Sau bài viết “Cần mạnh tay xử lý tình trạng chó thả rông” đăng trên báo Bình Dương, nhiều bạn đọc đồng tình và mong chính quyền địa phương xử lý triệt để tình trạng này. Nhiều bạn đọc cũng đề xuất các địa phương cần mạnh tay xử lý chủ vật nuôi khi để vật nuôi ra đường phóng uế, cắn người.
Thời gian qua, Đội bắt chó thả rông phường Tân Đông Hiệp (TP.Dĩ An) hoạt động rất hiệu quả, được người dân đánh giá cao và được các địa phương học tập mô hình này
Mất lòng vì vật nuôi
Anh Nguyễn Phương (tổ 113, KP.8, phường Hiệp Thành, TP.Thủ Dầu Một), cho biết gần nhà anh có một hộ nuôi khoảng 6 con chó, nhưng không làm lồng nhốt mà cứ thả ra đường. Có lần con anh Phương đang chơi trước nhà thì bị chó hàng xóm rượt cắn. Người nhà anh nhắc hàng xóm xích chó lại vì sự an toàn cho trẻ con trong xóm thì bị họ chửi và đòi đánh. Chưa hết, mỗi ngày đám chó trên phóng uế đầy đường khiến anh và những người trong xóm ngán ngẩm.
Theo anh Phương, bức xúc nhất là khi con anh bị chó nhà họ cắn nhưng họ thách thức “giỏi thì cứ kêu phường xuống giải quyết”. Anh đã phản ánh đến khu phố nhưng khi có cán bộ xuống nhắc thì họ mới nhốt chó lại, cán bộ về thì thả ra.
Tương tự, chị Nguyễn Lan (hẻm 188 đường Nguyễn Văn Lộng, phường Chánh Mỹ, TP.Thủ Dầu Một) bức xúc, tại con hẻm trên có nhà nuôi cả chục con chó và thả ra đường mà không đeo rọ mõm. Gặp người đi ngang qua là chó rượt sủa, cắn người và phóng uế đầy đường. Nhiều người dân trong hẻm cũng nói chuyện với chủ vật nuôi nhưng “bị chửi và đòi đánh”. Trong các cuộc họp tổ dân phố, người dân đều ý kiến nhưng tình trạng trên không được khắc phục. Ngoài ra, hiện nay nhiều hộ dân tại một số phường trên địa bàn TP.Thủ Dầu Một bức xúc trước tình trạng chó thả rông dễ gây tai nạn cho người tham gia giao thông.
Cần xử lý đồng bộ
Theo tìm hiểu của P.V, hiện nay tại các phường trên địa bàn TP.Thủ Dầu Một chưa tổ chức việc bắt chó thả rông mà chỉ ở mức nhắc nhở chủ vật nuôi, vì vậy tình trạng chó thả rông gây nguy hiểm cho người dân và phóng uế ra đường đang tiếp diễn.
Nhiều bạn đọc mong muốn từ hình ảnh người dân cung cấp, chính quyền địa phương mạnh tay “phạt nguội” để xử lý tình trạng chó thả rông, phóng uế bừa bãi
Ông Nguyễn Hoàng Khánh, Chủ tịch UBND phường Hiệp Thành (TP.Thủ Dầu Một), cho biết phường đã chỉ đạo trưởng khu phố rà soát các hộ nuôi chó trên địa bàn để nhắc nhở không thả rông phóng uế mất vệ sinh gây bức xúc. Đồng thời, phường cũng phát các tờ rơi quy định mức xử phạt theo Nghị định số 90/2017/NĐ- CP ngày 31-7-2017 và Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 31-12-2021 đến người nuôi chó; cảnh báo về bệnh dại và triển khai bản cam kết thực hiện bảo đảm vệ sinh thú y, vệ sinh môi trường. “Tuy nhiên, qua rà soát, một số trưởng khu phố chưa thực hiện chặt chẽ việc cho chủ vật nuôi ký cam kết, hoặc một số người cố tình né tránh nên các hộ dân vẫn thả rông chó ra đường. Để “vá lỗ hổng” này, khi người dân phát hiện chó thả rông, phóng uế thì chụp lại hình ảnh, quay clip và gửi về phường, phường sẽ cử cán bộ môi trường xác minh và xử lý nghiêm bằng cách “phạt nguội”, ông Nguyễn Hoàng Khánh, Chủ tịch UBND phường Hiệp Thành, cho biết.
Được biết với cách làm trên, mới đây, cán bộ môi trường phường Hiệp Thành đã lập biên bản và “phạt nguội” 1 trường hợp để chó thả rông phóng uế.
Theo đại diện Chi cục Chăn nuôi Thú y và Thủy sản tỉnh, thời gian qua công tác quản lý đàn chó nuôi trên địa bàn tỉnh có chuyển biến tích cực; tuy nhiên cần có sự phối hợp tốt hơn từ người dân và chính quyền các cấp cùng với cơ quan thú y.
Cũng theo đại diện Chi cục Chăn nuôi Thú y và Thủy sản tỉnh, hiện nay nhiều địa phương trong tỉnh muốn thành lập đội bắt chó thả rông để tăng cường công tác quản lý chó nuôi nhưng chưa có đủ cơ sở pháp lý để xây dựng kinh phí cho các hoạt động có liên quan. Nhằm tăng cường công tác quản lý chó nuôi, đơn vị kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Bộ Tài chính có văn bản làm cơ sở pháp lý, hướng dẫn thêm về việc xây dựng kinh phí cho các hoạt động liên quan đến việc thành lập đội bắt chó thả rông.
Theo lãnh đạo Sở Y tế tỉnh, hiện tình hình bệnh dại trên địa bàn tỉnh ổn định. Năm 2022, tại Bình Dương không ghi nhận ca bệnh dại; năm 2023 cũng không ghi nhận bệnh dại nhưng số người bị chó, mèo cắn phải đi tiêm phòng năm 2023 là 15.479 mũi; công tác phòng chống bệnh dại trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, người dân đã chủ động đến các cơ sở tiêm chủng để tiêm ngừa phơi nhiễm. Trong 3 tháng đầu năm 2024, Bình Dương không ghi nhận ca tử vong do dại; số người bị chó, mèo cắn nghi mắc bệnh dại phải đi tiêm phòng là 4.500 mũi tiêm. |
QUỲNH ANH