Các ngành, doanh nghiệp (DN) Bình Dương khẳng định quyết tâm trở thành nơi tập kết hàng hóa và dịch vụ logistics, đồng thời hình thành chuỗi cung ứng, thúc đẩy phân phối, xuất khẩu ra nước ngoài, tạo ra các trung tâm logistics có quy mô cấp khu vực trên địa bàn.
Kỳ 2: Tạo lập không gian phát triển mới
Kỳ 3: Hiện thực hóa, đáp ứng nhu cầu phát triển
Hợp tác, đẩy mạnh đầu tư
Với việc lưu lượng phương tiện giao thông ngày càng lớn đổ về một số trục đường bộ huyết mạch trong khi tính kết nối và đồng bộ với các loại hình giao thông khác như đường sắt, đường thủy nội địa còn thiếu và yếu đã làm tăng thời gian di chuyển giữa Bình Dương tới các cảng biển và sân bay quốc tế, tăng chi phí cho DN và nhà đầu tư, giảm lợi thế cạnh tranh của vùng Đông Nam bộ nói chung và Bình Dương nói riêng. Điều này đã cấp bách đặt ra cho Bình Dương và các DN một hướng phát triển mới.
Bình Dương xác định phát triển bền vững hệ thống logistics “xương sống” là nền tảng để thu hút đầu tư nước ngoài, thúc đẩy liên kết vùng và hội nhập kinh tế quốc tế, trở thành trung tâm công nghiệp, đô thị thông minh. Theo bà Phan Thị Khánh Duyên, Phó Giám đốc Sở Công thương, hiện ngành đề xuất nhiều giải pháp trước mắt và lâu dài nhằm tháo gỡ các “điểm nghẽn” để phát triển dịch vụ logistics tương xứng với tiềm năng, thúc đẩy hàng hóa xuất nhập khẩu, đặc biệt giảm chi phí logistics, nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng xuất khẩu của địa phương.
Các DN tại Bình Dương nỗ lực đầu tư hạ tầng dịch vụ logistics ngày càng hiện đại, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa
Bà Phan Thị Khánh Duyên cho biết trong thời gian tới ngành công thương đẩy mạnh các giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ logistics như triển khai thực hiện đề án nghiên cứu xây dựng chiến lược và chính sách phát triển bền vững hệ thống logistics trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, đề án triển khai các nội dung cụ thể như: Phân tích dự báo nhu cầu logistics theo các ngành hàng chủ lực trên địa bàn tỉnh và các địa phương lân cận đến năm 2030, nghiên cứu các khuynh hướng phát triển dịch vụ logistics và bài học kinh nghiệm chính sách quan trọng thúc đẩy phát triển…
Trao đổi với chúng tôi, ông Kho Choon Keng, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp người Hoa tại Singapore, đại diện Hiệp hội Logistics Singapore cho biết Bình Dương và các DN Singapore có thế mạnh để đẩy mạnh hợp tác logistics. Singapore duy trì vị trí dẫn đầu trong Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và đứng thứ hai trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Chỉ số hiệu quả logistics (theo công bố của Ngân hàng Thế giới) của Singapore xếp thứ 7/160 quốc gia. Singapore cũng sở hữu hệ thống cảng biển lớn và hiện đại bậc nhất thế giới.
Doanh nghiệp chuyển mình
Ông Phạm Văn Xô, Chủ tịch Hiệp hội Xuất nhập khẩu Bình Dương, cho biết: “Sở dĩ logistics hiện nay chậm phát triển do quy hoạch chưa bài bản dẫn đến hệ thống kết nối giao thông chưa đồng bộ. Thậm chí có những con đường vận chuyển chưa đạt yêu cầu, dẫn đến kẹt xe, kẹt giờ, chi phí vận chuyển đội lên rất nhiều. Nhiều DN và cả ngành chức năng đã tính đến giải pháp sử dụng hệ thống đường thủy hiện hữu dày đặc và chằng chịt của vùng để vận chuyển hàng hóa, vừa giảm quá tải cho đường bộ, vừa tiết kiệm chi phí nhiên liệu”.
Ông Trần Duy Khiêm, Giám đốc Phát triển kinh doanh U&I Logistics, cho biết trong chiến lược phát triển đến năm 2025, U&I Logistics sẽ trở thành hạt nhân kết nối tạo thành mạng lưới logistics lớn nhất Việt Nam, hướng tới cung cấp chuỗi các dịch vụ logistics trọn gói theo phương thức 4PL. Ngoài hệ thống kho ngoại quan hàng đầu khu vực, U&I Logistics còn sở hữu 40 xe đầu kéo, hơn 100 rơ-moóc và mạng lưới đối tác vận tải quy mô đáp ứng 1.000 TEUs/ ngày. Đồng thời là đại lý cho 16 hãng hàng không lớn trong và ngoài nước, hơn 20 hãng tàu có các tuyến nội Á và xuyên đại dương, phục vụ hàng chục ngàn container nhập - xuất hàng năm. Công ty Cổ phần Logistics U&I là đơn vị kinh doanh với tổng diện tích lưu trữ 2.000.000m2, công suất xử lý đạt 2.000 P/O mỗi ngày. Hệ thống kho ngoại quan này được ứng dụng công nghệ hút ẩm tiên tiến nhất hiện nay, luôn duy trì độ ẩm dưới 63% và bảo đảm 1.000 ngày không mốc đối với hàng hóa trong kho.
Ông Đoàn Hồng Tươi, Chủ tịch UBND TP.Tân Uyên, cho biết nhờ tăng cường cơ sở hạ tầng giao thông giúp vận chuyển hàng hóa, di chuyển giữa các vùng trọng điểm thuận lợi. Ngoài hệ thống hạ tầng giao thông đối ngoại, Tân Uyên còn có các tuyến giao thông đối nội quan trọng được đầu tư quy hoạch mở rộng lộ giới lên tới 28m, đây chính là tuyến giao thông có ý nghĩa đặc biệt để thành phố phát huy hết tiềm năng phát triển lĩnh vực logistics. TP.Tân Uyên là đơn vị đi đầu về kho ngoại quan phục vụ ngành hàng gỗ và nội thất cả nước. Đáng chú ý, hệ thống kho ngoại quan ngành gỗ và nội thất quy mô lớn nhất Đông Nam Á tại KCN Nam Tân Uyên - là hệ thống có mặt đầu tiên tại Việt Nam.
Ông Nguyễn Văn Dành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng khẳng định tỉnh quyết tâm trở thành trung tâm vệ tinh, nơi tập kết hàng hóa và dịch vụ logistics. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho DN phát triển các phương thức vận tải xanh, tham gia vào chuỗi cung ứng bền vững, phát huy tiềm năng các tuyến vận tải thủy nội địa, vận tải thủy xuyên biên giới. Đẩy mạnh hỗ trợ các DN trong lĩnh vực logistics nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, ứng dụng công nghệ, kết nối với các DN trong chuỗi cung ứng, đẩy mạnh xúc tiến thương mại cho dịch vụ logistics…
TIỂU MY