Phát huy vai trò kinh tế tập thể trong việc hình thành sản phẩm đặc trưng

Cập nhật: 29-06-2022 | 08:34:44

Việc chú trọng tập hợp, liên kết các hộ nông dân thành mô hình kinh tế tập thể (KTTT) được xem là một trong những giải pháp hữu hiệu trong việc thực hiện liên kết tiêu thụ sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm).

 Tổ hợp tác trồng mít tại ấp 7, xã An Linh mới được thành lập năm 2022 tạo ra sự liên kết giữa các nông hộ nhằm hỗ trợ nhau sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Trong ảnh: Ông Lê Văn Hậu, tổ trưởng THT bên vườn mít của gia đình

 Chú trọng sản phẩm đặc trưng

Huyện Phú Giáo từ lâu được biết đến là nơi có nhiều sản phẩm nông sản chất lượng cao, nhất là các loại quả như dưa lưới, cam, bưởi, chanh không hạt... Một số hợp tác xã (HTX) nông nghiệp trên địa bàn đã mạnh dạn đầu tư công nghệ, phát triển sản phẩm OCOP. Điển hình như HTX Nông nghiệp công nghệ cao Kim Long (ấp Cà Na, xã An Bình), năm 2021 sản phẩm dưa lưới được UBND tỉnh công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao, đã khẳng định được chỗ đứng trên thị trường trong và ngoài tỉnh. Ông Nguyễn Hồng Quyết, Giám đốc HTX chia sẻ: “Từ khi phát triển các sản phẩm OCOP, các thành viên, bà con nông dân đã yên tâm gắn bó hơn với các loại cây trồng đặc sản của địa phương. Thị trường tiêu thụ được mở rộng, đầu ra bảo đảm hơn, uy tín và vị thế của HTX từ đó cũng được khẳng định”.

Có thể nhận thấy, các sản phẩm OCOP gắn với HTX đã và đang trở thành động lực để người dân thi đua phát triển sản xuất, liên kết tạo ra những sản phẩm theo chuỗi giá trị, góp phần nâng cao thu nhập, phục vụ hiệu quả cho chương trình xây dựng nông thôn mới. Hiện nay, tiềm lực sản phẩm tham gia OCOP của huyện là lớn nhưng việc tuyên truyền rộng rãi tại địa phương để chủ thể hiểu và tham gia còn hạn chế. Theo ông Nguyễn Trường Hải, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, hiện vẫn còn rất ít chủ thể chủ động tìm đến để được hướng dẫn hỗ trợ đưa sản phẩm tham gia OCOP.

Nhằm hướng tới mục tiêu huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao đến năm 2025, huyện chú trọng giao nhiệm vụ cụ thể cho đơn vị chức năng nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình, trong đó có OCOP. Ông Trương Thanh Hóa, Trưởng phòng Kinh tế huyện, cho biết: “Để bảo đảm việc phối hợp đặt hàng thực hiện nhiệm vụ liên quan đến lĩnh vực phát triển nông nghiệp trên địa bàn, Phòng Kinh tế đã đề xuất Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện một số nội dung ưu tiên triển khai trong thời gian tới như chương trình OCOP, nhân rộng mô hình sản xuất nông nghiệp theo quy trình VietGAP, trình diễn các mô hình mới...”.

Đẩy mạnh mô hình kinh tế hợp tác

Huyện Phú Giáo được xác định là huyện nông nghiệp, trọng tâm là thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia như xây dựng nông thôn mới, OCOP... Trong đó, huyện tiếp tục phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với sản xuất, chế biến tiêu thụ sản phẩm và xây dựng nông thôn mới nâng cao, đi đôi với bảo vệ môi trường.

Một trong những giải pháp được xem là xu hướng tất yếu trong sản xuất nông nghiệp hiện đại đó là tập hợp, liên kết các hộ nông dân thành mô hình kinh tế tập thể. Theo Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, sản phẩm dịch vụ nông nghiệp trong lĩnh vực trồng trọt rất đa dạng. Tuy nhiên, các nông hộ còn sản xuất nhỏ lẻ, chưa có sự liên kết để đáp ứng khi có doanh nghiệp đặt hàng. Một số nông hộ chưa tuân theo quy chuẩn về sản xuất theo hướng an toàn, VietGAP, hữu cơ… mẫu mã sản phẩm chưa thực sự đồng nhất đáp ứng theo yêu cầu. Khi có được sự liên kết giữa các nông hộ sẽ là tiền đề để hình thành sản phẩm OCOP cũng như liên kết tiêu thụ sản phẩm, bảo đảm cả về số lượng và chất lượng cho các đơn vị đặt hàng.

Nói về giải pháp trong việc thực hiện liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp nói chung và sản phẩm OCOP nói riêng, ông Nguyễn Văn Long, Trưởng ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển KTTT huyện, nhấn mạnh: “Huyện chú trọng chỉ đạo các địa phương phối hợp với các đơn vị chuyên môn tập hợp các nông hộ liên kết lại thành lập tổ liên kết, THT, tiền đề để phát triển thành HTX sau này. Do hầu hết các tổ liên kết, THT trên địa bàn còn thiếu nguồn nhân lực đủ trình độ chuyên môn và năng lực quản lý để chuyển đổi sang mô hình HTX, nên huyện chú trọng công tác tập huấn về hỗ trợ, phát triển mô hình THT cho các đối tượng là nông dân, thành viên THT, cán bộ phụ trác kinh tế tập thể các xã, thị trấn... Từ các THT, tổ liên kết hoạt động hiệu quả sẽ vận động liên kết hợp tác đầu tư, hình thành HTX để chuyển giao kinh nghiệm, triển khai sản phẩm OCOP nhằm nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh trên thị trường”.

 Ông Nguyễn Trường Hải, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Phú Giáo: Chương trình mục tiêu quốc gia gắn với xây dựng NTM, các xã phải có một sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao trở lên. Trung tâm chú trọng phối hợp cùng các đơn vị có liên quan chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực nông nghiệp để hình thành và phát triển các sản phẩm đủ tiềm năng tham gia chương trình OCOP; phối hợp cùng chính quyền địa phương tổ chức hướng dẫn và hoàn thiện hồ sơ tham gia chương trình OCOP của các chủ thể có tiềm năng năm 2022 và các năm tiếp theo.

 TIẾN HẠNH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên