Phát triển công nghiệp hỗ trợ, nâng chất sản xuất chế tạo

Thứ sáu, ngày 18/04/2025
Theo dõi Báo Bình Dương trên

Trước diễn biến tình hình phức tạp của thế giới, châu Âu, Hoa Kỳ yêu cầu, đòi hỏi hàng hóa nhập khẩu khắt khe hơn, Bình Dương nỗ lực phát triển sản xuất ngành cơ khí chính xác, phát triển chuỗi cung ứng ngành công nghiệp hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp thích ứng, nâng cao giá trị sản phẩm để đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn hàng hóa cao hơn.            

 Dây chuyền sản xuất tại Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Đức Kim Tinh (TP.Dĩ An)

Tăng sức cạnh tranh

Để phát triển công nghiệp bền vững, đi vào chiều sâu, Bình Dương đã và đang tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp (DN) phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT). Theo đó, Bình Dương đầu tư phát triển 4 cụm công nghiệp hỗ trợ với diện tích mỗi cụm 75 ha; triển khai thêm 1 khu công nghiệp (KCN) ngành cơ khí để góp phần thúc đẩy phát triển ngành CNHT. Bên cạnh đó, các DN CNHT trên địa bàn tỉnh đang được tạo điều kiện thuận lợi để phát triển, từng bước tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Cộng đồng DN kỳ vọng CNHT sẽ tạo sự liên kết, chuyên môn hóa, sớm hình thành hệ thống các nhà cung cấp nguyên vật liệu và sản xuất linh kiện với hàm lượng công nghệ cao ở trong nước.

Theo bà Trịnh Thị Hồng Châu, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất, dịch vụ, thương mại cơ khí Kim Chung, mặc dù nhiều DN trong tỉnh có năng lực tốt trên một số lĩnh vực như khuôn mẫu các loại, linh kiện cơ khí, dây cáp điện, linh kiện nhựa... song tính liên kết để phát triển sản phẩm CNHT của DN trong nước vẫn còn thấp, giá thành cao, nên thiếu sức cạnh tranh. Để thúc đẩy lĩnh vực sản xuất linh kiện cơ khí phát triển, Nhà nước cần có chính sách mạnh mẽ khuyến khích phát triển sản xuất các loại vật liệu chế tạo, đồng thời lựa chọn phát triển có trọng điểm các ngành có liên quan... “Thời gian qua, một số sản phẩm cơ khí được sản xuất đạt chất lượng tốt, tương đương với chất lượng sản phẩm của các quốc gia phát triển trong khu vực. Hiện tại, nhu cầu của thị trường CNHT rất lớn nên nhiều DN đã mạnh dạn đầu tư để nâng cao năng lực sản xuất, chú trọng phát triển các dòng sản phẩm chất lượng, hướng vào xuất khẩu sản phẩm cơ khí. Tuy vậy, chuỗi cung ứng đối với thị trường trong nước vẫn còn yếu”, bà Trịnh Thị Hồng Châu nói.

Ông Nguyễn Bá Tòng, Phó Chủ tịch kiêm Trưởng đại diện phía Nam Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI), khẳng định Bình Dương hội tụ các yếu tố thuận lợi như hệ thống giáo dục - đào tạo tiên tiến, gồm các trường đại học: Quốc tế Miền Đông, Việt Đức, Thủ Dầu Một, các trường đào tạo nghề…; hạ tầng giao thông hiện đại; có các KCN trọng điểm, Trung tâm Thương mại Thế giới (WTC), không gian nghiên cứu khoa học, vườn ươm, trung tâm sản xuất thông minh và chuyển đổi xanh... Đây là điều kiện thuận lợi, môi trường lý tưởng để hình thành và phát triển Hội CHHT Bình Dương (BASI) nhằm góp phần thúc đẩy CNHT của tỉnh nói riêng và khu vực phía Nam nói chung phát triển. VASI hiện có gần 400 hội viên trên toàn quốc, thường xuyên tổ chức các khóa học và chương trình tư vấn; tham gia và tổ chức hội chợ triển lãm trong nước và quốc tế; kết nối DN thông qua các hoạt động B2B (kinh doanh, giao dịch trực tiếp giữa DN và DN); đồng thời hỗ trợ triển khai các sáng kiến, dự án về phát triển ngành CNHT. VASI cũng đang nỗ lực hỗ trợ phát triển BASI.

Tạo dựng trụ cột

Ông Nguyễn Việt Long, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, cho biết Bình Dương hiện là địa phương dẫn đầu cả nước về phát triển công nghiệp và đứng thứ hai về thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Với chiến lược đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo, Bình Dương đã ban hành đề án phát triển ngành cơ khí đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, cùng nhiều chính sách đồng bộ nhằm hình thành hệ sinh thái công nghiệp hiện đại, gắn kết toàn vùng, tạo đòn bẩy tăng trưởng bền vững.

“Ngành cơ khí chính xác và sản xuất chế tạo đang là một trong những trụ cột quan trọng của nền công nghiệp hiện đại. Ngành này có tốc độ tăng trưởng 9,28%/năm trong thời gian qua cho thấy nỗ lực vượt bậc từ phía DN, sự hỗ trợ đồng hành từ Nhà nước, cùng xu hướng gia tăng đầu tư vào lĩnh vực này của DN trong và ngoài nước”, ông Nguyễn Việt Long nói.

Mới đây, tại kỳ họp lần thứ 22 (chuyên đề), HĐND tỉnh đã thông qua Đồ án quy hoạch chung xây dựng (tỷ lệ 1/5.000) Khu công nghiệp (KCN) Bắc Tân Uyên 1 (KCN chuyên ngành cơ khí), do Công ty Cổ phần Tập đoàn Trường Hải (THACO) làm chủ đầu tư với tổng số vốn trên 26.000 tỷ đồng. KCN này góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế của Bình Dương theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Hội đồng Quản trị THACO, cho biết KCN chuyên ngành cơ khí không chỉ phục vụ lĩnh vực ô tô mà còn mở rộng ra nhiều lĩnh vực công nghiệp khác. Việc hình thành KCN cơ khí sẽ góp phần giải quyết tình trạng thiếu hụt nguồn nguyên liệu, tiết kiệm thời gian, chi phí vận chuyển, đồng thời tạo cơ hội cho các DN, đặc biệt là DN vừa và nhỏ đẩy mạnh hợp tác hỗ trợ lẫn nhau, cùng phát triển, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu các ngành công nghiệp về cơ khí chính xác cũng như một số ngành cơ khí chế tạo để bảo đảm cho CNHT có điều kiện phát triển. Điều này sẽ thu hút các tập đoàn đa quốc gia đầu tư các dự án quy mô lớn tại Việt Nam.

 Ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, hoan nghênh việc thành lập Hội Công nghiệp hỗ trợ Bình Dương (BASI) và cho biết BASI sẽ là cầu nối quan trọng thúc đẩy ngành CNHT tại Bình Dương và khu vực phía Nam phát triển xứng tầm. Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Sở Công thương, Sở Nội vụ và các ngành liên quan đồng hành hỗ trợ BASI các hoạt động chuyên môn trong quá trình hoạt động.

 TIỂU MY