Là một tỉnh công nghiệp nhưng Bình Dương vẫn luôn quan tâm vai trò của ngành nông nghiệp. Trong đó, cây cao su đã giúp cho tỉnh nhà phát triển mạnh công nghiệp chế biến mủvà gỗ cao su. Bên cạnh đó làcây tiêu và điều; hai loại cây này đang cần sự định hướng thích hợp từ phía Nhà nước...
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến cáo bà con nông dân không nên chạy theo giá cao nhất thời mà đổ xô đi trồng tiêu. Trong ảnh: Một vườn tiêu tại xã An Bình, huyện Phú Giáo - nơi tập trung diện tích trồng tiêu nhiều nhất tỉnh Ảnh: XUÂN VĨ
Cây cao su vẫn giữ vai trò quan trọng
Hiện Bình Dương có diện tích cây cao su lên đến gần 150.000 ha. Những năm gần đây, giá mủ cao su xuống thấp đã ảnh hưởng tới thu nhập của nhiều gia đình nông dân trong tỉnh. Theo thống kê, Bình Dương hiện có 108 cơ sở chế biến gỗ cao su, từ đầu năm đến nay sản lượng chếbiến đạt hơn 300.000m3 và 35 cơ sở chế biến mủ cao su với sản lượng chế biến hàng trăm ngàn tấn mỗi năm. Năm 2015, nguyên liệu gỗ cao su đóng góp quan trọng vào giá trị xuất khẩu gỗ với trên 2,2 tỷ USD của cả tỉnh.
Ông Nguyễn Tấn Bình, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết do giá mủ cao su giảm nên việc đầu tư thâm canh cho cây cao su kinh doanh và kiến thiết cơ bản của nhiều gia đình nông dân trồng cao su trong tỉnh hiện nay giảm so với năm 2011 - thời điểm giá cao su ở mức cao nhất trong nhiều năm qua. Trước tình hình trên, ngành nông nghiệp đã khuyến cáo, hướng dẫn nông dân các giải pháp để duy trì vàtăng năng suất cho cây cao su. Sở đang rà soát lại diện tích cây cao su của các công ty, doanh nghiệp, trang trại tiểu điền trên địa bàn tỉnh; đồng thời tập trung ổn định diện tích cao su hiện có và thực hiện biện pháp thâm canh hợp lý như bón phân, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh… để tăng năng suất vườn cây. Bên cạnh đó, sở cũng khuyến cáo các gia đình không nên vội vã chặt bỏ cây cao su trong tình hình giá mủ vẫn còn ở mức thấp, bởi đây vẫn là cây trồng chủ lực giúp nông dân xóa đói, giảm nghèo.
Theo UBND tỉnh, hiện nay Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng và Công ty Cổ phần Cao su Phước Hòa đang giải quyết việc làm cho hàng chục ngàn lao động ở khu vực nông thôn, hàng năm thu mua mủ của các hộ tiều điền với số lượng hàng chục ngàn tấn, đã góp phần giải quyết đầu ra sản phẩm mủ cao su của các gia đình trồng cao su. Bên cạnh đó, hai đơn vị này còn đóng góp rất nhiều vào chương trình phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới tại địa phương và những khu vực lân cận...
Chia sẻ với phóng viên Báo Bình Dương trước việc các thương lái đang ép giá mua mủcao su của các gia đình trồng cao su trong tỉnh, ông Bình cho biết đã đề nghị Sở Công thương vào cuộc để giúp nông dân tránh tình trạng bị tiểu thương chèn ép giá cả. Ông Bình cũng khẳng định dù giá cao su đang ở mức thấp, quy mô sản lượng cung vượt quá cầu trên thị trường nhưng hiện tại cao su vẫn là cây trồng mang lại nhiều cơ hội thoát nghèo cho bàcon nông dân. Vì chi phí đầu tư vào cây cao su thấp hơn các loại cây công nghiệp khác, trong khi đóthời gian thu hoạch dài và tận dụng được giá trị mủ cao su và gỗ cao su.
Nông dân đang chờ “nhạc trưởng” dẫn dắt
Hiện nay diện tích cây điều trên địa bàn tỉnh là1.613 ha, cây tiêu 407,5 ha. Toàn tỉnh hiện có 41 cơ sở chế biến hạt điều, 8 cơ sở chế biến hạt tiêu, 23 cơ sở chế biến cà phê và 1 cơ sở chế biến ca cao. Do diện tích trồng tiêu, điều và cà phê trên địa bàn tỉnh không nhiều nên đa số các cơ sở chế biến này phải nhập nguyên liệu từ các tỉnh, thành khác và nhập khẩu từ nước ngoài.
Ông Bình cho biết hiện nay, hạt tiêu và điều giá đang ở mức cao nên dễ dẫn đến tình trạng người dân đổ xô nhau trồng tiêu, điều dẫn đến phá vỡ quy hoạch và khiến cung vượt cầu. Đó là chưa kể, không phải khu vực nào, địa phương nào cũng thích hợp loại cây trồng này. Tâm lý trồng cây chạy theo giá đang làm cho tình hình phát triển cây công nghiệp của tỉnh nhà khó bền vững và tiềm ẩn rủi ro cho người nông dân.
Tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh mới đây xung quanh việc phát triển cây công nghiệp, bàTrần Thanh Bình, Phó chánh Văn phòng Trung ương Đảng, cho biết bài học về cây ca cao đang diễn ra tại tỉnh Bến Tre rất đáng được quan tâm cho định hướng phát triển cây công nghiệp của Bình Dương. Trong khi tại tỉnh Bình Phước, người nông dân đang trúng đậm mùa ca cao với mô hình trồng ca cao xen canh cao su thì tại Bến Tre, người nông dân lại đua nhau chặt bỏ cây ca cao. Nghĩa là loại cây trồng có giá trị kinh tế ở địa phương này, nhưng lại trở thành gánh nặng của địa phương khác.
Ông Bình chia sẻ, diện tích trồng ca cao tại Bình Dương chưa nhiều, chủ yếu là trồng tự phát nên rất khó phát triển thành vùng nguyên liệu. Trong khi đó, công tác nghiên cứu tìm ra cây trồng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, cơ sở hạ tầng của địa phương hiện đang gặp nhiều khó khăn. Để tỉnh nhà phát triển cây công nghiệp bền vững đang cần vai trò dẫn dắt của các ngành chức năng, trong đó vai trò của hợp tác xã (HTX) rất quan trọng. Điều đáng nói, tuy toàn tỉnh hiện có 28 HTX nhưng hoạt động hiệu quả còn thấp. Tới đây, Bình Dương sẽ tái cơ cấu hoạt động của HTX theo kiểu mới để nâng cao vai trò chủ đạo của HTX trong việc định hướng phát triển cây công nghiệp, cũng như tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm từ cây công nghiệp do người nông dân làm ra.
XUÂN VĨ