Phát huy sức mạnh Nội lực văn hóa, vững bước tiến vào kỷ nguyên vươn mình của đất nước
Theo dõi Báo Bình Dương trên
(BDO) Nội lực văn hóa như chất keo gắn kết các dân tộc trên dải đất Việt Nam, nhất là từ sau chiến thắng vĩ đại 30-4-1975, tạo nên một cộng đồng bền chặt, tiến bộ và văn minh. Suốt mấy ngàn năm lịch sử của cộng đồng các dân tộc Việt Nam đã luôn chứng tỏ chúng ta có một lịch sử cố kết cộng đồng bền chặt. Tính cố kết bắt nguồn từ điều kiện sống vô cùng khắc nghiệt, do vị trí địa lý mang lại, đó là: Cố kết cộng đồng để khắc phục những tác động xấu từ thiên tai của xứ nhiệt đới, gió mùa, triền miên mưa bão, lũ lụt; cố kết cộng đồng để chống lại sự xâm lăng, âm mưu đồng hóa dân tộc hòng thôn tính của các triều đại phong kiến phương Bắc, của thực dân phương Tây.
Nội lực văn hóa - năng lực nội sinh của dân tộc Việt Nam
Chúng ta cũng đã thắng tuyệt đối trước những tàn phá của thiên nhiên, chẳng những dân tộc ta vượt qua thiên tai để tồn tại, mà còn ghi dấu ấn bởi những thành tựu chinh phục thiên nhiên của mình bằng nhiều công trình trị thủy, mở mang bờ cõi vào hàng hiếm hoi trên thế giới từ xưa tới nay. Vậy, cái gì đã giúp cho các tộc người, vốn khá khác biệt nhau, gắn bó một cách tự nguyện và ngày càng bền chặt với nhau để cùng tồn tại và phát triển được trên một dải đất nhiều gian nguy, chắc ẩn như thế?
Thực tế mọi người, kể cả phe đối lập, đều phải thừa nhận rằng không một thế lực nào từ bên ngoài có thể giúp hoàn toàn, hoặc gánh vác thay cho cộng đồng các tộc người trên dải đất Việt Nam này vượt qua vô vàn khó khăn, hiểm nguy, để vươn lên như ngày hôm nay. Và, câu trả lời chính xác chỉ có thể tìm ra ở bên trong đời sống thường nhật của các cộng đồng dân tộc Việt Nam mà thôi. Điều đó có nghĩa là sức mạnh nội sinh-nội lực đóng vai trò quyết định. Sức mạnh ấy trước hết là sức mạnh của sự đoàn kết và tự lực, tự cường của cả một dân tộc; sức mạnh ấy sẽ được nhân lên gấp bội khi mỗi người dân nhận thức, quyết tâm thực hiện được trách nhiệm và quyền lợi của mình, đồng lòng hướng theo các lãnh tụ của dân tộc.
Nội lực của một đất nước bao gồm nhiều yếu tố, mang tính hệ thống, từ kinh tế, chính trị, lòng yêu nước, cho đến truyền thống và văn hóa, trong đó, nội lực văn hóa có vai trò quyết định trong mọi cuộc tranh đấu, vì nó luôn mang trong mình tính chính nghĩa, giá trị tiến bộ… Chính vì vậy mà nội lực văn hóa đã trở thành chất keo gắn kết một cách tự nhiên các cộng đồng tộc người, dù có nhiều khác biệt, đã tự nguyện coi nhau là cùng một gốc - “đồng bào”, như anh em một nhà.
Nhờ vào “chất keo nội lực văn hóa” chúng ta đã từng bước tháo gỡ khó khăn, giữ vững khối đại đoàn kết toàn dân tộc để vươn lên đạt nhiều thành tựu rất to lớn. Đến nay, với thành tựu to lớn của 50 năm sau ngày thống nhất đất nước, có thể khẳng định rằng một lần nữa dân tộc Việt Nam lại chiến thắng vẻ vang, dù còn nhiều khó khăn và thách thức phía trước!
Để có được một Việt Nam tươi đẹp và hùng mạnh như hôm nay, là nhờ biết bao thế hệ người Việt Nam, từ miền xuôi tới miền ngược, từ biên ải gian nguy đến các hải đảo xa khơi, đã cần cù, anh dũng, kiên trì, sáng tạo vượt mọi trở lực hiểm nguy, đánh đuổi mọi kẻ xâm lăng, dầy công vun đắp mà nên.
Chúng ta cũng biết rằng các thế hệ ông cha ta trước kia dựng nước và giữ nước, với đôi tay trần, chỉ có khối óc thông minh, nghị lực sống tràn đầy, cùng những khát vọng vươn tới tự do và tiến bộ luôn rực cháy trong tim. Vậy mà ông cha ta đã dựng xây cơ nghiệp, kiến tạo giang sơn, bồi đắp nên các giá trị văn hóa để lại di sản cho chúng ta hôm nay thừa kế. Nội lực văn hóa trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam đã thực sự trở thành động lực thúc đẩy sự phát triển của đất nước Việt Nam trong suốt mấy ngàn năm lịch sử.
Vai trò hạt nhân lãnh đạo của Đảng trong gìn giữ và phát huy nội lực văn hóa
Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta luôn quan tâm, chú trọng, đề cao vai trò, sức mạnh to lớn của văn hóa, sớm đề ra và luôn luôn nhất quán về đường lối phát triển văn hóa Việt Nam. Ngay từ năm 1943, trước khi giành chính quyền, Đảng ta đã đề ra “Đề cương văn hóa Việt Nam” để định hướng cho các mục tiêu cách mạng.
Trong đổi mới đất nước, Đại hội VIII của Đảng CSVN đã khẳng định: “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội”. Sau một thời gian đổi mới, Đảng tiếp tục ban hành Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII (năm 1998) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, đáp ứng những yêu cầu, đòi hỏi cấp bách của đời sống xã hội trong bối cảnh tình hình trong nước và quốc tế có nhiều chuyển biến. Đảng ta đã làm rõ hơn vai trò động lực của văn hóa trong thời kì đẩy mạnh Công nghiệp hóa-Hiện đại hóa: “Văn hóa là kết quả của kinh tế đồng thời là động lực của sự phát triển kinh tế. Các nhân tố văn hóa phải gắn kết chặt chẽ với đời sống và hoạt động xã hội trên mọi phương diện chính trị, kinh tế, xã hội, pháp luật, kỉ cương,… biến thành nguồn lực nội sinh quan trọng nhất của sự phát triển”.
Bước sang thời kì hội nhập quốc tế sâu rộng, Ban Chấp hành Trung Đảng khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 9-6-2014, về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”. Trong đó, Đảng ta nhấn mạnh mục tiêu cơ bản là: “Xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Văn hóa thật sự trở thành nển tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9, khóa XI đã kế thừa và phát huy những tinh hoa lý luận về văn hóa của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của Đảng ta trong các thời kì trước; đồng thời bổ sung, phát triển những tư tưởng, quan điểm mới về văn hóa, phù hợp với bối cảnh và tình hình thực tiễn đất nước. Lần đầu tiên Đảng đã cụ thể hóa và nhấn mạnh vai trò to lớn của văn hóa “là sức mạnh nội sinh quan trọng đảm bảo sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc”, cùng với quan điểm chỉ đạo “văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”. Nhờ đó mà nội lực văn hóa Việt Nam mới thực sự phát huy được vai trò của mình trong đời sống xã hội.
“Khơi dậy mạnh mẽ hơn nữa tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, tinh thần đoàn kết, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc của toàn dân tộc; phát huy cao độ những giá trị văn hóa, sức mạnh và tinh thần cống hiến của tất cả người dân Việt Nam, tạo nguồn lực nội sinh và động lực đột phá để thực hiện thành công mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2025, 2030, tầm nhìn 2045…; xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới, phát triển, hội nhập với những giá trị chuẩn mực phù hợp, gắn với giữ gìn, phát huy giá trị gia đình Việt Nam, hệ giá trị văn hóa, giá trị của quốc gia-dân tộc; kết hợp nhuần nhuyễn những giá trị truyền thống với giá trị thời đại;…” (trích phát biểu của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ 3, vào ngày 24-11-2021). |
Động lực phát triển trong kỉ nguyên vươn mình
GS, TS. Tô Lâm, Tổng Bí thư của Đảng ta đã nêu ra luận điểm về kỷ nguyên phát triển mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, sẽ được khởi đầu từ Đại hội toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.
GS Tô Lâm chỉ rõ: “Đích đến của kỷ nguyên vươn mình là dân giàu, nước mạnh, xã hội xã hội chủ nghĩa, sánh vai với các cường quốc năm châu. Ưu tiên hàng đầu trong kỷ nguyên mới là thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước xã hội chủ nghĩa phát triển, có thu nhập cao; khơi dậy mạnh mẽ hào khí dân tộc, tinh thần tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc, khát vọng phát triển đất nước; kết hợp chặt chẽ sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại”.
Đây được coi là bước đột phá mới trong tiến trình đổi mới tư duy chiến lược để phát triển đất nước, đồng thời cũng là minh chứng cho sự phát huy cao độ văn hóa chính trị, phát huy sức mạnh trí tuệ của Đảng cầm quyền.
Để phát huy tốt những ưu thế, sức mạnh của nội lực văn hóa Việt Nam trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, chúng ta cần nhận thức một cách khoa học, đầy đủ những vấn đề: Nội lực văn hóa Việt Nam như là một hệ thống cấu trúc đa dạng, phức hợp; các yếu tố cấu thành nội lực văn hóa, vai trò và quan hệ của chúng trong hệ thống các động lực; nâng cao nhận thức lý luận cho quần chúng nhân dân, để họ có những nhận thức đúng đắn, đầy đủ về vai trò, vị trí quan trọng của nội lực văn hóa, từ đó có những hành động thiết thực để vừa bảo tồn, phát huy những di sản văn hóa dân tộc, đồng thời không ngừng nỗ lực sáng tạo để làm giàu thêm “vốn văn hóa” của dân tộc Việt Nam. Hoàn thiện hệ thống pháp luật về văn hóa trong thời đại số hóa và chịu ảnh hưởng nhiều của trí tuệ nhân tạo, mạng xã hội.
Xác định đúng vai trò hạt nhân lãnh đạo của Đảng trong hệ thống nội lực văn hóa Việt Nam, thấy được và phát huy đúng vị trí, vai trò của từng bộ phận trong hệ thống; có chiến lược, chính sách phù hợp, có tầm nhìn sâu rộng để xây dựng kế hoạch phát triển văn hóa. Tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong kỷ nguyên mới với những mục tiêu, nhiệm vụ mới, tạo ra một khối gắn kết chặt chẽ, chung sức, đồng lòng vì sự vươn lên, lớn mạnh của đất nước.
Quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò chủ thể sáng tạo ra văn hóa của nhân dân lao động. Đánh giá đúng và có các chủ trương, chính sách khoa học nhằm phát huy vai trò chủ thể nội lực văn hóa Việt Nam của nhân dân lao động, tăng cường nâng cao năng lực của chủ thể này trong điều kiện mới.
Ðiều quan trọng trong xây dựng nội lực văn hóa Việt Nam là tạo ra sức hấp dẫn của văn hóa, làm cho mọi người tôn trọng, tự hào về văn hóa truyền thống; phát huy các giá trị đặc sắc, mang đậm bản sắc dân tộc và có lợi thế cạnh tranh quốc gia, có sức lôi cuốn đối với cộng đồng quốc tế. Tạo cơ chế chính sách phù hợp, huy động nguồn lực để thúc đẩy sự gia tăng sức mạnh quốc gia từ văn hóa. Đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa Việt Nam ở thời đại số hóa, chủ động hiện đại hóa văn hóa truyền thống một cách phù hợp, khoa học...
Kịp thời nhận diện, phát hiện đúng các yếu tố tiêu cực, biểu hiện tự suy thoái, đang làm giảm sức mạnh của nội lực văn hóa Việt Nam và có các biện pháp mạnh để kiên quyết ngăn chặn, loại bỏ. Thường xuyên điều chỉnh, nâng cao sức mạnh các yếu tố nội tại của nội lực văn hóa Việt Nam nhằm ngăn chặn nguy cơ suy giảm, tăng cường sức đề kháng và sức mạnh của nội lực văn hóa Việt Nam trong điều kiện hội nhập…
Tăng cường giao lưu quốc tế về văn hóa nhằm bổ sung các giá trị văn hóa tích cực mới, làm phong phú thêm cho nội lực văn hóa Việt Nam. Trong kỷ nguyên số hóa mạnh mẽ hiện nay, cần biết tiếp thu một cách khoa học, chọn lọc các giá trị văn hóa từ bên ngoài để bổ sung, phát triển và tăng cường nội lực văn hóa Việt Nam…
PGS, TS. Bùi Trung Hưng
Trường Đại học Công nghệ Đồng Nai