Phát triển công nghiệp gắn với đầu tư cụm ngành công nghiệp mũi nhọn

Cập nhật: 13-12-2019 | 08:47:45

Ngành công nghiệp của tỉnh đã chuyển sang giai đoạn thu hút đầu tư có chọn lọc, tập trung vào các dự án phù hợp với xu thế phát triển khoa học - công nghệ của thế giới và nhu cầu của thị trường. Trong thời gian tới, việc thu hút đầu tư vào ngành công nghiệp gắn với định hướng đầu tư phát triển cụm ngành công nghiệp.

 Các chuyên gia đánh giá việc xây dựng cụm ngành công nghiệp sẽ tạo điều kiện phát triển công nghiệp bền vững. Trong ảnh: Dây chuyền sản xuất của Công ty Hưng Hải Thịnh, Cụm công nghiệp Tam Lập I (Phú Giáo). Ảnh: TIỂU MY

Đòi hỏi cấp bách

Bình Dương là 1 trong 4 trung tâm công nghiệp của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, với thế mạnh là công nghiệp chế biến, chế tạo và thành phần kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đóng vai trò đầu tàu trong phát triển công nghiệp. Tỉnh được quy hoạch mạng lưới khu công nghiệp với tổng diện tích lên đến 14.700 ha vào năm 2020, trong đó một số khu công nghiệp quy mô lớn có diện tích trên 100 ha.

Theo quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch chung xây dựng và quy hoạch sử dụng đất của địa phương, tỉnh dịch chuyển sản xuất công nghiệp lên khu vực phía Bắc, từng bước di dời các cơ sở sản xuất nằm ngoài các khu, cụm công nghiệp vào khu, cụm công nghiệp. Đồng thời, khu vực phía nam của tỉnh sẽ phát triển đô thị theo mô hình “đô thị nén” mật độ cao; khu vực đô thị trung tâm sẽ xây dựng theo mô hình “đa chức năng, đa trung tâm” mật độ trung bình. Việc thu hút đầu tư các cụm công nghiệp, ngành công nghiệp sẽ kéo theo sự phát triển của bộ mặt đô thị, dịch vụ - thương mại cho các huyện phía bắc.

Trong thời gian tới, tỉnh phát triển kinh tế gắn với kết nối vùng, phát triển công nghiệp hướng đến xuất khẩu. Tỉnh chú trọng phát triển công nghiệp công nghệ cao, giảm thâm dụng lao động phổ thông, giảm thiểu ô nhiễm môi trường; phát triển các ngành kinh tế phục vụ sản xuất bao gồm logistics, thương mại bán buôn, tài chính ngân hàng, thương mại điện tử…

Hiện nay, trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đã hình thành một số mô hình liên kết cụm ngành trong phát triển công nghiệp, điển hình là khu công nghệ cao ở TP.Hồ Chí Minh với doanh nghiệp trụ cột là Intel, Samsung. Các doanh nghiệp lớn này thu hút nhiều doanh nghiệp vệ tinh cung cấp sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, các dịch vụ… tạo nên hệ sinh thái thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp trong khu công nghệ cao.

Tại hội nghị liên kết vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, các chuyên gia khẳng định việc Bình Dương xây dựng cụm ngành công nghiệp sẽ tạo điều kiện phát triển công nghiệp tỉnh nhà bền vững, thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ, nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng của cụm ngành công nghiệp.

Ông Hồ Văn Bình, Phó Giám đốc Sở Công thương, cho biết với sự phát triển nhanh chóng của các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh thời gian qua (giai đoạn 2011-2018 số lượng doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực công nghiệp tăng bình quân 9,5%/năm) dự báo số lượng doanh nghiệp thành lập mới trên lĩnh vực công nghiệp sẽ tăng nhanh trong thời gian tới. Bên cạnh đó, tỉnh chủ trương di dời các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp ngoài các khu, cụm công nghiệp vào các khu, cụm công nghiệp, trong đó phần lớn là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Điều này đòi hỏi phải bổ sung quy hoạch các cụm công nghiệp mới có thể đáp ứng nhu cầu quỹ đất cho phát triển công nghiệp.

Phát triển các cụm ngành mũi nhọn

Theo Viện Nghiên cứu phát triển TP.Hồ Chí Minh, qua phân tích cho thấy nhiều ngành công nghiệp vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao, vừa đóng góp cho ngân sách tỉnh Bình Dương. Trong thời gian tới, cần đầu tư phát triển những ngành này tại địa phương nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các ngành công nghiệp nói chung và những ngành mang lại hiệu quả kinh tế cao nói riêng; khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất; chú trọng phát triển doanh nghiệp công nghệ cao.

Lãnh đạo viện cũng đề xuất tỉnh thành lập các cụm ngành công nghiệp mũi nhọn, gồm: Cụm ngành điện tử; cụm ngành cơ khí; cụm ngành sản xuất, lắp ráp ô tô; cụm ngành dệt may - thiết kế thời trang; cụm ngành công nghiệp công nghệ cao. Trong các cụm ngành này cần ưu tiên phát triển cụm ngành cơ khí.

Theo chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn Chính phủ, việc đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp công nghệ cao tại Bình Dương sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận với các chuẩn mực quốc tế thông qua hỗ trợ đào tạo từ doanh nghiệp lớn trong chuỗi cung ứng. Để phát triển cụm ngành công nghiệp đòi hỏi phải thu hút được các tập đoàn lớn vào đầu tư, từ đó các doanh nghiệp lớn sẽ thu hút các doanh nghiệp vệ tinh vào hoạt động. Bình Dương cần “ươm mầm” nhiều hơn các doanh nghiệp chủ lực như Becamex IDC trong tầm nhìn dài hạn để bảo đảm sự phát triển bền vững.

 Quyết định số 880/QĐ-TTg ngày 9-6-2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 xác định xây dựng các khu, cụm công nghiệp hỗ trợ cơ khí tại các địa phương gồm Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Phòng, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Tây Ninh và Đà Nẵng. Chính vì vậy, phát triểm cụm ngành cơ khí trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới là phù hợp.

 TIỂU MY   

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên