Phát triển công nghiệp nhanh và bền vững giai đoạn 2006-2010: Nền tảng cho phát triển

Cập nhật: 26-07-2011 | 00:00:00

Nhằm mục tiêu phát triển công nghiệp (CN) theo hướng vừa tăng trưởng về lượng, vừa tăng trưởng về chất, bảo đảm hiệu quả, ổn định và bảo vệ môi trường, qua 4 năm thực hiện, Chương trình phát triển công nghiệp nhanh và bền vững (PTCNN&BV) giai đoạn 2006-2010 đã đạt kết quả khả quan trong thực hiện những nhiệm vụ chủ yếu. Qua đó, tạo nền tảng vững chắc để thực hiện đạt kế hoạch trong giai đoạn kế tiếp.

  Các ngành hàng có giá trị gia tăng lớn và sức cạnh tranh mạnh được thu hút nhiều trong giai đoạn 2006-2010

Công nghiệp gia tăng, đầu tư chuyển động

Thực hiện Chương trình PTCNN&BV giai đoạn 2006-2010 của Bình Dương đạt giá trị sản xuất CN tăng bình quân 19,9%. Trong đó, ngành CN khai thác đạt mức tăng trưởng 23,3%; ngành CN chế biến tăng trưởng 19,9%; CN sản xuất, phân phối điện khí đốt và nước đạt mức tăng trưởng 6,5%. Các ngành CN chế biến nông, lâm sản, thực phẩm; hóa chất; cao su, plactic; dệt may, da giày; sản xuất vật liệu xây dựng và gốm sứ tiếp tục duy trì được tốc độ tăng trưởng cao, ổn định. CN mũi nhọn như cơ khí tăng trưởng bình quân 16,1%; điện tử, viễn thông và tin học tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao và bình quân 28,4%.

Theo Sở Công Thương Bình Dương, về cơ cấu nội bộ ngành CN giai đoạn 2006-2010 có CN chế biến chiếm tỷ trọng cao, trong đó nhóm ngành chế biến nông, lâm, thủy sản luôn chiếm tỷ trọng trên 36%, năm 2010 chiếm 37,9%; nhóm ngành cơ khí, nhóm ngành dệt may, da giày và nhóm ngành hóa chất, cao su plastic cũng chiếm tỷ trọng khá cao.

  Da giày, một trong những ngành hàng xuất khẩu lớn của Bình Dương

  Cùng giá trị sản xuất CN đạt khá, thu hút đầu tư giai đoạn 2006-2010 cũng tiếp tục khởi sắc, toàn tỉnh đã thu hút được 6.399 dự án đầu tư; trong đó có 5.553 dự án trong nước với vốn đăng ký 44.990 tỷ đồng và 846 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký 7,3 tỷ USD. Nhờ vậy, tính đến cuối năm 2010, toàn tỉnh có 10.181 doanh nghiệp (DN) trong nước và 2.006 DN nước ngoài với tổng số vốn đầu tư tương ứng là 87.508 tỷ đồng và 13 tỷ 676 triệu USD. Theo đánh giá từ UBND tỉnh, thu hút đầu tư giai đoạn 2006-2010 phát triển mạnh về số lượng dự án và có tính chọn lọc quy mô về vốn và ngành nghề; nhiều tập đoàn kinh tế lớn với những ngành nghề mũi nhọn mang tính chiến lược đã đến Bình Dương đầu tư như: Công ty Kumho Asiana, Công ty TNHH Uni - President Việt Nam, Công ty TNHH giấy Chánh Dương, Công ty Cổ phần CN gỗ Kaiser... Chính nguồn vốn đầu tư trong nước được huy động mạnh góp phần tăng nguồn lực nội sinh, hình thành một cơ cấu hiệu quả; từ đó CN Bình Dương có thể chịu đựng được những thách thức của cơ chế thị trường. Còn nguồn vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục làm động lực cho phát triển CN Bình Dương cả về vốn, thương hiệu, thị trường và công nghệ tiên tiến.

Xây dựng nhà ở, đào tạo nguồn nhân lực

Thực hiện Chương trình PTCNN&BV, để đáp ứng nhu cầu lao động phục vụ phát triển kinh tế; một mặt tỉnh đẩy mạnh công tác đào tạo nghề; mặt khác, chủ động liên kết với các địa phương trong cả nước để cung ứng lao động cho tỉnh; đồng thời, giải quyết các chế độ phúc lợi xã hội, giáo dục, y tế cho người lao động (NLĐ) nhằm giúp họ an tâm làm việc, ổn định cuộc sống. Cùng với sự đầu tư kinh phí cho các cơ sở công lập từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia và ngân sách tỉnh, các cơ sở dạy nghề tư thục cũng tự đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, tăng cường trang thiết bị, đa dạng ngành nghề đào tạo, góp phần đáng kể vào việc đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề cho tỉnh.

Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 41 cơ sở dạy nghề, so với năm 2006 tăng 11 cơ sở. Nội dung chương trình đào tạo không ngừng được phát triển mở rộng phù hợp với nhu cầu người học và người sử dụng lao động, chuyển đào tạo theo hướng cung sang cầu có sự liên kết đào tạo theo nhu cầu giữa DN và các trường dạy nghề trong tỉnh. Nhờ vậy, trong giai đoạn 2006-2010 đã đào tạo 88.640 học viên, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 60% và tỷ lệ học viên có việc làm sau đào tạo gần 90%.

Cùng với công tác đào tạo nghề, vấn đề nhà ở công nhân cũng được tỉnh quan tâm chú trọng. Lực lượng lao động toàn tỉnh đến năm 2010 có khoảng 717.850 người, trong đó công nhân lao động ngoài tỉnh 602.403 người, chiếm 84% và 90% thành phần này có nhu cầu về nhà ở. Hưởng ứng kêu gọi của tỉnh, nhiều DN nhận thức được tầm quan trọng của việc ổn định lao động và nâng cao chất lượng lao động nên đã đầu tư, xây dựng nhà trọ miễn phí và các công trình phúc lợi dành cho công nhân. Hiện có 260 DN tham gia xây dựng nhà ở cho NLĐ như Công ty TNHH MTV May mặc Bình Dương, Tập đoàn Kỹ nghệ gỗ Trường Thành, Công ty Giày Thái Bình, Công ty TNHH Phước Dũ Long, Công ty TNHH Ta Tung Việt Nam, Công ty TNHH Dệt Kondo, Công ty TNHH CF Vina, Công ty Acecook Việt Nam... qua đó đã giải quyết 60.000 chỗ ở cho NLĐ. Bên cạnh đó, tỉnh còn khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây nhà ở công nhân và nhà ở cho người có thu nhập thấp, nhờ vậy toàn tỉnh hiện có 18.522 hộ cho thuê nhà trọ, góp phần giải quyết chỗ ở cho hơn 500.000 lao động.

Nâng cao tính bền vững     

Bên cạnh kết quả đạt được, theo Sở Công Thương, Chương trình PTCNN&BV 2006-2010 vẫn còn một số hạn chế về một số mục tiêu tăng trưởng CN như: giá trị sản xuất, giá trị tăng thêm, kim ngạch xuất khẩu, tỷ trọng các ngành cơ khí, điện tử và các ngành công nghệ cao cơ bản đạt khá nhưng chưa đạt kế hoạch đề ra; Các ngành CN chủ lực như: dệt may, da giày, chế biến gỗ, sản xuất linh kiện điện - điện tử... vẫn còn mang nặng hình thức gia công, giá trị gia tăng thấp; Hiệu quả sản xuất - kinh doanh và năng lực cạnh tranh chưa cao; Môi trường kinh doanh và đầu tư tuy có tiến bộ song vẫn chưa đủ sức hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư lớn có công nghệ sản xuất hiện đại. Ngoài ra cơ cấu nội bộ các ngành kinh tế chuyển dịch còn chậm, ngành dịch vụ chiếm tỷ trọng trong cơ cấu kinh tế còn thấp so với ngành CN; Sự thiếu đồng bộ trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế làm hạn chế những khả năng hỗ trợ của ngành dịch vụ đối với sự phát triển của ngành CN; CN hỗ trợ đã hình thành và phát triển nhưng nhìn chung còn non trẻ, chủ yếu là gia công, lắp ráp, sản phẩm khiêm tốn về chủng loại; Tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng chuyển biến phức tạp; Nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu của PTCNN&BV...

  Giải quyết những tồn tại trên, thật sự đưa Chương trình PTCNN&BV đi đúng hướng, trong cuộc họp tổng kết về Chương trình PTCNN&BV 2006-2010 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thanh Cung chỉ rõ, rút kinh nghiệm từ thực tế, thời gian tới phát triển CN nhanh và bền vững cần có giải pháp tốt hơn. Theo đó, phát triển nhanh, vững chắc đối với ngành CN có kỹ thuật cao, đồng thời phải gắn liền với vấn đề bảo vệ môi trường; hình thành các khu CN kỹ thuật cao có sự đầu tư mạnh và đồng bộ; cần phát triển cơ sở hạ tầng đồng bộ gắn kết theo quy hoạch phát triển đô thị; phát huy lợi thế của vùng để phát triển kinh tế; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư tốt hơn; nâng cao chất lượng cuộc sống, an sinh xã hội cho NLĐ. Theo Chủ tịch, cần khuyến khích các DN phát triển Quỹ Phát triển khoa học công nghệ để giúp các DN khác phát triển; bảo đảm nguồn điện cho phát triển CN, nhất là các ngành CN có kỹ thuật cao; tạo điều kiện khuyến khích và kêu gọi các thành phần kinh tế đầu tư đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng được yêu cầu mời gọi đầu tư vào lĩnh vực công nghệ chất lượng cao; xây dựng chương trình xúc tiến đầu tư có trọng tâm, hướng vào các tập đoàn, DN lớn có kỹ thuật cao... Thực hiện tốt những giải pháp này, Chương trình PTCNN&BV giai đoạn tới sẽ đạt kết quả tốt hơn.

Chương trình PTCNN&BV giai đoạn 2006-2010 đạt kết quả khả quan. Cụ thể tăng trưởng giá trị sản xuất CN đạt bình quân 19,9%/năm; tốc độ tăng trưởng giá trị CN tăng thêm bình quân đạt 11%; tỷ trọng các ngành điện tử, cơ khí và các ngành sử dụng công nghệ cao đến năm 2010 đạt 31,5%; kim ngạch xuất khẩu hàng CN tăng bình quân 22,2%/năm; tỷ lệ lao động qua đào tạo đến năm 2010 đạt 60%; tỷ lệ các khu CN đi vào hoạt động thực hiện đúng phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, có hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn môi trường đạt 96%; kiểm soát các điểm nóng về ô nhiễm môi trường, xử lý các DN gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn đạt tỷ lệ 90%; tỷ lệ thu gom chất thải rắn CN đến năm 2010 đạt 84%...

  NGÔ MINH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên