Trước yêu cầu phát triển kinh tế nhanh và bền vững trong thời kỳ mới của Bình Dương, cùng với tiến trình xây dựng thành phố thông minh, khoa học và công nghệ (KH&CN) được xác định là một trong những ngành tạo bước đột phá trong phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh nhà.
Doanh nghiệp ứng dụng khoa học và công nghệ đã mang lại hiệu quả cao trong sản xuất, thúc đẩy kinh tế phát triển bền vững. Trong ảnh: Dây chuyền sản xuất hiện đại tại Công ty TNHH Điện tử Foster, Khu công nghiệp VSIP II
Ứng dụng hiệu quả
Bước vào thời kỳ đổi mới, hội nhập và phát triển, KH&CN được đánh giá là “chìa khóa” cho việc thực hiện rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước cũng như hội nhập thành công, bắt kịp với các quốc gia trên thế giới. Đó cũng là yếu tố quyết định trong chuyển dịch nền kinh tế truyền thống sang nền kinh tế tri thức, mở rộng chủ thể KH&CN từ viện, trường sang doanh nghiệp...
Trong tiến trình đó, Bình Dương đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ và ứng dụng tiến bộ KH&CN vào thực tiễn sản xuất. Ngành KH&CN được đánh giá là đòn bẩy tham gia vào quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế tỉnh nhà trong xu thế hội nhập. Thời gian qua, lĩnh vực KH&CN đã có những đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương, bảo đảm quốc phòng - an ninh và có nhiều chuyển biến mạnh mẽ trên các lĩnh vực như nông, lâm, ngư nghiệp, sản xuất công nghiệp và dịch vụ. Công tác nghiên cứu, ứng dụng các thành tựu KH&CN được đẩy mạnh, nhiều chương trình KH&CN được triển khai. Đến nay, ngành KH&CN Bình Dương đã có những bước chuyển biến rõ rệt, đặc biệt trong việc hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp, công nghệ cao, đóng góp vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, góp phần nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.
Đặc biệt, đứng trước xu thế cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Bình Dương - vùng kinh tế công nghiệp lớn, chính quyền năng động, cơ sở hạ tầng hiện đại là nền tảng cho việc xây dựng đề án Thành phố thông minh (TPTM) từ năm 2016, tạo sự đột phá phát triển toàn diện, cả công nghệ lẫn phi công nghệ. Với tiềm năng và thực lực hiện tại của Bình Dương, đặc biệt là từ những kết quả đạt được rất quan trọng trong thực hiện đề án xây dựng TPTM thời gian qua, tỉnh đã tiến thêm một bước nữa, đó là xây dựng Vùng đổi mới sáng tạo (ĐMST) Bình Dương. Trong đó, Khu công nghiệp KH&CN xây dựng tại huyện Bàu Bàng được kỳ vọng sẽ tạo ra đòn bẩy nhằm phát triển và xây dựng nền tảng một hệ sinh thái ĐMST, thu hút đầu tư có giá trị gia tăng cao, tạo tiền đề cho sản xuất công nghệ cao của Bình Dương. Khu công nghiệp KH&CN triển khai kỳ vọng sẽ tạo bước đột phá phát triển vượt bậc kinh tế - xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh trong thu hút đầu tư nước ngoài, định vị thương hiệu Bình Dương trên trường quốc tế, mang đến cho người dân tỉnh nhà cuộc sống ngày càng tốt đẹp, văn minh, hiện đại.
Với tiềm năng và thực lực hiện tại của Bình Dương, đặc biệt là từ những kết quả đạt được rất quan trọng trong thực hiện đề án xây dựng TPTM thời gian qua, tỉnh đã tiến thêm một bước nữa, đó là xây dựng Vùng ĐMST Bình Dương. Trong đó, khu công nghiệp KH&CN xây dựng tại huyện Bàu Bàng được kỳ vọng sẽ tạo ra đòn bẩy nhằm phát triển và xây dựng nền tảng một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, thu hút đầu tư có giá trị gia tăng cao, tạo tiền đề cho sản xuất công nghệ cao của Bình Dương. |
Trong năm 2021, khi đợt dịch bệnh Covid-19 thứ 4 xuất hiện, diễn biến phức tạp trên địa bàn, tỉnh đã linh hoạt, vận dụng sáng tạo, phát huy lợi thế, ứng dụng KH&CN trong phòng, chống và điều trị bệnh nhân Covid-19, triển khai chính quyền điện tử. Một trong những điểm sáng của TPTM Bình Dương là triển khai thành công đường dây nóng 1022 cung cấp đa kênh (điện thoại, Zalo, Facebook, email…) để kết nối người dân và chính quyền 24/7. Đồng thời cung cấp dịch vụ gọi xe cấp cứu cho người dân với tốc độ nhanh nhất, tạo điều kiện thuận lợi để tỉnh kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, sản xuất, kinh doanh cũng được khôi phục nhanh theo hướng thích ứng an toàn, linh hoạt. Bên cạnh đó, việc ứng dụng KH&CN trong sản xuất cũng đã giúp các doanh nghiệp tiếp tục duy trì hoạt động, không bị đứt gãy chuỗi sản xuất, đồng thời góp phần nâng cao năng suất chất lượng.
Ông Trần Hưng Đạo, Giám đốc Công ty TNHH Điện tử Foster, Khu công nghiệp VSIP II, cho biết: “Công ty chuyên sản xuất linh kiện điện tử theo dây chuyền tự động. Việc đầu tư sử dụng công nghệ hiện đại, tự động hóa đã cho hiệu quả tăng gấp 5 lần so với thông thường. Trước tình hình dịch bệnh vừa qua, tuy có hạn chế về nguồn nhân lực nhưng do công ty ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất, thực hiện chuyển đổi số, sử dụng một số hệ thống thông minh đã mang lại hiệu quả rất tốt”.
Đột phá trong các ngành kinh tế mũi nhọn
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định phát triển, ứng dụng mạnh mẽ KH&CN làm động lực phát triển kinh tế - xã hội. Triển khai thực hiện hiệu quả một số chủ trương, chính sách, chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 gắn với phát triển KH&CN, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, phát triển kinh tế số. Tập trung phát triển nghiên cứu ứng dụng công nghệ cốt lõi, thúc đẩy phát triển KH&CN và ĐMST. Xây dựng và triển khai các nhiệm vụ KH&CN theo hướng lấy doanh nghiệp làm trung tâm, phục vụ thiết thực các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng các công nghệ mới, công nghệ tiên tiến để tạo đột phá trong phát triển các ngành, lĩnh vực, đặc biệt là các ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
TS.Nguyễn Việt Long, Giám đốc Sở KH&CN, Giám đốc Văn phòng TPTM Bình Dương, cho biết: “Trong tương lai, tỉnh sẽ thiết lập một hệ thống thúc đẩy các ngành công nghiệp chiến lược của vùng, hỗ trợ doanh nghiệp, ươm tạo và thu hút các công ty công nghệ. Đặc biệt, từ ưu thế có nhiều cơ sở sản xuất, Bình Dương đang từng bước nghiên cứu phát triển ngành sản xuất thông minh, tiên tiến. Hợp tác với các tập đoàn lớn và các công ty có mô hình hiện đại, thiết kế tiên tiến để hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất chuyển đổi, nâng cấp trình độ sản xuất, nguồn nhân lực, phù hợp thời đại công nghiệp 4.0. Định hướng trên sẽ mở ra một thị trường tiềm năng, đồng thời tạo đột phá mới trong thu hút đầu tư về sản xuất công nghệ cao cho Bình Dương”.
Ông Đỗ Công Anh, Phó cục trưởng phụ trách Cục Tin học hóa - Bộ Thông tin và Truyền thông: “Bình Dương là một trong số những địa phương đi đầu về thu hút đầu tư nước ngoài. Bình Dương xác định đến giai đoạn hiện tại cần phải tìm ra một mô hình phát triển mới, có được chiến lược phát triển mới và thiên nhiều về thu hút đầu tư KH&CN, công nghệ cao liên quan đến nền kinh tế tri thức là chính. Tôi thấy Bình Dương là địa phương có chiến lược, có bài toán rõ ràng nhất, kết hợp giữa “3 nhà”, đó là Nhà nước, nhà doanh nghiệp và các viện/trường”. TS.Nguyễn Việt Long, Giám đốc Sở KH&CN, Giám đốc Văn phòng TPTM Bình Dương: “Chìa khóa phát triển trong thời kỳ 4.0 là việc hỗ trợ để nâng cấp trình độ, công nghệ sản xuất cho các doanh nghiệp. Bình Dương hiện đang có các chính sách hỗ trợ nâng cao năng suất, chất lượng doanh nghiệp, cần được đẩy nhanh vào thực tiễn sau dịch bệnh. Việc phát huy, tận dụng những lợi thế từ ứng dụng công nghệ không chỉ góp phần quan trọng trong đẩy lùi dịch bệnh mà còn tạo điều kiện thuận lợi để tỉnh nhà khôi phục kinh tế, tiếp tục thực hiện khát vọng xây dựng thành công TPTM Bình Dương”. |
PHƯƠNG LÊ - KHOA CÔNG