Phát triển chuỗi cung ứng bền vững trong bối cảnh mới

Cập nhật: 03-11-2023 | 08:16:15

 Bình Dương có hơn 4.100 doanh nghiệp (DN) vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và trên 60.000 DN trong nước, đã và đang từng bước hình thành, tham gia chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, để nâng tầm chuỗi cung ứng, đón chuỗi dịch chuyển, các DN sản xuất công nghiệp ở Bình Dương còn một số vướng mắc cần hỗ trợ.

 

Hoạt động sản xuất tại Công ty Takako Việt Nam (KCN VSIP 1)

 Bảo đảm hài hòa

Thời gian qua, Bình Dương luôn nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước về thu hút vốn FDI nhờ môi trường đầu tư thông thoáng, cơ sở hạ tầng thuận lợi, nguồn nhân lực dồi dào, chất lượng cao. Tuy vậy, một điều cần nhìn lại là số lượng DN trong nước tham gia chuỗi cung ứng của các tập đoàn đa quốc gia còn hạn chế.

Theo ông Nguyễn Đình Thái, Giám đốc hành chính Công ty Esprinta Việt Nam (Khu công nghiệp Sóng Thần II, TP.Dĩ An), công ty đã tìm kiếm đối tác trong nước để phát triển chuỗi cung ứng, trên thực tế các nhà cung ứng cũng rất nỗ lực để có thể đáp ứng được các yêu cầu nghiêm ngặt mà thị trường quốc tế đưa ra. “Trong tình hình hiện nay, hình thành chuỗi cung ứng trong nước là giải pháp tối ưu để phát triển. Việc xem xét các tiêu chí của nhà cung ứng được công ty thực hiện rất minh bạch. Đến lúc này, chúng tôi đã có khoảng 80% nhà cung ứng từ đối tác tại Việt Nam, chuỗi cung ứng đang phát triển ổn định”.

Ông Nguyễn Đình Thái cho biết thêm đa phần nhà cung ứng cho Esprinta Việt Nam là những DN vừa và nhỏ, tuy nhiên trình độ chuyên môn hóa cao, và đáp ứng mục tiêu bền vững trong tương lai. Điều quan trọng nhất của DN vừa và nhỏ khi tham gia chuỗi cung ứng là phải có một sự bền bỉ, tinh thần cầu thị cao để đáp ứng được yêu cầu của thị trường.

Ông Nagata Katsunori, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Sharp Manufactuting (VSIP II-A), cho biết: “Thời gian qua, công ty luôn nỗ lực kết nối với các đối tác trong nước để phát triển chuỗi cung ứng, tăng tỷ lệ nội địa hóa. Thông qua các chuỗi cung ứng, năng lực sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trong nước đang được nâng lên”.

Theo số liệu thống kê, trên địa bàn tỉnh hiện có 2.277 DN sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực có liên quan đến ngành công nghiệp hỗ trợ. Tuy nhiên, thực tế hoạt động cho thấy, các DN không đủ đáp ứng nhu cầu nguyên phụ liệu cho sản xuất cả về số lượng lẫn chất lượng, nhất là trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao.

Thay đổi chiến lược

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Duy Nhất Luận, Giám đốc kỹ thuật Công ty TNHH Takako Việt Nam, cho rằng sau dịch bệnh Covid-19, một số DN sẽ buộc phải thiết kế lại chuỗi cung ứng, giải pháp được chọn là chuyển từ một nhà cung cấp nước ngoài sang một khu vực khác an toàn hơn là khu vực cung ứng trong nước với những thay đổi thích hợp. Mặc dù vậy, nhìn nhận thực tế, ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam còn khá non trẻ, yếu kém ở một số phân ngành. Quy mô và năng lực của các DN công nghiệp hỗ trợ còn nhiều hạn chế, khả năng cạnh tranh của sản phẩm được đánh giá chưa cao.

“Đã đến lúc chúng ta cần xem xét việc đang có gì để đón chuỗi cung ứng. Ưu tiên đón những ngành nghề nào và thực tế trình độ chúng ta tới đâu thay vì nói nhiều về chuỗi cung ứng. Với trình độ, chính sách như hiện nay, rất khó để đón và nâng tầm chuỗi cung ứng”, ông Lê Duy Nhất Luận nhìn nhận. Cũng theo ông Lê Duy Nhất Luận, hiện nay DN cần được ưu đãi về lãi suất, đất đai, tài chính để phát triển nguồn lực, quản trị. Thực tế, kỹ thuật, nguồn lực các DN Việt Nam đều có thể đáp ứng yêu cầu và được chứng minh qua việc các DN FDI đang dựa vào nguồn lực Việt Nam để phát triển sản xuất. Các DN cần cơ chế, đặc biệt là tiền và đất đai để đầu tư phát triển. Điều này cần sự hỗ trợ của Chính phủ, bộ, ngành với các quy định cụ thể. Giải quyết được bài toán này Việt Nam sẽ phát triển mạnh được chuỗi cung ứng. Trên thực tế về nhân lực, tư duy DN Việt Nam hoàn toàn có thể đáp ứng được yêu cầu.

Ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Công thương, cho biết trong những năm qua, tỉnh xem việc đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ là một trong những giải pháp trọng tâm nhằm nâng cao năng lực sản xuất công nghiệp, tăng tỷ lệ nội địa hóa, giảm phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, nâng cao giá trị gia tăng cho hàng hóa xuất khẩu. Giai đoạn 2021-2025, Bình Dương sẽ tiếp tục hỗ trợ DN công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn trở thành nhà cung ứng sản phẩm cho khách hàng trong và ngoài nước.

Với mảng điện tử, theo các DN, Việt Nam đang hội tụ nhiều yếu tố, khi có nhiều tập đoàn công nghệ lớn đến đầu tư và hình thành mạng lưới DN công nghiệp phụ trợ, ngành điện tử tham gia ngày càng sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, để trở thành trung tâm sản xuất điện tử của châu Á, theo ông Darren Seah, Giám đốc khối đầu tư và chuyển đổi công nghiệp Công ty Constellar, điều quan trọng nhất với DN là cần kiểm soát về chất lượng sản phẩm, tăng cường kết nối và hỗ trợ từ các đối tác khác nhằm bảo đảm chất lượng sản phẩm. Các DN cần đẩy mạnh phát triển cụm công nghiệp chuyên ngành, nguồn nhân lực, công nghệ và hoàn thiện mạng lưới logistics.

 Ông Đỗ Minh Tâm, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cơ khí và Công nghiệp hỗ trợ (THACO Industries, Tập đoàn THACO), cho biết DN đang khảo sát vị trí để xây khu công nghiệp cơ khí hỗ trợ tại Bình Dương với vốn đầu tư 26.000 tỷ đồng. THACO Industries sẵn sàng liên kết, hợp tác với các DN vừa và nhỏ trong nước để chia sẻ về thị trường, đơn hàng, nguồn nhân lực, công nghệ và quản trị… Qua đó, phối hợp sản xuất, kinh doanh, cùng tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

 TIỂU MY - CẨM TÚ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1308
Quay lên trên