Để thích ứng với tình hình diện tích đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp trong quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, huyện Bàu Bàng đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, theo hướng sản xuất hàng hóa ứng dụng công nghệ cao, giúp nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, thu nhập cho người dân.
Bám sát quy hoạch
Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) là xu thế tất yếu của ngành nông nghiệp hiện nay. Huyện Bàu Bàng đã phối hợp quy hoạch khu nông nghiệp ƯDCNC ở Nông trường Long Hòa với diện tích 188,62 ha, khu nông nghiệp ƯDCNC tại Viện nghiên cứu cao su Việt Nam với diện tích 28,25 ha, khu nông nghiệp ƯDCNC Becamex với diện tích 27 ha.
Bên cạnh đó, huyện Bàu Bàng quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp phù hợp với tiềm năng, điều kiện thổ nhưỡng để định hướng sản xuất các sản phẩm nông nghiệp phù hợp; hình thành các vùng chăn nuôi, trồng trọt ở các xã Long Nguyên, Cây Trường II, Trừ Văn Thố, Lai Hưng, Tân Hưng. Đến nay, tổng diện tích quy hoạch và diện tích hình thành các vùng chăn nuôi, trồng trọt tập trung trên địa bàn huyện là hơn 1.003 ha.
Xã Trừ Văn Thố là điểm sáng trong việc ƯDCNC vào sản xuất nông nghiệp của huyện Bàu Bàng. Bên cạnh đó, xã cũng chú trọng phát triển các mô hình sản xuất nông sản sạch, an toàn. Nổi bật như mô hình trồng rau an toàn trong nhà lưới đạt chứng nhận OCOP 3 sao tại ấp 2; mô hình trồng tre lấy măng; mô hình trồng sầu riêng; mô hình chăn nuôi vịt lạnh, nuôi lươn không bùn... Chị Huỳnh Kim Loan, chuyên trồng tre lấy măng ở ấp 4, cho hay: “Hiện gia đình tôi đang trồng 1,2 ha tre lấy măng. Tôi không sử dụng hóa chất, hoàn toàn sử dụng phân hữu cơ và các biện pháp sinh học. Măng tre có vị ngọt tự nhiên, được người tiêu dùng đánh giá cao”.
Xã Long Nguyên cũng có thế mạnh về nông nghiệp, kinh tế nông nghiệp giữ vai trò chủ yếu trong cơ cấu kinh tế của xã. Ông Nguyễn Công Tuấn, Chủ tịch UBND xã, cho biết địa phương đã và đang chỉ đạo phát triển sản xuất phải nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn; khuyến khích phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị, nông nghiệp ƯDCNC, phát triển các vùng chăn nuôi tập trung. Nhìn chung, việc phát triển nông nghiệp ƯDCNC gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp tại địa phương bước đầu đạt kết quả khả quan, tạo tiền đề cho việc nhân rộng mô hình hiệu quả trong những năm tới.
Ông Vương Đình Thiện, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bàu Bàng, cho biết những năm gần đây Bàu Bàng là một trong những địa phương có tốc độ phát triển kinh tế nhanh của tỉnh; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp, dịch vụ và nông nghiệp. Ngành nông nghiệp đóng góp tích cực trong quá trình phát triển của huyện, mang lại nhiều lợi ích kinh tế cho nông dân. Định hướng của huyện Bàu Bàng là phát triển mạnh về công nghiệp, kéo theo dịch vụ và nông nghiệp phát triển; giảm diện tích đất nông nghiệp; chú trọng ứng dụng nông nghiệp kỹ thuật cao, nông nghiệp đô thị, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch (đạt các tiêu chuẩn VietGAP), bảo đảm an toàn thực phẩm…
“Quả ngọt” từ ứng dụng công nghệ cao
Trên diện tích 1,4 ha, anh Ngô Thanh Tùng, ấp Bà Phái, xã Long Nguyên đã thành công với mô hình trồng hoa lan công nghiệp. Trung bình 1 tháng anh Tùng tiêu thụ 1.500 - 2.000 chậu lan. Anh Tùng chia sẻ mô hình hoa lan trở thành xu hướng trong phát triển nông nghiệp đô thị hiện nay, góp phần tạo mỹ quan, giảm ô nhiễm môi trường. Anh chăm bón lan bằng phân hữu cơ vi sinh, kết hợp công nghệ tưới nước tiết kiệm giúp mang lại hiệu quả kinh tế cao.
HIỆN TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN BÀU BÀNG CÓ 36 CƠ SỞ SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP CÔNG NGHỆ CAO, GỒM 6 CƠ SỞ TRỒNG TRỌT VÀ 30 CƠ SỞ CHĂN NUÔI. CÁC CƠ SỞ NÀY ĐƯỢC CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN VIETGAP. |
Trong khi đó, nhờ chuyển đổi cây trồng hợp lý từ cây cao su đến thời kỳ thanh lý sang trồng 2 ha cây sầu riêng, anh Nguyễn Văn Bình, ấp Ông Chài, xã Cây Trường II có thu nhập tiền tỷ mỗi năm. Anh Bình đã áp dụng kỹ thuật tiên tiến vào chăm sóc cây, như sử dụng hệ thống tưới tự động, bón phân đúng cách để cây phát triển tốt. Trung bình 1 vụ, sầu riêng cho thu hoạch 20 tấn/ha.
Ông Vương Đình Thiện cho hay, thời gian qua, đối với diện tích cây trồng kém hiệu quả như điều, cao su già cỗi năng xuất thấp, những cây trồng không phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng trên địa bàn huyện... được các nhà vườn chuyển qua trồng những giống cây có hiệu quả kinh tế ổn định như sầu riêng, bưởi, dưa lưới, rau ăn lá... Đối với lĩnh vực chăn nuôi, nông dân trong huyện đã mạnh dạn chuyển đổi tổ chức sản xuất, đầu tư trang trại hiện đại, giống năng suất cao giúp tăng sản lượng, năng suất, chất lượng sản phẩm và thu nhập của người dân.
HẠNH NHI - PHÚ HÀO