Phát triển cây ăn quả chủ lực, ngành hoa cây cảnh, sản xuất rau an toàn

Cập nhật: 25-11-2024 | 16:11:00

(BDO) Thực hiện theo định hướng của tỉnh, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đã xác định và hình thành được những cây trồng chủ lực phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa bàn, mang lại hiệu quả kinh tế ngày càng cao.

Xây dựng vùng nguyên liệu theo hướng an toàn

Theo ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh, hiện nay diện tích cây ăn quả trên toàn tỉnh là 8.181,6 ha. Trong đó, các loại quả có múi là 4.631,4 ha, chiếm 56,6% tổng diện tích cây ăn quả (bưởi 1.893,2 ha, cam 1.917,9 ha, sầu riêng 710,6 ha, măng cụt 914,8 ha, cây chuối 733,9 ha)… Diện tích cây rau, đậu các loại là 5.296,3 ha, sản lượng 81.734 tấn. Hoa, cây cảnh có diện tích là 627,3 ha, bao gồm hoa lan, mai ghép, bonsai, cây kiểng các loại… 


Tập huấn thiết lập, quản lý mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu và mã số vùng trồng lĩnh vực trồng trọt nội địa

Hoa, cây cảnh được trồng trên tất cả các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh, trong đó phân bố chủ yếu ở các thành phố phía Nam của tỉnh và huyện Dầu Tiếng. Tổng diện tích cây trồng sản xuất đạt tiêu chuẩn chứng nhận VietGAP là 1.138,79 ha, gồm rau là 52,30 ha, cây ăn trái là 1.078,64 ha. 

Bên cạnh đó, toàn tỉnh hiện có trên 588 ha sản xuất áp dụng tiêu chuẩn hữu cơ về trồng trọt trên các loại cây trồng, gồm: cây có múi 250 ha, cây rau 25,5 ha, cây lúa 33 ha và cây ăn quả khác 266 ha. Trong đó, 187 ha/3 cơ sở đã được tổ chức chứng nhận thẩm định cấp giấy chứng nhận, tăng 15 ha so với năm trước, gồm các cơ sở: Công ty Vinamit với diện tích 167 ha (hơn 54 giống cây trồng); Hợp tác xã Nhân Đức với diện tích 11 ha trồng cam sành và cam xoàn; Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Năm Hạng với diện tích 9 ha trồng cam sành. 

Theo đánh giá của ngành NN&PTNT tỉnh, rau, quả ở Bình Dương chủ yếu được tiêu thụ dưới dạng ăn tươi, sản phẩm chủ yếu đưa trực tiếp đến nơi tiêu thụ sau khi được tạm trữ một thời gian ngắn ở các vựa tập kết. Thị trường chính vẫn là tiêu thụ nội địa, tập trung ở trong tỉnh và các tỉnh lân cận; một số sản phẩm trái cây như chuối, sầu riêng, bưởi được xuất khẩu sang Trung Quốc, EU, Hoa Kỳ. Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có 7 cơ sở sơ chế, chế biến rau, quả, 10 cơ sở sơ chế, chế biến trái cây; 13 cơ sở đóng gói trái cây xuất khẩu với 16 mã số cơ sở đóng gói. Quy mô các cơ sở sản xuất, sơ chế rau quả vẫn còn nhỏ lẻ, hệ thống sơ chế và trang thiết bị phục vụ cho sơ chế sản phẩm vẫn còn đơn giản và thô sơ.

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, thời gian qua, nông dân trồng rau tập trung đầu tư chăm sóc, sử dụng giống mới, áp dụng các phương pháp canh tác tiến bộ như dùng màng phủ nông nghiệp, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, tăng cường sử dụng phân hữu cơ… Nhờ sản xuất đạt hiệu quả kinh tế nên nông dân cũng an tâm sản xuất, mở rộng quy mô, đa dạng hóa sản phẩm, từng bước đáp ứng nhu cầu cho người tiêu dùng. 

Việc phát triển các loại cây ăn trái, rau, hoa cây cảnh phù hợp với quy hoạch phát triển nông nghiệp của tỉnh và đặc điểm khí hậu thổ nhưỡng của địa phương. Vùng phía Nam ưu tiên phát triển các loại hình hoa lan, cây cảnh, hoa mai, rau an toàn, rau thủy canh… Vùng phía Bắc ưu tiên phát triển các vùng chuyên canh cây ăn quả đặc sản, rau an toàn, xây dựng các mô hình vườn cây ăn quả đặc sản kết hợp du lịch sinh thái.


Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh kiểm tra thực địa cấp mã số vùng trồng

Nhiều chính sách hỗ trợ 

Để đẩy mạnh, khuyến khích các địa phương phát triển các loại cây trồng lợi thế theo định hướng đề ra, tỉnh đã có các chính sách hỗ trợ một số loại cây trồng, như: chính sách hỗ trợ hoạt động khuyến nông; chính sách hỗ trợ việc áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nông nghiệp và thủy sản; chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; chính sách hỗ trợ giữ và phát triển vườn cây ăn quả đặc sản và các chính sách hỗ trợ vốn vay khác… 

Mới đây, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 3092/KH-UBND về việc triển khai thực hiện đề án phát triển cây ăn quả chủ lực, ngành hoa, cây cảnh, sản xuất rau an toàn và ngành chế biến rau quả đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh, theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm. 

Theo đó, kế hoạch được triển khai nhằm phấn đấu đạt mục tiêu trên 40% cơ sở chế biến, bảo quản rau quả xuất khẩu đạt trình độ và năng lực công nghệ sản xuất tiên tiến; thu hút 1-2 doanh nghiệp đầu tư vào chế biến rau quả trên địa bàn tỉnh. Phát triển vùng trồng hoa, cây cảnh phân bố vùng nông nghiệp đô thị ở các thành phố phía Nam và vùng nông nghiệp nông thôn khu vực thị trấn của các huyện phía Bắc, các điểm du lịch, diện tích đạt khoảng 500 ha.

Tại các vùng sản xuất cây ăn quả tập trung, tỷ lệ diện tích trồng mới, trồng tái canh sử dụng giống chất lượng cao đạt trên 80%. Đến năm 2030, diện tích phát triển cây ăn quả trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 13.000 ha, có 50 mã số vùng trồng được cấp cho cây ăn quả chủ lực của tỉnh; diện tích đất trồng nông sản thực phẩm được chứng nhận đạt tiêu chuẩn GAP chiếm 20% tổng diện tích; trên 95% số mẫu rau, quả được thanh tra, kiểm tra đạt tiêu chuẩn an toàn.


Khóa huấn luyện FFS do Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh tổ chức tại vườn bưởi ở huyện Bắc Tân Uyên

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai tốt các nhiệm vụ phát triển cây ăn quả gắn với các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, chuyển đổi dần sang nông nghiệp sinh thái, hữu cơ; tập trung đầu tư đồng bộ khoa học công nghệ, ứng dụng IPHM, liên kết sản xuất - chế biến - bảo quản - tiêu thụ sản phẩm, xây dựng mã số vùng trồng đối với các loại cây ăn quả chủ lực. Diện tích phát triển cây ăn quả trên địa bàn tỉnh khoảng 10.600 ha vào năm 2025 và 13.000 ha vào năm 2030, trong đó định hướng phát triển 4 loại cây ăn quả chủ lực đến năm 2030 bao gồm: cây có múi, măng cụt, sầu riêng, chuối…

Tỉnh phát triển vùng trồng hoa, cây cảnh vào năm 2025 khoảng 380 ha; trong đó, vùng nông nghiệp đô thị khoảng 250 ha phân bố ở các thành phố phía Nam và vùng nông nghiệp nông thôn khoảng 130 ha phân bố ở khu vực thị trấn của các huyện phía Bắc và các điểm du lịch. Đến năm 2030, diện tích dự kiến khoảng 500 ha.

Phát triển sản xuất rau của tỉnh có thể đạt khoảng 6.500 ha diện tích gieo trồng, sản lượng đạt 105.00 tấn rau các loại vào năm 2025 và 7.800 ha gieo trồng, sản lượng 136.500 tấn vào năm 2030. Tỉnh đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, số hóa, truy xuất nguồn gốc và thương mại điện tử để phát triển đa dạng loại hình kinh doanh nông nghiệp, đáp ứng sự phát triển của công nghệ số phục vụ trong nông nghiệp; khuyến khích xây dựng, thiết lập vùng trồng lĩnh vực trồng trọt đối với rau, cây ăn quả đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, VietGAP, GlobalGAP... 

Tỉnh cũng sẽ phát triển chế biến rau quả chủ lực, đặc sản địa phương và sản phẩm OCOP (mỗi xã, phường một sản phẩm) nhằm ổn định, nâng cao chất lượng, an toàn thực phẩm và kéo dài thời gian sử dụng.

Hiện trên địa bàn tỉnh đã hình thành và phát triển được các vùng cây ăn quả, vùng chuyên canh cây ăn quả đặc sản tập trung gồm: vùng cây ăn quả có múi tập trung TP.Tân Uyên, huyện Bắc Tân Uyên chiếm trên 84% diện tích cây ăn quả có múi toàn tỉnh; vùng trồng măng cụt tập trung ở TP.Thuận An, TP.Bến Cát và huyện Dầu Tiếng, chiếm trên 88% diện tích măng cụt toàn tỉnh. 

Thoại Phương - Nguyễn Tuyến

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=208
Quay lên trên