Phát huy tiềm năng, phát triển công nghiệp văn hóa

Cập nhật: 19-07-2024 | 08:11:06

 Với vị trí địa lý thuận lợi, hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại, Bình Dương nỗ lực phát triển công nghiệp văn hóa, tạo ra các sản phẩm văn hóa sáng tạo và hiện đại, tạo thành một trung tâm thương mại sôi động, tiếp tục thu hút nhiều nhà đầu tư và doanh nghiệp (DN) quốc tế.

 Bình Dương thu hút các doanh nghiệp phát triển công nghệ triển lãm chất lượng cao

 Thúc đẩy thương mại quốc tế

Ngoài phấn đấu trở thành trung tâm công nghiệp sản xuất thông minh, với ngành công nghiệp văn hóa, tỉnh Bình Dương tiếp tục thúc đẩy phát triển những nhóm ngành mới như phần mềm, trò chơi giải trí, thiết kế… Tỉnh luôn xác định phát triển các ngành công nghiệp văn hóa là quan trọng, có khả năng tạo ra các sản phẩm tinh thần tốt đẹp cho xã hội, đồng thời mang lại hiệu quả kinh tế, góp phần bảo đảm cho sự phát triển bền vững. Đối với công nghiệp văn hóa, Bình Dương đã có cơ hội hợp tác với Nhật Bản, Mỹ, Hà Lan, Hàn Quốc… thông qua việc tổ chức các tuần lễ sáng tạo nhân vật và nội dung.

Trao đổi với chúng tôi, ông Choi Youngsam, Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam, cho biết: “Bình Dương đẩy mạnh các hoạt động ngoại giao kinh tế, quảng bá rộng rãi hình ảnh tỉnh nhà, thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, góp phần tăng cường mối quan hệ giữa tỉnh với các địa phương, đối tác Hàn Quốc, qua đó góp phần vào việc thúc đẩy mối quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng giữa Việt Nam và Hàn Quốc. Trong thời gian tới, phía Hàn Quốc mong muốn Bình Dương phát triển các chương trình văn hóa, đáp ứng thêm nhu cầu thụ hưởng của DN Hàn Quốc tại Bình Dương”.

Được biết, trong giai đoạn 2021-2030, Bình Dương phấn đấu tăng doanh thu của các ngành công nghiệp văn hóa, đóng góp từ 1,5 - 2% trong tổng GRDP của tỉnh. Dưới góc nhìn ngành triển lãm, ông Nguyễn Thanh Đảo, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam, cho biết Bình Dương muốn đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa cần tối ưu hóa tiếp cận khách hàng tại các triển lãm thương mại. Bên cạnh đó, dịch vụ triển lãm đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy quan hệ thương mại quốc tế. Sử dụng công nghệ để nâng cao trải nghiệm cho khách hàng, đối tác tham gia các triển lãm tại Bình Dương.

Lãnh đạo Tổng Công Ty Becamex IDC khẳng định các hoạt động kết nối, giao thương và đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa là yếu tố quan trọng trong xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo. Becamex IDC đã kết nối với nhiều tổ chức trong và ngoài nước, thúc đẩy giao lưu văn hóa, giải trí, thể thao, du lịch nhằm phát triển thương mại dịch vụ quốc tế và nâng cao chất lượng sống cho người dân theo định hướng bền vững.

Khai thác lợi thế

Bình Dương đang xuất hiện nhiều hơn các DN văn hóa, bao gồm cả DN có vốn đầu tư nước ngoài. Tiềm năng, lợi thế rất lớn, nhưng cũng không ít thách thức cần nhận diện, tìm ra giải pháp để có thể khai thác “mỏ vàng” từ các ngành công nghiệp văn hóa.

Ông Lê Quang Lợi, Hiệu trưởng trường Trung cấp Mỹ thuật - Văn hóa Bình Dương, khẳng định trường không đứng ngoài xu thế phát triển của ngành công nghiệp văn hóa. Trong đó, trường đã và đang chuẩn bị kỹ càng cho việc phát triển nguồn nhân lực có trình độ cao dành cho ngành quảng cáo và truyền thông, góp phần tạo nền tảng phát triển những ngành công nghiệp văn hóa trong tương lai.

Bà Huỳnh Đinh Thái Linh, Giám đốc WTC Bình Dương, khẳng định: “Chúng tôi đã làm việc chặt chẽ trên mô hình ba nhà (triple helix) qua chiến lược thành phố thông minh Bình Dương, đã kết nối với nhiều tổ chức trong và ngoài nước, thúc đẩy toàn diện phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Trong thời gian tới, chúng tôi vẫn tiếp tục các nhiệm vụ thúc đẩy đầu tư trong và ngoài nước cũng như giao thương toàn cầu, mở rộng giao lưu văn hóa, giải trí, thể thao, du lịch nhằm phát triển thương mại dịch vụ quốc tế và nâng cao chất lượng sống cho người dân theo định hướng bền vững”.

Trong thời gian tới, tỉnh và Tổng Công ty Becamex IDC sẽ tiếp tục quyết liệt thúc đẩy chuyển đổi công nghiệp theo hướng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo cũng như phát triển bền vững. Phát triển ngành công nghiệp văn hóa gắn liền với sự phát triển đặc thù của địa phương, nhằm góp phần giúp Bình Dương trở thành trung tâm khoa học công nghệ và điểm đến của công nghiệp văn hóa tại khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam.

Bà Huỳnh Đinh Thái Linh đề xuất việc thành lập Trung tâm Sáng tạo và Nội dung Việt Nam - Hàn Quốc tại Bình Dương và khẳng định đây là mô hình khác biệt của tỉnh nhà ở giai đoạn phát triển mới, tạo thương hiệu đột phá trong lĩnh vực sáng tạo và phát triển nội dung tại Việt Nam, thúc đẩy giao thương văn hóa khu vực ASEAN với việc cung cấp nội dung cho các hoạt động vui chơi giải trí với nhiều cấp độ.

 Bà Huỳnh Đinh Thái Linh, Giám đốc WTC Bình Dương: “Thành lập Trung tâm Sáng tạo và Nội dung Việt Nam - Hàn Quốc là bước đi trong quá trình chuyển đổi của Bình Dương sang giai đoạn phát triển mới. Trung tâm có khả năng khai thác bản quyền của các nhân vật và phát triển các chương trình thúc đẩy ngành. Tập trung các ngành dịch vụ có chất lượng cao, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, hướng đến xây dựng khu công nghiệp khoa học - công nghệ - mô hình khu công nghiệp thế hệ mới thông qua các nguồn khách hàng mới trong nền công nghiệp văn hóa sáng tạo.

 TIỂU MY - CẨM TÚ

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=96
Quay lên trên