Căn cứ theo Nghị định 34/2010 NĐ-CP quy định “Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây: Chiếm dụng đường phố để: kinh doanh dịch vụ ăn uống; bày bán hàng hóa; kinh doanh, buôn bán vật liệu xây dựng; sản xuất, gia công hàng hóa; làm nơi trông, giữ xe; sửa chữa hoặc rửa xe; đặt, treo biển hiệu, biển quảng cáo; làm mái che; thực hiện các hoạt động dịch vụ khác gây cản trở giao thông...” đã có hiệu lực từ ngày 20-5. Quy định là vậy nhưng thực tế triển khai vướng nhiều khó khăn khi áp dụng mức phạt như trên.
Trường hợp chiếm dụng đường phố như thế này sẽ bị phạt tiền rất caoBình Dương là tỉnh công nghiệp phát triển rất nhanh, kéo theo một lượng lao động nhập cư từ nơi khác đến sinh sống và lập nghiệp. Phần lớn họ tự do kiếm sống bằng việc mua bán hàng hóa trên những chiếc xe thô sơ, bày bán trên các vỉa hè, lòng đường... gây mất mỹ quan đường phố và cũng là nguyên nhân gây mất trật tự, cản trở giao thông. Đã có nhiều đợt ra quân tuyên truyền, giáo dục, xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm, nhưng tình trạng vẫn như “bắt cóc bỏ dĩa”. Nghị định 34 vừa ban hành áp dụng với mức xử phạt khá cao nhằm mang tính triệt để ngăn chặn việc lấn chiếm lòng đường. Nếu như Nghị định 146/2007/NĐ-CP ngày 14-9-2007 trước đây có mức xử phạt rất nhẹ chỉ từ 50.000 đồng đến 100.000 đồng, phạt nặng thì chỉ ở mức 750.000 đồng thì Nghị định 34 nay xử phạt cao gấp nhiều lần.
Trước đó, nhiều địa phương đã tổ chức công tác tập huấn, tuyên truyền về mức phạt đối với những trường hợp vi phạm, cản trở giao thông. Kèm theo đó là công tác ra quân dọn dẹp, xử lý các trường hợp vi phạm nhưng vẫn chưa thể áp dụng mức phạt trên đối với người buôn bán nhỏ lẻ trên đường. Chị Nguyễn Thanh Hiền, quê Quảng Bình, kiếm sống qua ngày bằng chiếc xe đẩy bán trái cây, nói: “Tôi có nghe loáng thoáng là phạt mấy chục triệu đối với những người lấn chiếm lòng đường. Như vậy thì người dân nghèo không thể sống được, nếu bị bắt chắc là bỏ xe luôn chứ làm sao có tiền mà nộp phạt lấy xe”. Thật vậy, cộng cả vốn lẫn lời mỗi ngày mà chị kiếm được thì “thà bỏ xe còn hơn”! Suy nghĩ của chị Hiền cũng là suy nghĩ chung của đa số người buôn bán nhỏ lẻ.
Ngay ở khu vực chợ TX.TDM công tác lập lại trật tự đô thị cũng vô cùng khó khăn; vừa thoáng thấy bóng dáng của đội trật tự thì những người buôn bán rong đã gom hàng bỏ chạy. Khuất bóng xe thì họ lại bày bán như cũ, chẳng khác nào đánh đố ngành chức năng trong công tác lập lại trật tự, kỷ cương đường phố. Gặp chị Nguyễn Thanh Nga, người vừa bị thu gom mớ rau muống lên xe, chị vừa tiếc vừa nói: “Nhà ở tận ngoài Trung, lũ lụt triền miên nên nghèo quá, vào đây tính bán rong kiếm sống, mà như thế này thì người nghèo lại nghèo hơn... Tôi cũng nghe nói mức phạt gì mà 20 triệu đồng, thôi thì bỏ hàng chứ làm gì mà có tiền nộp phạt”!
Theo bà Nguyễn Thu Cúc, Chủ tịch UBND phường Phú Cường, mức phạt những trường hợp chiếm dụng đường phố để buôn bán hàng hóa theo Nghị định 34 là quá cao. Vì vậy, sau gần 1 tháng thực hiện thì địa phương vẫn chưa ra quyết định xử phạt trường hợp nào. Từ 20 đến 30 triệu đồng, mức bình quân là 25 triệu đồng, như vậy những người buôn bán nhỏ lẻ không thể kham! Họ bỏ của, mặc cho chính quyền địa phương muốn làm gì thì làm với số hàng hóa thu gom được. Nếu như trước đây, hàng bị tịch thu buổi sáng thì buổi chiều người dân đã đến nộp phạt lấy hàng về. Còn nay, họ bị phạt cao nên bỏ luôn! Ngoài ra, thẩm quyền xử phạt của UBND phường cũng chỉ hạn chế ở mức 2 triệu đồng, nên muốn xử phạt ở mức trên theo quy định thì phải có biên bản, tờ trình gửi lên UBND thị xã. Như vậy, phải qua nhiều cấp để có thể ra quyết định xử phạt, trong khi UBND phường lại là nơi trực tiếp quản lý!
Tại một số nơi có khu công nghiệp, dân nhập cư đông thì việc lấn chiếm buôn bán lòng lề đường lại càng phức tạp. Họ không có chỗ ở ổn định, buôn bán không cụ thể nơi nào, không ai quản lý nên việc xử phạt vô cùng khó khăn. Trao đổi với chúng tôi, đa số chính quyền địa phương có dân nhập cư đông đều “lắc đầu” không biết phải làm thế nào cho hiệu quả khi nghị định đã được ban hành. Suy cho cùng thì họ cũng là lao động nghèo, nếu có chỗ buôn bán ổn định thì không ai lại muốn ra đường đứng bán để rồi vừa bán... vừa canh chừng vì sợ bị tịch thu hàng hóa.
Bà Nguyễn Thu Cúc cho biết thêm: “Nghị định ban hành với tính răn đe rất cao, tất nhiên là phải thực hiện nhưng rất khó áp dụng đối với mức phạt như trên. Chỉ còn cách linh động là vừa nhắc nhở, vừa tuyên truyền cho người dân hiểu được việc giữ gìn đường phố sạch đẹp là quan trọng trong cuộc sống văn minh đô thị. Một phần người dân phải tự ý thức được vấn đề giữ gìn an ninh trật tự, bảo đảm đường thông, hè thoáng. Còn việc xử phạt ở mức trên vẫn còn nhiều khó khăn và bất cập... Chỉ mong ngành chức năng xem xét để người dân có nơi buôn bán ổn định, kinh doanh thuận tiện. Lúc này, nếu họ vẫn cố tình vi phạm thì có cơ sở để giải quyết xử phạt, còn như bây giờ thì vẫn phải nhẹ tay cho người dân kiếm kế sinh nhai...”.
THỦY TRINH