Trải qua gần 40 năm xây dựng và phát triển, thương hiệu FM Bình Dương vẫn đang được thính giả tỉnh nhà và cả các tỉnh, thành lân cận lựa chọn trong danh sách kênh thông tin giải trí của mình. Để giữ vững thương hiệu đó, ngoài sự phong phú về đầu chương trình, chất lượng nội dung thì một bộ phận không thể thiếu đó là phát thanh viên (PTV), những “chiếc cầu nối” hữu hiệu truyền tải thông tin đến thính giả thương yêu của mình. Nhân kỷ niệm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21-6), chúng tôi đã có cuộc trò chuyện thú vị về nghề của những PTV của Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Dương. Và với họ, tất cả cho rằng mình đến với nghề đều bằng cái duyên…
PTV Vũ Hoàng - Việt Hà thực hiện chương trình phát thanh trực tiếp trên tần số 92.5 MHZ của Đài PT-TH Bình Dương
Giữ vững thương hiệu
Phát thanh Bình Dương phát sóng trên tần số FM 92,5 MHZ đang thực hiện gần 70 đầu chương trình với tổng thời lượng mỗi ngày là 20 giờ 30 phút, từ 4 giờ sáng đến 0 giờ 30 phút sáng hôm sau. Trong đó, đài đang thực hiện nhiều chương trình được thính giả đánh giá cao về tính tương tác, hấp dẫn như: Theo dòng thời sự, Gặp gỡ nhà nông, Pháp luật cuộc sống, Tình yêu - Hôn nhân - Gia đình, Nhịp cầu nghệ sĩ, Ca nhạc - Ca cổ theo yêu cầu, Game ai nhanh hơn…
Với lượng chương trình nhiều như thế, để tạo sự hấp dẫn cho thính giả lực lượng PTV đã và đang đóng góp nhiều công sức để là nhịp cầu hữu hiệu nhất giữa đài và thính giả thân thương của mình. Ông Bùi Quang Huy, Trưởng phòng Biên tập phát thanh Đài PT-TH Bình Dương nói: “Ngoài chất lượng nội dung phải thay đổi liên tục, chúng tôi cũng hết sức chú ý đến giọng đọc của PTV. Từng chương trình, chúng tôi lựa chọn giọng thích hợp để có những định hướng tốt nhất cho bạn nghe đài…”.
Gần 40 năm hình thành và phát triển, lực lượng PTV của đài đã có sự tiếp nối để giữ vững thương hiệu một cách mạnh mẽ. Những giọng đọc không thể quên như: Thủy Yến, Hữu Tường, Thăng Long, Lê Nhứt, Ngọc Sương, Đăng Trình, Ngọc Dung… là thế hệ “đầu đàn” làm nên thương hiệu của phát thanh Sông Bé. Và hôm nay, thế hệ trẻ như: Hoàng Thư, Kim Thư, Việt Hà, Vũ Hoàng, Công Danh… cũng đang được thính giả yêu mến qua từng chương trình mà họ phụ trách, lên sóng, chia sẻ buồn vui cho thính giả thân thương của mình.
Duyên với nghề
Có lẽ đến với nghề PTV tại đài ở nhiều thế hệ, tất cả đều có chung một điểm đó là cái duyên. Từ việc bén duyên rồi họ tiếp tục trau dồi kinh nghiệm để buồn vui cùng nghề, trải lòng với thính giả thân thương của mình. PTV Đăng Trình, một “hậu duệ” PTV kỳ cựu của đài là cô Thủy Yến đã có những trải lòng thú vị cùng chúng tôi, anh đến với đài là do duyên. Ngày ấy, khi mới bước chân vào nghề anh cứ nghĩ đây là công việc đơn giản. Ấy vậy mà khi dấn thân, không dưới một lần anh quyết định bỏ nghề. Thế nhưng cái nghiệp đã theo anh và anh lại tiếp tục học hỏi, tiếp tục trau dồi để nó trở thành đam mê, gắn bó đến ngày hôm nay.
Kim Thư, một BTV - PTV đang được thính giả của chương trình ca nhạc theo yêu cầu yêu mến đến với công việc này cũng bởi từ cái duyên. Sau khi tốt nghiệp THPT, Thư được tỉnh chọn đào tạo về nghiệp vụ Đoàn Thanh niên và công tác được 2 năm. Thời gian đó, Thư vẫn được đài mời thu âm chương trình ca nhạc. Trong những lần như thế, được gặp gỡ trò chuyện nhiều với NS Lê Trung Hiếu - khi đó phụ trách văn nghệ của Phòng Biên tập phát thanh, thấy Thư yêu thích công việc này, nhạc sĩ đã gợi ý về làm công tác biên tập văn nghệ. Và như thế, Thư trở thành BTV của Phòng Biên tập phát thanh. Vừa làm vừa học, Thư dần dần làm quen với công việc biên tập và có chất giọng nên đã được các cô chú khuyến khích, động viên thể hiện các chương trình phát thanh, sau đó là dẫn các chương trình phát thanh trực tiếp, cho đến nay đã được hơn 10 năm gắn bó với công việc này.
Công Danh, một gương mặt khá quen thuộc của truyền hình Bình Dương cũng được thính giả dành cho anh sự yêu mến bởi sự nghiêm túc trong nghề nghiệp. Và mới đó, Công Danh cũng đã bước vào nghề gần 10 năm từ sự bén duyên. Công Danh nói: “Thật ra đến giờ này Công Danh mới cảm nhận được cái nghề PTV là một nghề không hề dễ, không giống như chính bản thân mình hoặc một số người từng nghĩ ngồi nhìn giấy đọc là xong. Thật ra để tiếng nói và hình ảnh của mình đến được với công chúng và để được đón nhận, nó là cả một quá trình trau dồi nghiệp vụ của một người PTV, cay đắng có, buồn vui có, thức khuya dậy sớm có, dầm mưa dãi nắng cũng không chừa, tất cả phải học hỏi vận dụng từ những cái nhỏ nhặt nhất…”.
Từ cái duyên đến với nghề, sự nghiêm túc, trau dồi hàng ngày tất cả đã cùng làm nên một thương hiệu riêng có của Bình Dương. Hơn hết đó vẫn là sự kế thừa những kết quả đã đạt được, nỗ lực xây dựng kịp thời đáp ứng sự tin yêu của đông đảo thính giả gần xa…
SONG ANH