Với tiềm lực phát triển kinh tế vượt trội, động lực mạnh mẽ, TX.Tân Uyên đang hướng tới đô thị dịch vụ - công nghiệp - đầu mối giao thông với cơ sở hạ tầng hiện đại, môi trường sống tốt và phát triển bền vững.
TX.Tân Uyên tạo điều kiện để phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt là các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực công nghệ. Trong ảnh: Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH SX-TM Thiết bị điện Kim Sang (TX.Tân Uyên)
Công nghiệp dẫn dắt
Trao đổi với chúng tôi về những tiềm lực của địa phương, ông Đoàn Hồng Tươi, Chủ tịch UBND TX.Tân Uyên, cho biết trong những năm gần đây kinh tế thị xã phát triển tốc độ khá. Cơ cấu kinh tế đãchuyển dịch theo hướng hợp lý, hiện đại, chủ yếu tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, dịch vụ, giảm mạnh tỷ trọng ngành nông nghiệp. Vào những năm đầu khi trở thành đô thị loại IV và đến nay là đô thị loại III, ngành công nghiệp vẫn tiếp tục phát triển nhanh, giátrị rất lớn.
Trong giai đoạn tiếp theo, TX.Tân Uyên xác định công nghiệp vẫn là động lực phát triển chủ đạo của đô thị, tập trung phát triển theo chiều sâu với các loại hình công nghiệp kỹ thuật cao, ít ô nhiễm. Phát triển các khu công nghiệp hiện hữu, mở rộng theo định hướng công nghiệp sạch, công nghệ cao, thu hút nhà đầu tư vào các ngành công nghiệp mũi nhọn của địa phương.
“Hiện tại, thị xã có các Khu công nghiệp (KCN) Nam Tân Uyên, Nam Tân Uyên mở rộng, VSIP II, VSIP III, 3 Cụm công nghiệp Uyên Hưng, Thành phố đẹp và Phú Chánh. Trong đó, điểm nhấn lớn nhất là giữa năm 2022, tỉnh đã xây dựng KCN VSIP III có một phần phường Hội Nghĩa và xã Tân Lập, huyện Bắc Tân Uyên giáp ranh phía bắc thị xã kết nối với KCN Nam Tân Uyên mở rộng sẽ tạo động lực lớn để phát triển khu vực phía bắc thành một khu phát triển công nghiệp và dịch vụ đô thị có quy mô lớn tại thị xã”, ông Tươi chia sẻ.
Trong tương lai, TX.Tân Uyên khuyến khích chuyển đổi công năng, di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp nhỏ lẻ đan xen trong các cụm dân cư vào KCN và kiên quyết đóng cửa các cơ sở gây ô nhiễm môi trường. Các khu vực này được định hướng chuyển đổi chức năng thành đất đô thị phục vụ cho nhu cầu phát triển. Bên cạnh đó, thị xã xây dựng hình ảnh đô thị hiện đại, là điểm đến tiềm năng cho các doanh nghiệp mới, đặc biệt là đầu tư vào lĩnh vực công nghệ.
Bên cạnh công nghiệp, thị xã nhận thấy phát triển cảng sông vẫn là ưu thế, tạo thế và lực hỗ trợ cho công nghiệp phát triển bền vững. Hiện tại, thị xã có cảng sông Thạnh Phước đã được xây dựng giai đoạn 1, đang mở rộng giai đoạn 2 và cảng cạn ICD nằm trong cảng Thạnh Phước. Theo điều chỉnh quy hoạch kinh tế - xã hội tỉnh đến năm 2025 định hướng sẽ hình thành đô thị cảng Thái Hòa ở phường Thái Hòa và cảng ICD Vĩnh Tân tại KCN VSIP II. Hiện nay, thị xã đã và đang quan tâm hỗ trợ thu hút các thành phần kinh tế đầu tư vào các loại hình thương mại, dịch vụ có lợi thế, có hàm lượng tri thức, công nghệ và giá trị gia tăng cao. Để thực hiện được, thị xã ưu tiên phát triển kết cấu hạ tầng thương mại - dịch vụ (TM-DV) theo hướng hiện đại phục vụ nhu cầu khu vực phía bắc của tỉnh.
Lợi thế đô thị kết nối
Trao đổi về định hướng phát triển đô thị gắn với lợi thế, ông Đoàn Hồng Tươi cho rằng đô thị Tân Uyên có vị trí trung tâm nối liền các thành phố Thuận An, Dĩ An, Bến Cát, Thủ Dầu Một và các huyện Bàu Bàng, Bắc Tân Uyên, Phú Giáo. Chính vì thế, sự phát triển của các đô thị lân cận đã có tác động nhất định đến sự phát triển của thị xã. Để đưa địa phương phát triển, UBND thị xã nghiên cứu tương quan giữa thị xã với các đô thị lân cận để bảo đảm tính kết nối và phát triển giữa các đô thị.
“Điển hình là thành phố mới có ảnh hưởng lớn đến khu vực phía tây TX.Tân Uyên. Sự phát triển mạnh của các KCN đã thu hút dân cư đến sinh sống tại các phường Vĩnh Tân, Phú Chánh, Tân Vĩnh Hiệp. Do đó, khu vực giáp ranh phía tây của TX.Tân Uyên đề xuất các phương án sử dụng đất phù hợp để khai thác tốt ảnh hưởng của thành phố mới, đồng thời kết nối tốt hệ thống giao thông, khai thác sử dụng đất hiệu quả”, ông Đoàn Hồng Tươi nhấn mạnh.
Cùng với đó, TP.Thuận An và TP.Dĩ An là 2 đô thị lân cận phía nam của TX.Tân Uyên, đang phát triển mạnh về công nghiệp, TM-DV, tài chính. Do đó, tạo nên sự thu hút dân cư tại khu vực phía nam phường Tân Phước Khánh và Thái Hòa, tạo lực cho Tân Uyên phát triển đô thị rộng khắp và TM-DV chất lượng cao. Phía bắc của thị xã giáp ranh 5 xã của huyện Bắc Tân Uyên là Tân Bình, Bình Mỹ, Tân Lập, Đất Cuốc và Tân Mỹ. Khu vực này cũng đang phát triển KCN VSIP II, III và Đất Cuốc. Tại các KCN tập trung sẽ hình thành các khu dân cư mới mang tính chất đô thị. Đô thị Tân Uyên và Bắc Tân Uyên sẽ có mối quan hệ trực tiếp tương hỗ với nhau, sẽ tạo ra việc làm, thu hút lao động, thúc đẩy sự phát triển về nhà ở và dịch vụ của khu vực dân cư xung quanh. Sự phát triển của các khu dân cư xung quanh ngược lại cũng sẽ hỗ trợ cho sự phát triển của KCN với vai trò là trung tâm TM-DV, phục vụ cho nhu cầu của công nhân và các chủ đầu tư tới đây định cư và làm việc.
Xét liên vùng, TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai là đô thị lân cận phía đông của thị xã, là đô thị công nghiệp lớn trong khu vực, một đầu mối giao thông quan trọng phía đông - bắc TP.Hồ Chí Minh. TX.Tân Uyên tiếp tục đóng vai trò kết nối giữa tỉnh Bình Dương đến TP.Biên Hòa, tạo ra sự giao lưu thuận tiện với các đô thị xung quanh, các vùng nguyên liệu với chùm công nghiệp Phú Mỹ, Nhơn Trạch, cảng biển Thị Vải và khu du lịch Vũng Tàu nằm trong hành lang đường quốc lộ 51. Tất cả sẽ được Tân Uyên phát huy tiềm năng, lợi thế để vươn mình trong chặng đường mới.
TIỂU MY - VĂN DŨNG