Phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học

Cập nhật: 20-08-2020 | 05:42:43

 Bệnh dịch tả heo châu Phi (DTHCP) xảy ra năm 2019 đã gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh. Sau khi hết dịch bệnh, người dân đã tích cực tái đàn nhằm khôi phục lại sản xuất chăn nuôi. Một trong những biện pháp bảo vệ đàn heo được người dân áp dụng đó chính là chăn nuôi an toàn sinh học (ATSH).

 Trang trại heo của Công ty TNHH Nông nghiệp Trường Thịnh (xã An Thái, huyện Phú Giáo) thực hiện đúng quy trình an toàn sinh học, ngăn ngừa dịch bệnh

 Hạn chế dịch bệnh

Do tính chất đặc thù của bệnh DTHCP là chưa có vắc xin phòng bệnh nên chính quyền địa phương và cơ quan chức năng nhận định tình hình bệnh DTHCP vẫn còn có thể tiếp tục xảy ra ở những nơi chăn nuôi ATSH kém, không bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y. Từ những nhận định trên, cùng với việc nghiêm túc thực hiện tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thời gian qua UBND tỉnh đã quan tâm chỉ đạo, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để phòng, chống bệnh DTHCP. Đến nay, công tác phòng chống bệnh DTHCP trên địa bàn tỉnh đã được khống chế, nhiều địa phương trong tỉnh không còn dịch bệnh tái phát.

Theo Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản, sau khi dịch bệnh được khống chế, người chăn nuôi đã tập trung thực hiện các biện pháp bảo vệ đàn heo nái để có con giống tái đàn. Ở các địa phương đã bám sát các văn bản chỉ đạo của tỉnh, của ngành, đẩy mạnh tuyên truyền tới người dân khi thực hiện tái đàn, tuân thủ nghiêm các biện pháp tiêu độc, khử trùng, nhập heo giống có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, tránh tái đàn ồ ạt… Trong quá trình chăn nuôi thực hiện đúng quy trình ATSH và an toàn dịch bệnh.

Mặc dù bị ảnh hưởng bởi bệnh DTHCP, nhưng trong thời gian qua ngành chăn nuôi của tỉnh vẫn phát triển ổn định. Hiện tổng đàn trâu bò khoảng 23.000 con, tổng đàn heo khoảng 853.000 con, tăng 30% so với cùng kỳ, tổng đàn gia cầm khoảng 13 triệu con.

UBND tỉnh vừa ban hành Công văn số 3372/UBND-KT về việc triển khai kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh DTHCP, giai đoạn 2020-2025. Theo công văn, mục tiêu chung là bảo đảm thực hiện chăn nuôi ATSH, an toàn dịch bệnh; chủ động giám sát phát hiện sớm, áp dụng kịp thời và có hiệu quả các biện pháp phòng, chống DTHCP nhằm giảm thiểu tổn thất về kinh tế, hạn chế tác động xấu của giá thịt heo đến chỉ số giá tiêu dùng, hạn chế ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến các hoạt động thương mại động vật, sản phẩm động vật do dịch bệnh DTHCP gây ra.

Mục tiêu cụ thể là trên 50% số xã, phường, thị trấn không có bệnh DTHCP trong 2 năm đầu thực hiện kế hoạch; trên 60% số xã, phường, thị trấn không có bệnh DTHCP trong 2 năm tiếp theo và trên 70% số xã, phường, thị trấn không có bệnh DTHCP trong 2 năm cuối thực hiện kế hoạch. Có 100% cơ sở chăn nuôi trang trại quy mô lớn, trên 70% cơ sở chăn nuôi trang trại quy mô vừa và quy mô nhỏ áp dụng các biện pháp chăn nuôi heo ATSH. Hỗ trợ các tổ chức, cá nhân xây dựng ít nhất 20 trang trại chăn nuôi heo trên địa bàn tỉnh được chứng nhận cơ sở an toàn dịch bệnh đối với bệnh DTHCP. Xây dựng được phòng thí nghiệm ATSH cấp 1 để đáp ứng việc chẩn đoán, xét nghiệm nhanh bằng công nghệ Realtime PCR đối với bệnh DTHCP và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác có nguy cơ lây sang người theo quy định.

Xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh

Thời gian qua, Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản đã khuyến khích các công ty, trang trại triển khai xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh. Đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh có 4 trang trại chăn nuôi heo quy mô lớn được công nhận là cơ sở an toàn dịch bệnh đối với bệnh DTHCP, gồm trang trại heo Vĩnh Tân 3, Vĩnh Tân 5, Vĩnh Tân 6 và trại heo Mai Thị Thảo. Đây là 4 trang trại đầu tiên trên cả nước được chứng nhận an toàn dịch đối với bệnh DTHCP. Theo Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản, dự kiến đến hết tháng 9-2020, đơn vị sẽ tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm, hoàn tất thẩm định hồ sơ để công nhận thêm 15 trang trại chăn nuôi.

Anh Nguyễn Văn Chinh, Chủ trang trại heo Kim Linh (xã An Linh, huyện Phú Giáo), cho biết chăn nuôi ATSH là áp dụng tổng hợp, đồng bộ các biện pháp kỹ thuật, quản lý nhằm ngăn ngừa sự tiếp xúc giữa vật nuôi và mầm bệnh, bảo đảm cho đàn vật nuôi hoàn toàn khỏe mạnh, không bị dịch bệnh. Theo đó, chủ trang trại cần đầu tư hệ thống chuồng trại khép kín theo quy trình hiện đại; sử dụng kết hợp các biện pháp phòng dịch bệnh như: Rắc vôi bột, phun thuốc sát trùng khử khuẩn thường xuyên, bổ sung thức ăn dinh dưỡng nâng cao sức đề kháng cho vật nuôi.

Để thực hiện chăn nuôi heo ATSH, theo ông Trần Phú Cường, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản, người dân cần thực hiện tốt các yêu cầu về chuồng trại; con giống; thức ăn, nước uống; chăm sóc, nuôi dưỡng; vệ sinh thú y; xử lý chất thải và bảo vệ môi trường. Bên cạnh biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, khi tái đàn hoặc nuôi mới phải thực hiện nghiêm túc việc kê khai hoạt động chăn nuôi với chính quyền địa phương. Chăn nuôi ATSH sẽ bảo đảm được sản phẩm chất lượng và phát triển bền vững.

 THOẠI PHƯƠNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=716
Quay lên trên