Phát huy vai trò trạm y tế lưu động, đưa y tế đến gần người dân
(BDO) Kỳ 1: Đáp ứng yêu cầu chống dịch trong tình hình mới
Các TYTLĐ được thành lập trên địa bàn tỉnh đã đáp ứng kịp thời công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại cơ sở và nhu cầu khám chữa bệnh trong tình hình dịch bệnh bùng phát. Hiệu quả hoạt động của các TYTLĐ đã tạo ra sự an tâm cho người dân để cùng chung tay chống dịch.
Đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch bệnh
Theo tìm hiểu của phóng viên, TYTLĐ trên các địa bàn “khóa chặt, đông cứng” ở TX.Tân Uyên, TP.Thuận và TP.Dĩ An đã và đang phát huy hiệu quả trong việc hỗ trợ điều trị, cấp cứu và chuyển viện những bệnh nhân Covid-19 nặng kịp thời. Đồng thời, các trạm còn khám, chữa bệnh ban đầu cho người dân trong những ngày giãn cách xã hội. Các TYTLĐ được trang bị thiết bị y tế, cơ số thuốc, bình oxy, có y, bác sĩ... để hoạt động và gắn kết với các bệnh viện, cơ sở điều trị dã chiến tầng 1.
Ông Võ Văn Bá (thứ 2 từ phải sang), Ủy viên Thường vụ, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành và lãnh đạo TX.Tân Uyên tặng hoa và trao quyết định thành lập Trạm Y tế lưu động số 2, Cụm công nghiệp Phú Chánh, TX.Tân Uyên. Ảnh: ĐỖ TRỌNG
Theo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TX.Tân Uyên, hiện nay dân số địa phương này khoảng 450.000 người. Trong đó có hơn 50% là lao động đang làm việc ở 1.800 doanh nghiệp trên địa bàn. Trước tình hình dịch bệnh bùng phát và diễn biến khó lường, có nhiều ca mắc Covid-19 được phát hiện trong khu nhà trọ, nhà máy, xí nghiệp và công ty, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TX.Tân Uyên đã thành lập và đưa vào hoạt động 26 TYTLĐ, trong đó có 21 TYTLĐ tại 7 phường “đông cứng, khóa chặt”; mỗi phường có 3 trạm và 5 TYTLĐ tại các xã, phường còn lại.
Bác sĩ CKII Huỳnh Minh Chín, Giám đốc Trung tâm Y tế TX.Tân Uyên, cho biết các TYTLĐ chịu sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thị xã và sự quản lý toàn diện, điều hành trực tiếp về chuyên môn nghiệp vụ của Trung tâm Y tế thị xã. Mỗi TYTLĐ có từ 7 - 10 thành viên gồm: Lãnh đạo UBND phường, cán bộ y tế, công an, quân sự, các đoàn thể tại địa phương, đại diện tổ dân phố, tình nguyện viên. TYTLĐ có 1 số điện thoại di động để người dân liên hệ nhanh chóng, thuận tiện; đồng thời, được trang bị 1 xe cấp cứu, các vật dụng, cơ số thuốc thiết yếu phòng, chống dịch Covid-19.
Trạm bảo đảm hoạt động trực cấp cứu 24/7 để đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân. TYTLĐ còn thực hiện khám, điều trị, cấp thuốc cho người mắc các bệnh thông thường, bệnh mạn tính, thực hiện sơ cấp cứu và chuyển tuyến các bệnh thông thường. Lũy kế từ ngày thành lập đến nay, các TYTLĐ của TX.Tân Uyên đã chăm sóc 5.682 F0 và cấp cứu 392 bệnh nhân tại nhà, cấp phát 3.672 túi thuốc điều trị cho bệnh nhân F0 trên địa bàn.
Triển khai trên toàn tỉnh
Tiến sĩ Nguyễn Hồng Chương, Giám đốc Sở Y tế, cho biết mục tiêu của việc thiết lập các TYTLĐ là để người dân, đặc biệt là người dân trong các vùng phong tỏa phải được tiếp cận y tế nhanh nhất, sớm nhất. Khi người dân có bệnh hay cần sự chăm sóc của y tế, các TYTLĐ sẽ là nơi tiếp nhận, hướng dẫn, xử trí kịp thời để hạn chế đến mức thấp nhất những trường hợp nhiễm bệnh Covid-19 trở nặng. Do vậy, việc thành lập và đưa vào hoạt động các TYTLĐ giúp các xã, phường giảm bớt áp lực trong việc quản lý F0 tại nhà, đặc biệt là công tác hỗ trợ chăm sóc y tế, cấp cứu, tư vấn sức khỏe cho người dân.
Lực lượng y tế TYTLĐ phường Dĩ An, TP.Dĩ An tiến hành tiêm vắc xin ngừa Covid-19 tại nhà cho người cao tuổi trên địa bàn phường
Tính đến ngày 17-9, trên địa bàn tỉnh đã thành lập được 51 TYTLĐ tại 26 xã, phường ở các địa phương “vùng đỏ”. Trong đó, TP.Thuận An có 21 TYTLĐ, TP. Dĩ An có 4 TYTLĐ tại 4 phường đông cứng (An Bình, Dĩ An, Đông Hòa, Tân Đông Hiệp), TX.Tân Uyên có 26 TYTLĐ (21 trạm tại 7 phường đông cứng và 5 trạm tại các xã, phường còn lại). Toàn tỉnh cũng đã thành lập 91 TYTLĐ ở các địa phương “vùng xanh”. Trong đó, TP.Thủ Dầu Một có 42 trạm, TX.Bến Cát có 8 trạm, huyện Dầu Tiếng có 12 trạm, huyện Phú Giáo có 11 trạm, huyện Bàu Bàng có 8 trạm và huyện Bắc Tân Uyên có 10 trạm.
Bà Trần Thị Cẩm Tú, Bí thư Đảng ủy phường Uyên Hưng, TX.Tân Uyên, cho biết trong thời gian đầu khi dịch bệnh bùng phát trên địa bàn, phường chưa có TYTLĐ khiến lực lượng y tế phường bị quá tải trong việc cấp cứu các trường hợp F0 chuyển nặng tại 7 khu cách ly trên địa bàn với khoảng hơn 1.200 người. Đồng thời, các F0 không triệu chứng, triệu chứng nhẹ cách ly điều trị tại nhà cũng rất cần hỗ trợ y tế và khám chữa bệnh thông thường cho người dân trong những ngày giãn cách xã hội. Từ khi có 3 TYTLĐ, phường đã kịp thời xử lý những công việc nêu trên rất tốt và hiệu quả. Cùng với lực lượng y, bác sĩ và nhân viên y tế tăng cường chi viện từ quân y, các trạm kịp thời quản lý và chăm sóc người nhiễm bệnh Covid-19, đặc biệt là những F0 tăng nặng trong các khu các ly và khám, chữa bệnh thông thường, tư vấn sức khỏe cho người dân qua điện thoại… Điều này đã giúp giảm áp lực cho trạm y tế của phường và giải tỏa được lo lắng của người dân về vấn đề y tế trong thời gian phòng, chống dịch trên địa bàn phường. (Còn tiếp)
ĐỖ TRỌNG