Đối với quy hoạch vùng Đông Nam bộ mới đây Chính phủ nhấn mạnh yêu cầu phải đổi mới mô hình tăng trưởng, ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp hiện đại, trở thành các động lực tăng trưởng mới như công nghiệp bán dẫn, sản xuất chip, dịch vụ tài chính.
Các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp phụ trợ tham gia triển lãm công nghệ cao cuối tháng 11-2023 tại Bình Dương
Nắm bắt cơ hội
Tính đến nay, Đông Nam bộ vẫn là nơi có thu hút đầu tư FDI lớn nhất cả nước, chiếm 41,1% tổng vốn FDI. Dòng vốn FDI chủ yếu đổ vào lĩnh vực công nghiệp đã giúp vùng trở thành trung tâm công nghiệp, xuất khẩu lớn của Việt Nam. Công nghiệp phát triển kéo theo thương mại, dịch vụ cũng phát triển, tạo ra nhiều việc làm với thu nhập cao cho người lao động.
Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch - Đầu tư) Nguyễn Tuấn Anh, đánh giá: “Đông Nam bộ là nơi được nhiều doanh nghiệp (DN) FDI đầu tư vào vì có môi trường năng động, thuận lợi và có nhiều tiềm năng. Vốn FDI góp phần quan trọng trong phát triển, tăng trưởng kinh tế của các tỉnh, thành trong vùng. Hiện đã có gần 100 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào vùng với nhiều nhà máy sản xuất hiện đại so với khu vực ASEAN. Nhiều công ty đã tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu và giữ vị trí quan trọng. Điều này còn đặt ra yêu cầu cần phát triển chuỗi cung ứng, liên kết bền vững”.
Tuy nhiên, để đi đường dài, các DN cần liên kết, phát triển. Ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội DN Cơ khí Điện TP.Hồ Chí Minh (HAMEE), cho biết các DN vùng Đông Nam bộ cần chủ động liên kết, tham gia vào chuỗi cung ứng. Bệ đỡ chính sách tốt thì DN sẽ mạnh dạn đầu tư, nâng cao năng lực hơn. HAMEE đang xây dựng chương trình “Made by Vietnam” nhằm hướng tới việc tạo ra những sản phẩm do chính các DN Việt được sản xuất. HAMEE kỳ vọng sẽ tập hợp được các DN từ TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai...
Các DN FDI cũng mong muốn phát triển chuỗi cung ứng địa phương nhằm giảm giá thành sản phẩm, ứng phó kịp thời với những khó khăn của tình hình kinh tế thế giới. Ông Nagata Katsunori, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Sharp Manufactuting (VSIP II-A), cho biết: “Thời gian qua, công ty luôn nỗ lực kết nối với các đối tác trong nước để phát triển chuỗi cung ứng, tăng tỷ lệ nội địa hóa. Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ để các DN Bình Dương thông qua các chuỗi cung ứng, năng lực sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trong nước đang được nâng lên”.
Mở rộng không gian phát triển
Cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp thuộc trách nhiệm của Bộ Công thương nhằm khai thác, phát huy hiệu quả, tiềm năng, lợi thế của từng địa phương nói riêng và của vùng Đông Nam bộ nói chung, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội cả nước, Bộ Công thương tập trung cơ cấu lại ngành công nghiệp theo chiều sâu, tạo đột phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.
Ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp mũi nhọn, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ số: Điện tử - viễn thông, công nghiệp sản xuất rô-bốt, thiết bị tích hợp vận hành tự động, điều khiển từ xa, công nghiệp sản xuất phần mềm, sản phẩm số, công nghiệp an toàn thông tin mạng, công nghiệp hóa phẩm, dược phẩm, chế phẩm sinh học… Đồng thời, phát triển công nghiệp xanh, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo gắn với bảo vệ môi trường; chuyển dịch nhanh những lĩnh vực công nghiệp, sản xuất sử dụng nhiều tài nguyên, ít hàm lượng giá trị gia tăng sang sử dụng công nghệ cao, thân thiện môi trường, có hàm lượng giá trị gia tăng cao.
Bình Dương đã và đang đẩy mạnh phát triển hạ tầng công nghiệp tập trung để thu hút các dự án công nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao, có khả năng tham gia sâu vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu. Phát triển các khu công nghiệp - dịch vụ - đô thị hiện đại và các khu công nghiệp công nghệ cao. Đồng thời phát triển hạ tầng thương mại theo hướng hiện đại, đồng bộ hệ thống logistics cấp quốc gia, quốc tế gắn với cảng biển, cảng hàng không, cửa khẩu quốc tế, các trục hành lang kinh tế trọng điểm và tuyến thương mại liên vùng tại TP.Hồ Chí Minh - Bình Dương - Đồng Nai - Tây Ninh.
Ngoài ra, đẩy mạnh hợp tác, liên kết nội vùng, liên vùng, tạo không gian kinh tếthống nhất, khắc phục các điểm nghẽn, huy động vàsửdụng hiệu quảcác nguồn lực, nâng cao khả năng cạnh tranh vùng. Phát triển Bình Dương trở thành khu kinh tế cửa khẩu, kho vận, mở rộng không gian phát triển công nghiệp của vùng. Tăng cường cải cách hành chính, phát triển chính quyền điện tử, hướng đến chính quyền số, nền kinh tế số và xã hội số, đô thị thông minh. Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, cạnh tranh vượt trội, phục vụ người dân và DN.
Vùng Đông Nam bộ hiện có khoảng 14.800 DN cung ứng dịch vụ logistics, chiếm gần 50% tổng số DN logistics cả nước. Đây là một tỷ trọng rất cao, trong đó, tập trung chủ yếu tại TP.Hồ Chí Minh với hơn 11.000 DN, Bình Dương gần 1.700 DN và Đồng Nai hơn 1.200 DN. Vùng đảm nhận 45% tổng khối lượng hàng hóa và hơn 60% khối lượng hàng container của cả nước thông qua hệ thống cảng Cát Lái (TP.Hồ Chí Minh), Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu). |
TIỂU MY - CẨM TÚ