Phát triển công nghiệp hỗ trợ cho ngành dệt may, giày da

Cập nhật: 23-10-2024 | 14:38:47

(BDO) Trước những đòi hỏi khắt khe từ thị trường, ngành dệt may và giày da cần phải thúc đẩy việc cung ứng nguyên phụ liệu theo hướng quy mô, chuẩn hóa và minh bạch để đáp ứng nhu cầu của thị trường xuất khẩu.

Tăng trưởng nhưng chưa bền vững

Hiện nay, bối cảnh nhu cầu tiêu dùng thế giới chưa cải thiện, song xuất khẩu dệt may, giày da 9 tháng năm 2024 của tỉnh vẫn giữ đà phục hồi tích cực với mức tăng trưởng cao hơn so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt trong tháng 9, tín hiệu tăng trưởng xuất khẩu của 2 ngành dệt may và giày da khá rõ nét. 


Sản xuất tại Công ty Cổ phần Đầu tư Thái Bình (TBS Group)

Sở Công Thương nhận định, vào những tháng cuối năm 2024, kim ngạch xuất khẩu sẽ tăng mạnh do có nhiều lễ hội, là cơ hội để ngành dệt may, giày da gia tăng kim ngạch xuất khẩu. Thực tế, tháng 9 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu dệt may ước đạt 329,8 triệu USD, tăng 3,5% so tháng trước, tăng 57,7% so cùng kỳ 2023. Lũy kế 9 tháng, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 2.341,9 triệu USD, tăng 12,8% với cùng kỳ 2023, chiếm tỷ trọng 9,1% kim ngạch xuất khẩu cả tỉnh.

Ngành giày da trong tháng 9 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 176,4 triệu USD, tăng 4,3% so tháng trước, tăng 66,1% so cùng kỳ 2023. Lũy kế 9 tháng, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1.380,8 triệu USD, tăng 18,7% so cùng kỳ 2023, chiếm tỷ trọng 5,6% kim ngạch xuất khẩu cả tỉnh.

Theo đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp (DN), Việt Nam trở thành nước sản xuất giày dép đứng thứ 3 thế giới, sau Trung Quốc và Ấn Độ và đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu. Trong khi đó, ngành dệt may Việt Nam đang tận dụng cơ hội từ sự dịch chuyển đơn hàng toàn cầu. Nhờ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA), các DN đã chủ động mở rộng thị trường, đa dạng hóa sản phẩm, và cuối cùng là gia tăng quy mô xuất khẩu.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Thái Bình (TBS Group), TBS Group đã có đủ đơn hàng xuất khẩu cho toàn bộ năm 2024. Các dây chuyền sản xuất đang hoạt động hết công suất để đảm bảo tiến độ giao hàng cho các đối tác quốc tế. Mục tiêu của công ty là tăng giá trị xuất khẩu năm 2024 lên ít nhất 20% so với năm trước.


Ông Nguyễn Đức Thuấn tiếp đoàn khảo sát của Trung ương về phát triển ngành giày da

"Bình Dương xây dựng vành đai công nghiệp mới từ đường Vành đai 4, 3 nối các khu công nghiệp đến sân bay quốc tế Long Thành, cảng biển; xây dựng những trung tâm công nghiệp theo hệ sinh thái mới để di dời các nhà máy từ phía Bắc lên phía Nam nhằm tạo dư địa mới phát triển khu vực phía Nam. Trong đó, tỉnh ưu tiên quy hoạch, phát triển trung tâm logistics, trung tâm nghiên cứu chuyên ngành và các trung tâm nguyên phụ liệu, đáp ứng yêu cầu phát triển của các ngành sản xuất trong tình hình mới".

(Ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Công Thương Bình Dương) 

Tuy vậy, theo bà Phạm Thị Xuân Trang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Bình Dương, thách thức lớn hiện hữu đó là liên quan đến phát triển xanh, phát triển bền vững, đặc biệt yêu cầu minh bạch và tự chủ nguyên liệu sản xuất đầu vào nhằm gia tăng giá trị xuất khẩu, tận dụng tốt hơn lợi thế từ các FTA. 

“Các thị trường nhập khẩu lớn đều đã áp dụng các quy định yêu cầu truy xuất nguồn gốc sản phẩm và nguyên phụ liệu sản xuất trong chuỗi cung ứng dệt may. Trước áp lực này, ngành dệt may cần phải thúc đẩy thị trường cung ứng nguyên phụ liệu theo hướng quy mô, chuẩn hóa và minh bạch.”, bà Phạm Thị Xuân Trang cho hay.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Quang Vũ, Chủ tịch Hiệp hội Giày da Bình Dương, ngành giày da đang có những tín hiệu tăng trưởng tích cực nhưng việc phụ thuộc quá lớn vào nguồn cung nhập khẩu khiến ngành sản xuất trong nước đối mặt với nhiều rủi ro và khó khăn trong cạnh tranh. Chính vì thế, việc tự chủ nguyên phụ liệu là một trong những yếu tố sống còn để DN thăng hạng trong quá trình tham gia chuỗi sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm.

Đòi hỏi khắt khe từ thị trường 

Theo các DN, ngành dệt may, giày da Việt Nam đang đứng trước những cơ hội lớn từ các hiệp định thương mại tự do, nhưng việc có thể tận dụng được hay không cần phải phát triển công nghiệp hỗ trợ, nguyên phụ liệu trong nước.

Trên thực tế, hiện các thị trường lớn như EU và Mỹ đã siết chặt quy định về truy xuất nguồn gốc sản phẩm và nguyên phụ liệu nhằm hướng tới một ngành công nghiệp bền vững hơn... Nếu không đáp ứng được các yêu cầu này, DN sẽ đối mặt với rủi ro bị đánh thuế và mất đi thị trường xuất khẩu. Bên cạnh đó, việc đảm bảo tự chủ nguồn nguyên liệu sản xuất cũng đang trở thành ưu tiên hàng đầu của các DN. Do vậy, việc hình thành trung tâm nguyên phụ liệu với ngành dệt may, giày da là vấn đề cần xúc tiến sớm để DN tự chủ nguyên liệu. 


Ngành dệt may cần nguồn cung nguyên phụ liệu trong nước theo hướng xanh hóa. Ảnh: Sản xuất tại Công ty Cổ phần May mặc Bình Dương

Theo đánh giá ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch Hiệp hội Giày da Việt Nam (LEFASO) thì việc phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ và tăng cường tự chủ nguồn nguyên liệu là giải pháp cấp thiết để nâng cao năng lực cạnh tranh của các DN Việt Nam trên thị trường quốc tế. Chiến lược phát triển công nghiệp Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 đã xác định dệt may - giày da là hai trong số 7 ngành công nghiệp ưu tiên của Việt Nam. Tuy nhiên, để tiếp tục phát triển ngành trong giai đoạn sắp tới, cần có những giải pháp đột phá để nâng cấp chuỗi giá trị ngành nhằm tạo ra những lợi ích bền vững. 

“Để làm được điều này, cần phải thúc đẩy phát triển hoạt động của thị trường cung ứng nguyên phụ liệu theo hướng quy mô, chuẩn hóa và minh bạch. Từ đó giúp các DN trong ngành, đặc biệt là DN nhỏ và vừa nâng cao tính năng động, hiệu quả, có cơ hội vươn lên và tham gia vào chuỗi cung ứng ngành. Trên cơ sở đó, chúng tôi đã kiến nghị xây dựng khu trung tâm giao dịch phát triển nguyên phụ liệu và đổi mới sáng tạo ngành thời trang Việt Nam tại Bình Dương”, ông Thuấn nói.

Ông Nguyễn Quang Vũ cho biết thêm: “Với lợi thế giá thành cạnh tranh, vận chuyển thuận lợi, đa dạng chủng loại và chất lượng, Trung Quốc hiện vẫn là nguồn cung nguyên phụ liệu lớn nhất cho ngành da giày Việt Nam, tiếp đến là Thái Lan, Italia ... Ngoài ra, DN da giày trong nước còn nhập khẩu da thuộc từ Mỹ, Hàn Quốc và những thị trường khác, tuy nhiên tỷ trọng mỗi thị trường không cao. Công nghiệp hỗ trợ ngành da giày đã được đề cập rất nhiều năm nhưng chưa đạt được như sự mong mỏi của Nhà nước, DN, nhà sản xuất… và cần có thêm một lộ trình dài hơi.”

“Với lợi thế giá thành cạnh tranh, vận chuyển thuận lợi, đa dạng chủng loại và chất lượng, Trung Quốc hiện vẫn là nguồn cung nguyên phụ liệu lớn nhất cho ngành da giày Việt Nam, tiếp đến là Thái Lan, Italia ... Ngoài ra, DN da giày trong nước còn nhập khẩu da thuộc từ Mỹ, Hàn Quốc và những thị trường khác, tuy nhiên tỷ trọng mỗi thị trường không cao. Công nghiệp hỗ trợ ngành da giày đã được đề cập rất nhiều năm nhưng chưa đạt được sự mong mỏi của Nhà nước, DN, nhà sản xuất… và cần có thêm một lộ trình dài hơi”.

(Ông Nguyễn Quang Vũ, Chủ tịch Hiệp hội Giày da Bình Dương)

Tiểu My

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=559
Quay lên trên