải trọng phù hợp giao thương hàng hóa, kết nối cảng với các khu công nghiệp, nhà máy, kho hàng thì vận tải đa phương thức chưa phát huy hiệu quả vì thiếu kết nối giữa đường sắt - đường bộ - đường thủy nội địa. Việc đầu tư các phương thức này thiếu đồng bộ, thường vênh nhau và thiếu sự thống nhất cả về mục tiêu, kế hoạch thời gian thực hiện”, ông Huỳnh Văn Cường đánh giá.
Các doanh nghiệp kiến nghị, với vai trò “nhạc trưởng” của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, để đưa logistics trở thành ngành dịch vụ mũi nhọn, TP.Hồ Chí Minh và các địa phương cần nhanh chóng “chuyển mình”, chú trọng thực hiện nhiều giải pháp mang tính chiến lược. Đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông, xây dựng cảng hàng không, cảng biển, đường sắt; thực hiện giải pháp phát triển nguồn nhân lực, hoàn thiện giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin kết hợp chương trình chuyển đổi số để logistics thật sự phát huy thế mạnh, đóng góp lớn vào cơ cấu phát triển kinh tế cho vùng nói riêng và cả nước nói chung.
Nâng cao trách nhiệm liên kết
Nhằm giải quyết các vướng mắc này, các địa phương đã đề xuất và triển khai nhiều phương án, chiến lược với mục tiêu cải thiện hơn hoạt động logistics, tăng cường kết nối vùng. Ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết sau thời kỳ phát triển nhanh về công nghiệp, sự gia tăng ngày càng lớn về nhu cầu vận chuyển hành khách, hàng hóa khiến hạ tầng kinh tế - xã hội của Bình Dương hiện đang trong tình trạng quá tải. “Lưu lượng các trục đường bộ huyết mạch ngày càng lớn, trong khi tính kết nối, đồng bộ với loại hình giao thông đường sắt, đường thủy nội địa còn thiếu và yếu đã làm tăng thời gian đi lại từ Bình Dương tới các cảng biển và sân bay quốc tế. Từ đó, làm tăng chi phí cho doanh nghiệp, làm giảm lợi thế cạnh tranh”.
Bà Nguyễn Thị Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, cho rằng giai đoạn 2016- 2020 tốc độ tăng trưởng kinh tế GDP vùng Đông Nam bộ đạt 6,72%, trong khi vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ đạt 9,08%. Dù vị thế của Đông Nam bộ trong nền kinh tế vẫn đứng đầu nhưng bị sụt giảm, vai trò động lực và dẫn dắt suy yếu.
Đặc trưng của Đồng Nai, Bình Dương, TP.Hồ Chí Minh có tỷ lệ người nhập cư cao nhất cả nước, việc này góp phần phát triển kinh tế nhưng cũng gặp nhiều khó khăn. Dù các địa phương rất quan tâm giải quyết song hầu như các cửa ngõ kết nối giao thông đều kẹt cứng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển kinh tế - xã hội của TP.Hồ Chí Minh và vùng Đông Nam bộ. “TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai và Bình Dương có lợi thế lớn về giao thông thủy, hàng hải rất lớn với hàng loạt luồng tuyến quan trọng. Thế nhưng khai khác còn hạn chế, chưa hết tiềm năng, chưa chia sẻ được áp lực cho giao thông đường bộ đang quá tải. Cần khai thác nhiều hơn lợi thế hệ thống giao thông đường thủy”, bà Nguyễn Thị Hoàng đề xuất.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên cho rằng kết nối hạ tầng vùng là một bài toán khó, đòi hỏi các địa phương phải cùng chung tay, phát huy tiềm lực của địa phương mình cùng với đó là đóng góp các sáng kiến nhằm hoàn thiện, thúc đẩy hoạt động logistics vùng thuận lợi nhất. Cần tính đến lợi ích chung của cả vùng hơn là lợi ích của địa phương. Có chính sách phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, trong đó, tập trung phát triển mạng lưới đường bộ cao tốc, đường vành đai TP.Hồ Chí Minh. “Cần phải chủ động xây dựng chương trình hành động cụ thể của mỗi địa phương, của vùng và hoàn thiện quy chế hoạt động. TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh trong vùng cần tăng cường kết nối dữ liệu số trong quá trình hợp tác, phát triển để giải quyết nhanh các công việc, chương trình
TIỂU MY