Phát triển công nghiệp công nghệ số và công nghiệp bán dẫn: Tạo động lực tăng trưởng mới

Thứ ba, ngày 13/05/2025
Theo dõi Báo Bình Dương trên

Sáng qua (12-5), đoàn công tác của Bộ Khoa học và công nghệ do ông Bùi Hoàng Phương, Thứ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ làm trưởng đoàn đã có buổi khảo sát và làm việc với UBND tỉnh về phát triển công nghiệp công nghệ số. Ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã chủ trì tiếp và làm việc với đoàn. Tham dự có ông Bùi Minh Trí, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.

Chủ động hội nhập chuỗi giá trị toàn cầu

Trong bối cảnh thế giới đang chuyển dịch mạnh mẽ sang nền kinh tế tri thức và công nghiệp công nghệ cao, Bình Dương xác định phát triển công nghiệp công nghệ số và công nghiệp bán dẫn là một trong những định hướng chiến lược trọng tâm nhằm tạo động lực tăng trưởng mới, nâng cao năng lực cạnh tranh và chủ động hội nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu. Trong đó, công nghiệp công nghệ số đóng vai trò then chốt trong việc xây dựng nền tảng hạ tầng số phục vụ phát triển kinh tế số, chính quyền số và xã hội số.

Quang cảnh buổi làm việc của Ủy ban nhân dân tỉnh với đoàn công tác Bộ Khoa học - Công nghệ ngày 12-5. Ảnh: PHƯƠNG LÊ

Nhận thức rõ vai trò và tiềm năng của lĩnh vực này, Bình Dương đã chủ động triển khai các nhiệm vụ trọng tâm theo định hướng chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2050. Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 đã dành không gian phát triển cho các khu công nghệ thông tin tập trung và đổi mới sáng tạo tại TP.Thủ Dầu Một, TP.Dĩ An, huyện Bàu Bàng và TP.Tân Uyên. Trong đó, nổi bật là Công viên Khoa học và Công nghệ có quy mô 220 ha, bao gồm Khu công nghệ thông tin tập trung Bình Dương có quy mô diện tích 15,47 ha vừa được Phó Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thành lập, giữ vai trò đầu não trong hoạt động nghiên cứu và phát triển công nghiệp công nghệ số. Khu vực này được quy hoạch với các mô hình hỗ trợ khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo như FabLabs, TechLabs, Block71 và dành riêng 50 ha cho phát triển ngành bán dẫn cùng 50 ha cho lĩnh vực điện, điện tử, thiết bị công nghệ, phần mềm và sản xuất phần cứng quy mô nhỏ. Song song với đó, Bình Dương đang đầu tư hoàn thiện đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng điện - nước để sớm đưa các khu công nghệ cao này vào hoạt động.

- Phát biểu tại buổi làm việc, ông Bùi Hoàng Phương, Thứ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ đánh giá cao những kết quả Bình Dương đã đạt được trong phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Đề nghị tỉnh trong thời gian tới phối hợp chặt chẽ với Bộ Khoa học - Công nghệ triển khai thực hiện các nhiệm vụ; đồng thời tăng cường giám sát, kiểm tra định kỳ để bảo đảm hiệu quả.

- Phát biểu tại buổi làm việc, ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết trong thời gian tới Bình Dương phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ quan trọng theo nghị quyết của Tỉnh ủy, kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22-12-2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia đã đề ra đó là đưa Khu Công nghệ thông tin tập trung đi vào hoạt động, hình thành Công viên khoa học công nghệ, khởi công Khu Tổ hợp giáo dục - đào tạo; tập trung chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế sang ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, đổi mới sáng tạo, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức. Bình Dương tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính, chuyển đổi số; cụ thể hóa các văn bản chỉ đạo của Trung ương phù hợp với thực tiễn tỉnh, ban hành chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số; ưu tiên bố trí kinh phí dành cho chuyển đổi số; tập trung triển khai phát triển hạ tầng số đồng bộ và toàn diện…

Năm 2025, Bình Dương đã thu hút trường Đại học FPT đầu tư tại TP.Tân Uyên, đánh dấu bước khởi đầu quan trọng trong việc hình thành và phát triển chuỗi công nghệ số của Tập đoàn FPT trên địa bàn tỉnh. Cùng thời điểm, Tập đoàn CT Group đã khởi công giai đoạn 2 của dự án lắp đặt dây chuyền sản xuất tại Nhà máy chip bán dẫn CT Semiconductor. Sự kiện diễn ra vào ngày 30-4 vừa qua, được xem là bước đi đầu tiên, đặt nền móng để Bình Dương tiếp tục phát triển mạnh mẽ ngành công nghiệp bán dẫn trong thời gian tới.

Trong công tác đối ngoại, Bình Dương đã thiết lập quan hệ hợp tác hữu nghị với 14 địa phương các nước và là thành viên chính thức của ba tổ chức toàn cầu gồm Diễn đàn Cộng đồng thông minh thế giới (ICF), Tổ chức Horasis và Hiệp hội Trung tâm Thương mại thế giới (WTCA). Năm 2023, Bình Dương vinh dự là địa phương đầu tiên của Việt Nam được ICF bình chọn là Top 1 cộng đồng có chiến lược phát triển thành phố thông minh tiêu biểu toàn cầu. Bình Dương cũng tăng cường các hoạt động kết nối doanh nghiệp, hội thảo chuyên đề và hợp tác chiến lược với các quốc gia, vùng lãnh thổ có hệ sinh thái phát triển công nghiệp công nghệ số, bán dẫn như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc)...

Thúc đẩy thu hút nhà đầu tư công nghệ cao

Khu công nghệ thông tin tập trung Bình Dương có quy mô 15,47 ha nằm trong Công viên Giáo dục - Công nghệ 48 ha và là một phần quan trọng trong tổng thể hệ sinh thái khoa học - công nghệ rộng gần 220 ha. Vị trí trung tâm này cho phép khu công nghệ thông tin tập trung thừa hưởng toàn bộ hạ tầng giao thông, tiện ích đô thị và dịch vụ xã hội đã đầu tư bài bản, đồng thời giữ vai trò “hạt nhân đổi mới sáng tạo” khi kết nối chặt chẽ cơ quan quản lý, viện, trường và doanh nghiệp để thúc đẩy hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D), ươm tạo startup và sản xuất thử công nghệ cao.

Định hướng phát triển khu công nghệ thông tin tập trung được xây dựng dựa trên ba trụ cột chính: Đầu tư hạ tầng đồng bộ, phát triển nhân lực chất lượng cao và thu hút ngành công nghệ mũi nhọn. Cụ thể, giai đoạn 2024-2026 tập trung hoàn thiện giải phóng mặt bằng, san nền, xây dựng hạ tầng kỹ thuật cơ bản. Giai đoạn 2026-2028 ưu tiên huy động thêm 2.000-2.500 nhân lực chất lượng cao, kêu gọi 10-15 doanh nghiệp ICT (lĩnh vực công nghiệp điện tử - viễn thông - công nghệ thông tin) và Semiconductors vào thí điểm chuỗi giá trị công nghệ, đồng thời mở rộng năng lực pilot-line để phục vụ R&D và thử nghiệm. Giai đoạn 2028-2030, căn cứ diễn biến thực tế, xem xét mở rộng diện tích trong khung 220 ha, bổ sung phân khu công nghệ y, sinh học, vật liệu mới và hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo hoàn chỉnh, sẵn sàng cho tầm nhìn đến năm 2050.

Đoàn công tác của Bộ Khoa học và Công nghệ tham quan hệ sinh thái đổi mới sáng tạo tại Trường Đại học Quốc tế Miền Đông

Với nền tảng tăng trưởng kinh tế năng động, môi trường đầu tư thông thoáng, hệ sinh thái khoa học - công nghệ rộng gần 220 ha và định hướng phát triển đồng bộ về hạ tầng, nhân lực, chính sách ưu đãi, Khu công nghệ thông tin tập trung Bình Dương sẽ xứng đáng là hạt nhân đổi mới sáng tạo, thu hút mạnh mẽ nhà đầu tư công nghệ cao, đặc biệt trong ngành bán dẫn, giúp tỉnh trở thành trung tâm công nghệ thông tin - đổi mới sáng tạo hàng đầu của cả nước...

Tại buổi làm việc, Bình Dương đã kiến nghị sớm hoàn thiện thể chế, về tài chính, nguồn nhân lực, đầu tư hạ tầng để tạo điều kiện thu hút nhà đầu tư vào khu công nghệ thông tin tập trung, khu khoa học - công nghệ, hỗ trợ tư vấn, hình thành, phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo như vườn ươm doanh nghiệp, trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp, các phòng thí nghiệm, trung tâm R&D, các không gian làm việc chung, các câu lạc bộ, cộng đồng công nghệ, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo.

PHƯƠNG LÊ