Phát huy vai trò của thanh niên trong chuyển đổi số, phát triển kinh tế số

Thứ hai, ngày 31/03/2025
Theo dõi Báo Bình Dương trên

“Vai trò của thanh niên trong chuyển đổi số và phát triển kinh tế số” là chủ đề chương trình gặp gỡ, đối thoại giữa lãnh đạo UBND tỉnh với thanh niên do ông Bùi Minh Trí, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuối tuần qua. Chương trình không chỉ là diễn đàn lắng nghe mà còn thúc đẩy thanh niên tích cực tham gia vào công cuộc chuyển đổi số toàn diện.

Lực lượng nòng cốt trong chuyển đổi số

Chương trình đối thoại xoay quanh 5 nhóm vấn đề chính: Phát triển kỹ năng số cho thanh niên (TN); hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; phát triển thương mại điện tử, kinh tế số, góp phần xây dựng chính quyền số, xã hội số; giải quyết những khó khăn, thách thức...

Lãnh đạo UBND tỉnh và các sở, ban, ngành lắng nghe nhiều ý kiến của thanh niên tại buổi đối thoại

Trong không khí sôi nổi, nhiều câu hỏi mang tính thời sự đã được đặt ra, tập trung vào các vấn đề cốt lõi của chuyển đổi số (CĐS), như: Cơ chế, chính sách, đào tạo cho lực lượng TN tình nguyện để thúc đẩy quá trình CĐS cộng đồng theo tinh thần của Nghị quyết 57-NQ/TW đề ra; phát triển kỹ năng số cho TN; hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; phát triển thương mại điện tử, kinh tế số; góp phần xây dựng chính quyền số, xã hội số; giải quyết những khó khăn, thách thức trong giai đoạn hiện nay; giải pháp bảo đảm an toàn trên không gian mạng. Đặc biệt, những trăn trở về việc tiếp cận công nghệ, khả năng thích nghi với sự thay đổi nhanh chóng của nền kinh tế số cũng được các bạn trẻ nêu lên.

Anh Lê Hồng Quân, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Đội TP.Thủ Dầu Một, nói: “Đến với buổi đối thoại, tôi muốn gửi đến lãnh đạo tỉnh những vấn đề liên quan đến cơ chế, chính sách dành cho tổ, đội, nhóm TN tình nguyện tham gia CĐS cộng đồng. Trong bối cảnh phát triển về công nghệ số, đổi mới sáng tạo, tỉnh Bình Dương đã thành lập tổ, đội, nhóm TN tình nguyện tham gia CĐS cộng đồng các cấp. Các đội hình tình nguyện viên hướng dẫn, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến và tổ công nghệ số cộng đồng được triển khai trên toàn tỉnh. Vậỵ, tỉnh đã có cơ chế, chính sách, đào tạo nào cho lực lượng TN tình nguyện này để thúc đẩy quá trình CĐS cộng đồng theo tinh thần của Nghị quyết 57-NQ/TW”.

Ông Bùi Minh Trí, Phó Chủ tịch UBND tỉnh:

“Thanh niên là lực lượng tiên phong trong chuyển đổi số và phát triển kinh tế số. Tôi mong rằng, sau hội nghị, mỗi bạn trẻ sẽ không ngừng học tập, nâng cao kỹ năng, tận dụng tối đa lợi thế của công nghệ để phát triển bản thân và đóng góp cho xã hội. Tôi cũng mong rằng, các bạn sẽ tiếp tục mạnh dạn đề xuất sáng kiến, tham gia vào các dự án khởi nghiệp, kết nối và hỗ trợ lẫn nhau để tạo nên một cộng đồng thanh niên Bình Dương năng động, sáng tạo, hội nhập...”.

Trả lời vấn đề này, đại diện Sở Khoa học - Công nghệ cho biết Bình Dương đã triển khai nhiều cơ chế, chính sách và chương trình đào tạo để hỗ trợ TN tình nguyện trong việc thúc đẩy CĐS cộng đồng như đào tạo kỹ năng số. Sở Khoa học - Công nghệ cũng như các cơ sở giáo dục đã tổ chức các khóa học về công nghệ thông tin, kỹ năng sử dụng các công cụ số và ứng dụng công nghệ trong công việc; hỗ trợ tài chính và cơ sở vật chất. Thông qua các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp, tỉnh đã hỗ trợ các nguồn lực cần thiết để TN có thể thực hiện các dự án CĐS. Với chương trình tình nguyện số, tỉnh đã thành lập 587 tổ công nghệ số cộng đồng với 3.540 thành viên để hỗ trợ cộng đồng, hướng dẫn người dân sử dụng các dịch vụ công trực tuyến và ứng dụng công nghệ trong đời sống; triển khai các chương trình kết nối TN với các doanh nghiệp công nghệ để học hỏi kinh nghiệm và tham gia vào các dự án thực tế… Những nỗ lực này không chỉ giúp nâng cao năng lực của TN mà còn góp phần thúc đẩy quá trình CĐS toàn diện trong cộng đồng trên địa bàn tỉnh.

Tham gia buổi đối thoại, nhiều TN cũng quan tâm đến những chính sách ưu đãi hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp do TN sáng lập trong lĩnh vực công nghệ và nội dung số (Blog, YouTube, TikTok…) để thúc đẩy sự đổi mới và phát triển bền vững. Bên cạnh đó, TN cũng đặt ra nhiều băn khoăn về rủi ro, về lừa đảo trực tuyến, tin giả và xâm phạm dữ liệu cá nhân và các vấn đề về trang bị kỹ năng an toàn trên không gian mạng.

Đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng và nhân lực số

Trước những ý kiến đóng góp từ TN, lãnh đạo UBND tỉnh và các sở, ban, ngành đã đưa ra nhiều thông điệp quan trọng. Ông Bùi Minh Trí, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, nhấn mạnh: “Tỉnh sẽ tiếp tục đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng số, bảo đảm TN có điều kiện tốt nhất để tiếp cận công nghệ, như: Hệ thống mạng viễn thông, internet tốc độ cao, các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp số sẽ được phát triển hơn nữa. Tỉnh sẽ nghiên cứu, triển khai các chương trình hỗ trợ tài chính, quỹ đầu tư khởi nghiệp dành riêng cho TN, giúp các bạn hiện thực hóa ý tưởng đổi mới sáng tạo. Tỉnh sẽ phối hợp với các doanh nghiệp, tập đoàn công nghệ lớn để triển khai các khóa đào tạo kỹ năng số, hướng nghiệp và tạo cơ hội việc làm cho TN trong lĩnh vực công nghệ thông tin, thương mại điện tử, trí tuệ nhân tạo; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, phát triển chính quyền số để tạo môi trường thuận lợi hơn cho TN tham gia vào các hoạt động kinh tế, xã hội…”.

Chương trình không chỉ dừng lại ở việc đối thoại mà còn tạo động lực để TN hành động. Trương Anh Hoàng, học sinh trường THPT Bàu Bàng, hào hứng chia sẻ: “Thông qua chương trình giúp cho thế hệ trẻ Bình Dương lắng nghe những câu hỏi của các anh chị, các bạn đoàn viên TN đến những câu trả lời của lãnh đạo các sở, ban, ngành trong tỉnh. Từ đó giúp thế hệ trẻ chuẩn bị những hành trang để bước vào kỷ nguyên mới, giúp TN có cách nhìn sâu rộng, toàn diện hơn về CĐS như hiện nay. Qua đây, chúng em cũng mong muốn có thêm nhiều cơ hội để học hỏi và tham gia vào các dự án CĐS của tỉnh”.

Chương trình đối thoại không chỉ mang lại thông tin quan trọng mà còn thể hiện sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo tỉnh đối với thế hệ trẻ. Đối với TN Bình Dương, đây không chỉ là diễn đàn để bày tỏ ý kiến mà còn là cơ hội để hiện thực hóa khát vọng, góp phần thúc đẩy quá trình CĐS của địa phương.

NGỌC NHƯ - THANH TUYỀN