Trong thời gian qua, công nghiệp hỗ trợ (CNHT) của Bình Dương phát triển khá tốt, góp phần đưa ngành công nghiệp (CN) tỉnh phát triển nhanh với mức tăng trưởng bình quân 20%/năm. Để tiếp tục đưa CNHT phát triển đúng hướng, Bình Dương đã đưa ra nhiều giải pháp để tiếp tục nâng cao hiệu quả.
Giá trị gia tăng cao
Công ty TNHH DJV (Hàn Quốc) nằm ở KCN Mỹ Phước 3, là doanh nghiệp (DN) sản xuất sản phẩm hỗ trợ như màn hình tinh thể lỏng Led, phụ tùng ô tô nhằm cung cấp cho các tập đoàn lớn trên thế giới. Tuy số lượng người không nhiều, chỉ khoảng 65 công nhân kỹ thuật, thế nhưng theo ông Kang Myoung Jun, Giám đốc Công ty TNHH DJV cho biết, xuất khẩu hàng năm của DJV trên 12 triệu USD. Với Công ty Yazaki (Nhật Bản) là DN sản xuất dây dẫn điện ô tô trên địa bàn, nhiều năm qua hoạt động rất hiệu quả và cung cấp sản phẩm cho các hãng ô tô hàng đầu thế giới. Quá trình hoạt động sản xuất -kinh doanh, Công ty Yazaki đã không ngừng mở rộng và nâng cao năng lực sản xuất.
Chú trọng CNHT, sản phẩm tivi của nhiều doanh nghiệp trong nước có tỷ lệ nội địa cao. (Sản xuất tivi tại Công ty Cổ phần Đông Á)
Không chỉ sản xuất sản phẩm phục vụ ngành CN ô tô, ngành CNHT trên địa bàn tỉnh được nhiều DN thuộc các lĩnh vực khác nhau chú trọng đầu tư. Cụ thể như nhà máy sản xuất các loại linh kiện điện tử (con chip IC) của Công ty TNHH Việt Nam Seibi Semiconductor (Nhật Bản) đi vào hoạt động từ tháng 8-2009 tại KCN Việt Nam - Singapore II (VSIP II) với tổng vốn đầu tư 10,6 triệu USD. Khi mới đi vào hoạt động, nhà máy chỉ có hơn 50 lao động lành nghề nhưng đạt sản lượng sản xuất 10 triệu sản phẩm/tháng, hàng năm xuất khẩu hàng chục triệu USD. Để phục vụ cho CN sản xuất nước uống, mới đây nhất trong năm 2011, dự án của Công ty TNHH lon nước giải khát TBC Ball Beverage Can Việt Nam với tổng vốn đầu tư 50 triệu USD đã được khởi công xây dựng nhằm phục vụ cho ngành thức uống đóng hộp nước của Việt Nam. Với công suất 850 triệu lon/năm, không những DN phục vụ cho thị trường nội địa mà còn xuất khẩu sang các thị trường lân cận như Lào và Campuchia...
Không chỉ các DN nước ngoài chú ý đến CNHT, thời gian qua, nhiều DN trong nước đã thấy được tầm quan trọng của CNHT đối với sự phát triển bền vững của DN. Nổi bật như Công ty Cổ phần Giày Thái Bình, trước đây chỉ sản xuất giày da, thời gian qua đã chú trọng phát triển CNHT như sản xuất đế, khuôn giày... phục vụ cho sản xuất giày của công ty. Qua đó, giày Thái Bình đã nâng cao tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm để cung cấp cho các hãng nổi tiếng trên thế giới. Trong lĩnh vực phụ tùng xe máy, năm 2008, Công ty TNHH TM - DV Minh Sang đưa vào hoạt động nhà máy sản xuất nhông, sên, dĩa cùng các phụ tùng khác của xe máy tại KCN Sóng Thần 3 với công suất 300.000 sản phẩm/năm. Đến nay, nhà máy phụ tùng của Minh Sang hoạt động rất hiệu quả về sản lượng cũng như doanh thu.
Khắc phục hạn chế
Phát triển CNHT là vô cùng quan trọng, không chỉ tạo ra giá trị sản xuất CN cao mà còn là điều kiện để thu hút đầu tư các ngành công nghệ cao. Theo đánh giá từ Sở Công Thương, CNHT trên địa bàn tỉnh phát triển mạnh trong những năm gần đây về số lượng DN, lao động, giá trị sản xuất, doanh thu... và có vai trò quan trọng vào phát triển ngành CN chế biến của tỉnh nói riêng và vùng kinh tế trọng điểm nói chung. Cụ thể, tỉnh đã hình thành các ngành CN sản xuất nguyên phụ liệu phục vụ cho ngành dệt may như CN sản xuất sợi, dệt vải, chỉ may, khuy nút, dây kéo, hoàn thiện sản phẩm dệt...; da giày có sản xuất đế giày, mũ giày...; cơ khí có sản xuất kim loại, sản xuất sản phẩm từ kim loại, sản xuất máy móc thiết bị và phụ tùng cho các ngành CN ô tô, xe máy và các phương tiện vận tải khác, chế biến gỗ, CN sản xuất hàng tiêu dùng...; điện - điện tử có sản xuất linh kiện điện tử, sản xuất thiết bị dây dẫn điện, cáp quang. Sở Công Thương cũng cho biết, nhờ CNHT phát triển nên tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm của CN tỉnh dao động từ 10 - 40% tùy theo điều kiện của từng DN, đây là xu thế các DN đang hướng đến nhằm giảm chi phí, giá thành sản phẩm trong gia công và tiến tới chủ động trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nâng cao giá trị gia tăng trong sản xuất CN.
Mặt dù CNHT cơ bản đạt khá nhưng vẫn còn những hạn chế. Theo Sở Công Thương, CNHT đã hình thành và phát triển nhưng nhìn chung còn non trẻ, chủ yếu là gia công, lắp ráp, sản phẩm CNHT của các ngành CN chủ lực còn khá khiêm tốn về chủng loại. Để khắc phục vấn đề này, Bình Dương đã có những giải pháp trong thời gian tới. Theo đó, tỉnh ưu tiên phát triển các ngành CNHT về chiều rộng lẫn chiều sâu; kêu gọi các thành phần kinh tế đầu tư vào CNHT nhằm tạo giá trị gia tăng cao và phục vụ ngành CN phát triển; tăng cường xúc tiến đầu tư và mời gọi các tập đoàn lớn sản xuất sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, khả năng cạnh tranh lớn; chú trọng nâng cao nguồn nhân lực phục vụ cho CNHT phát triển... Với những giải pháp này, chắc chắn thời gian tới CNHT sẽ phát triển đúng hướng, góp phần quan trọng vào tiến trình phát triển CN nhanh và bền vững mà Bình Dương đã đề ra.
TRỌNG MINH