Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 có một phần rất quan trọng là phương án phát triển hệ thống các khu công nghiệp (KCN). Đây là tiền đề để Bình Dương thực hiện những bước tiếp theo trong phát triển các KCN mới theo tiêu chuẩn KCN sinh thái, thu hút ngành nghề công nghệ cao.
Nâng sức hấp dẫn
Với những định hướng về quy hoạch, Bình Dương đang dành 20.000 ha đất phát triển đô thị và 25.000 ha đất để phát triển công nghiệp. Đồng thời, Bình Dương nghiên cứu các phương án nâng cấp, chuyển đổi các KCN hiện hữu sang KCN sinh thái, KCN - đô thị - dịch vụ phù hợp với định hướng mới của đô thị Bình Dương thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, Bình Dương tiếp tục huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ và hiện đại gắn với phát triển công nghiệp - dịch vụ - đô thị, góp phần tạo lực đẩy thu hút thêm nhiều dự án đầu tư chất lượng. Việc thành lập KCN Việt Nam - Singapore III, cũng như khởi công KCN Cây Trường dịp này thể hiện quyết tâm xây dựng một hệ sinh thái công nghiệp mới - hệ sinh thái công nghiệp - công nghệ cao của Bình Dương. Trong khi đó, các KCN hiện hữu trên địa bàn tỉnh cũng đang hướng đến thu hút đầu tư theo chiều sâu, thông minh và phát triển bền vững.
Bình Dương đang quyết tâm xây dựng một hệ sinh thái công nghiệp mới. Trong ảnh: Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore III
Theo quy hoạch, đến năm 2030 Bình Dương có 42 KCN với tổng diện tích khoảng 18.600 - 21.000 ha. Giai đoạn 2031-2050, Bình Dương hoàn thiện đầu tư hạ tầng, lấp đầy các KCN đã được thành lập; bổ sung 5 - 6 KCN mới; nghiên cứu, báo cáo cấp có thẩm quyền cho phép chuyển đổi toàn bộ hoặc một phần 7 KCN (Bình An, Tân Đông Hiệp A, Tân Đông Hiệp B, Sóng Thần 1, Sóng Thần 2, Đồng An, Việt Hương 1) tại 2 TP.Dĩ An và Thuận An nhằm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà. Đến năm 2050, toàn tỉnh có 41 - 42 KCN với tổng diện tích khoảng 25.000 ha.
Ông Nguyễn Trung Tín, Trưởng ban Quản lý Các KCN tỉnh, cho biết quỹ đất hiện tại của các KCN trên địa bàn Bình Dương đã đạt tỷ lệ lấp đầy khá cao. Trong giai đoạn tới, công tác thu hút đầu tư vào các KCN của tỉnh sẽ có chọn lọc hơn theo hướng chuyên biệt, sinh thái, thông minh. Do đó, các KCN hiện hữu và các KCN mới cần có giải pháp nâng cao sức cạnh tranh, sức thu hút đầu tư.
Xây dựng hạ tầng KCN gắn với đô thị hóa
Đến nay, Bình Dương là một trong những địa phương có tỷ lệ đô thị hóa cao nhất của cả nước. Theo quy hoạch, đến năm 2025 tỷ lệ đô thị hóa của Bình Dương đạt 87%, đến năm 2030 là khoảng 90%. Bình Dương đã và đang phát triển một hệ sinh thái kiểu mới - mô hình phát triển mới, bổ sung cho mô hình công nghiệp - đô thị - dịch vụ. Đó là hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khoa học - công nghệ, xây dựng các KCN thông minh, đô thị thông minh, sinh thái, bền vững, phát triển lấy bền vững làm trọng tâm, đưa nền công nghiệp Bình Dương đi lên phân khúc cao hơn; từng bước xây dựng động lực phát triển kinh tế mới thay thế cho thâm dụng lao động và thâm dụng đất đai, tham gia tích cực vào quá trình hướng tới phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 mà Chính phủ Việt Nam đã cam kết.
Bình Dương cũng phối hợp cùng với Ngân hàng Thế giới phát triển KCN sinh thái EIP đầu tiên tại Việt Nam, thúc đẩy cộng sinh công nghiệp, sản xuất năng lượng tái tạo và nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên và tuần hoàn nước.
Theo các nhà đầu tư, Bình Dương có tầm nhìn quy hoạch khá tốt khi hạ tầng liên tục được xây dựng và ngày càng hoàn thiện; luôn có định hướng kết nối với Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Bình Dương cũng đã quy hoạch khoảng 20.000 ha đất công nghiệp để hình thành vành đai công nghiệp thế hệ mới dọc theo đường Vành đai 3 TP.Hồ Chí Minh, đường Vành đai 4 TP.Hồ Chí Minh, cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, đường Hồ Chí Minh (đoạn qua tỉnh Bình Dương)...
Ông Mai Hùng Dũng, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, cho biết Bình Dương tiếp tục xác định lấy công nghiệp làm nền tảng, mà hạt nhân chính là xây dựng kết cấu hạ tầng các KCN gắn với đô thị hóa. Quan điểm nhất quán của tỉnh là xây dựng các KCN nhằm tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội phục vụ nhân dân. Để ngành công nghiệp phát triển căn cơ theo hướng nhanh và bền vững, Bình Dương đang thực hiện đúng lộ trình xây dựng thành phố thông minh với các định hướng phát triển chủ yếu như thu hút đầu tư vào ngành công nghệ cao, giá trị gia tăng cao, ít thâm dụng lao động, thân thiện với môi trường; đổi mới công nghệ hiện đại, tiên tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm của DN để tăng sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
NGỌC THANH