Phát triển công tác đào tạo nghề: Còn nhiều khó khăn và thách thức

Cập nhật: 30-11-2010 | 00:00:00

Trong những năm qua, công tác dạy nghề ở Bình Dương đã có nhiều chuyển biến. Ngành nghề đào tạo từng bước đáp ứng nhu cầu thị trường lao động, quy mô dạy nghề được mở rộng, thực hiện dạy nghề theo 3 cấp trình độ, đa dạng hóa các loại hình và ngành nghề đào tạo đạt được những mục tiêu và nhiệm vụ đã đề ra. Tuy nhiên, bên cạnh những yếu tố thuận lợi đã có nhiều khó khăn, thách thức đặt ra đối với cơ sở dạy nghề trong tỉnh.

Những chuyển biến...

Trước hết, có lẽ ai quan tâm đến lĩnh vực đào tạo nghề tại Bình Dương cũng có thể nhận thấy sự phát triển mạnh mẽ, nhanh chóng của hệ thống đào tạo nghề trong thời gian qua. Hàng loạt trường trung cấp nghề vừa được nâng cấp đã bắt đầu tham gia tuyển sinh và tổ chức đào tạo, góp phần nâng cao năng lực đào tạo cung cấp nguồn lực cho tỉnh. Tính đến nay Bình Dương có 42 cơ sở dạy nghề. Chất lượng dạy nghề có chuyển biến, từng bước đáp ứng nhu cầu thị trường lao động. Năm học 2009-2010, các cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh đã đào tạo được 32.019 học viên, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 60%, trong đó đào tạo nghề 45%. Các ngành nghề hiện đang đào tạo thu hút nhiều người học như: Kỹ thuật sữa chữa lắp ráp máy tính, quản trị mạng máy tính, điện tử công nghiệp... Ngoài những ngành nghề trên, còn xuất hiện thêm những ngành nghề đào tạo nghề lao động nông thôn như: Sinh vật cảnh, kỹ thuật trồng nấm, kỹ thuật trồng rau an toàn... cũng thu hút được rất nhiều người tham gia, nâng số lượng ngành nghề trên địa bàn tỉnh là 66 ngành nghề. Nhiều dự án xây dựng, phát triển được tiếp tục triển khai. Trang thiết bị giảng dạy được đầu tư nâng cấp bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, giúp cho các cơ sở đào tạo phát huy, đẩy mạnh hơn việc nâng cao chất lượng đào tạo. Một số chính sách, chế độ cũng được ban hành, thể hiện sự quan tâm, động viên đối với đội ngũ cán bộ giáo viên trong tỉnh, kể cả giáo viên dạy nghề.

 

Thực hành lắp ráp vi tính tại trường Trung cấp nghề Thủ Dầu Một

Gắn kết với doanh nghiệp

 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Văn Nhị: Lĩnh vực dạy nghề cần những đổi mới

Phát biểu tại hội nghị tổng kết công tác dạy nghề năm học 2009 - 2010, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Văn Nhị nhấn mạnh: Trong những năm gần đây, sự nghiệp dạy nghề đã đạt được kết quả khích lệ. Các cơ sở dạy nghề phát triển nhanh theo quy hoạch. Quy mô dạy nghề tăng nhanh, chất lượng và hiệu quả dạy nghề có chiều hướng chuyển biến tích cực, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của thị trường lao động. Các điều kiện đảm bảo chất lượng dạy nghề được cải thiện. Xã hội hóa dạy nghề tiếp tục được đẩy mạnh. Chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý dạy nghề được nâng cao. Để thực hiện mục tiêu đến năm 2015 đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh đạt trên 70% và góp phần đưa Bình Dương trở thành thành phố công nghiệp trực thuộc Trung ương trước năm 2020, lĩnh vực đào tạo nghề cần phải đổi mới tư duy, cơ chế quản lý, đẩy mạnh xã hội hóa, hướng mạnh đào tạo theo nhu cầu xã hội, để phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Riêng đội ngũ giáo viên dạy nghề cần không ngừng nâng cao kiến thức, trình độ, năng lực chuyên môn và nghiệp vụ sư phạm, đổi mới phương pháp giảng dạy, thường xuyên rèn luyện phẩm chất chính trị và đạo đức, bồi dưỡng lòng nhân ái, yêu nghề và quý trọng học sinh.

Các cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh từng bước thực hiện các chương trình dạy nghề gắn kết với doanh nghiệp, như đưa học sinh đến thực tập tại doanh nghiệp, làm quen với môi trường sản xuất - kinh doanh và đào tạo, bồi dưỡng nâng cao tay nghề theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp, bình quân mỗi năm đào tạo bồi dưỡng, cập nhật kiến thức thông qua ký kết hợp đồng trực tiếp với doanh nghiệp cho 1.230 lao động, với ngành nghề theo yêu cầu của doanh nghiệp như: nghề vận hành máy thi công cơ giới, nghề vận hành xe nâng hàng, cần trục; nghề chế biến gỗ, chuyên ngành đường sắt, tiện CNC, bảo trì điện... Học sinh ra trường từ các trường, trung tâm dạy nghề trên địa bàn tỉnh đều tìm kiếm được việc làm. Trong thời gian qua Sở LĐ-TB&XH đã tăng cường công tác chỉ đạo các cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh dạy nghề đáp ứng theo nhu cầu doanh nghiệp và thị trường lao động, chỉ đạo các trường thành lập bộ phận, trung tâm giới thiệu việc làm và quan hệ với doanh nghiệp, tổ chức hội thảo chuyên đề: “Dạy nghề đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp và thị trường lao động”. Qua hội thảo giúp Sở LĐ-TB&XH tạo cầu nối giữa Nhà trường và doanh nghiệp, tổ chức ký kết hợp đồng đào tạo giữa nhà trường và doanh nghiệp và nắm bắt được những ý kiến góp ý từ phía doanh nghiệp để các cơ sở dạy nghề từng bước điều chỉnh chương trình đào tạo phù hợp với yêu cầu của doanh nghiệp. Hầu hết các học sinh tốt nghiệp từ các trường nghề như: trường Cao đẳng nghề Việt Nam - Singapore, Cao đẳng nghề Công nghệ và Nông lâm Nam Bộ, Trung cấp nghề Bình Dương... đều tìm kiếm được việc làm, tronng đó 80% làm việc trong các KCN và được các doanh nghiệp đánh giá đạt về kỹ thuật chuyên môn, chuyên ngành đào tạo.

 Giáo viên tăng nhưng...

Nếu như năm 2009, tổng số cán bộ giáo viên trong các cơ sở dạy nghề  mới chỉ có 1.380 người thì bước sang năm 2010 đã tăng lên 1.735 người, trong đó giáo viên 1.158 người. Trình độ trên đại học 149 người, đại học và cao đẳng 723 người, trung cấp kỹ thuật và thợ bậc cao là 286 người, 90% giáo viên đạt chuẩn. Vừa qua, tại hội nghị tổng kết năm học 2009-2010, hệ thống giáo dục nghề nghiệp với những bất cập lớn thời gian qua đã được lãnh đạo một số trường đề cập mổ xẻ nhiều nhất đó là những chính sách để thu hút giáo viên dạy nghề. Ông Nguyễn Văn Hiệp, Hiệu trưởng trường Cao đẳng nghề Việt Nam - Singapore bức xúc: “Trong những năm qua, trường đã cử nhiều lượt cán bộ, giáo viên tham dự các khóa bồi dưỡng trong và ngoài nước để nâng cao trình độ chuyên môn cho giáo viên của mình. Tuy nhiên, điều đáng lo nhất là một số giáo viên có thâm niên, kinh nghiệm ở trường xin nghỉ việc để chuyển đến nơi khác. Do nhiều giáo viên nghỉ việc nên trường cũng gặp không ít khó khăn cho vấn đề tuyển dụng giáo viên, bởi trường là nơi đào tạo ra những sinh viên, công nhân kỹ thuật bậc cao nên để tuyển được giáo viên thì phải sàng lọc, lựa chọn những người giỏi để đứng lớp”. Nguyên nhân vì sao? Mặc dù trong những năm qua nhà nước đã có sự quan tâm hơn về đời sống vật chất, cụ thể là chế độ lương, phụ cấp cho đội ngũ thầy cô giáo dạy nghề nhưng vẫn chưa thực sự hấp dẫn, chưa đảm bảo cho cuộc sống của bản thân, gia đình họ nên nhiều giáo viên chấp nhận bị kỷ luật chuyển sang nơi khác có thu nhập cao hơn. Tại hội nghị này, nhiều trường cũng kiến nghị Nhà nước cần có nhiều chính sách đãi ngộ hơn để thu hút được lực lượng giáo viên dạy nghề, cụ thể như: Tăng thu nhập cho giáo viên, thường xuyên đưa đi đào tạo những lớp ngắn hạn, dài hạn trong và ngoài nước để nâng cao trình độ chuyên môn...

TƯỜNG VY

 

* Hiệu trưởng trường Cao đẳng nghề Công nghệ và Nông lâm Nam Bộ Trần Đăng Bổng: Có chính sách, chế độ cho trường nghề

Cần phải xây dựng đội ngũ nhà giáo của các trường có đủ kỹ năng và kinh nghiệm để phát triển chương trình đào tạo theo nhu cầu: Các chương trình đào tạo chính quy dài hạn hiện đang sử dụng do Tổng cục Dạy nghề, Bộ LĐ-TB&XH chủ trì biên soạn. Trong các năm tới, các trường phải bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp. Đặc biệt là các trường phải có khả năng phát triển chương trình đào tạo ngắn hạn, các chương trình đào tạo liên thông cho các cấp trình độ đào tạo để tạo cơ hội chuyển đổi ngành nghề cho người học. Nhà nước phải có chính sách, có chế độ cho các nhà trường một vài năm đầu không phải nộp nghĩa vụ thuế với Nhà nước. Trong khi Nhà nước chưa có quy định cụ thể về vấn đề này. Trường đề nghị UBND tỉnh Bình Dương có thông báo tạm thời cho các trường nghề trong tỉnh được hưởng quy chế miễn thuế cho các doanh nghiệp thành lập trong các trường nghề.

*Hiệu trưởng trường Trung cấp nghề Thủ Dầu Một Lê Văn Ngọc: Cần xây dựng định mức biên chế và thù lao thỉnh giảng

Cần xây dựng định mức biên chế cho các trường Trung cấp nghề. Việc trả thù lao thỉnh giảng cho giáo viên dạy nghề hiện nay cũng chưa được quy định rõ ràng và còn nhiều bất cập, điều này sẽ gây khó khăn cho việc quyết toán thù lao thỉnh giảng giáo viên của các trường. Do vậy đề nghị Sở LĐ-TB&XH cùng với các sở, ngành liên quan (sở nội vụ, sở tài chánh...) có văn bản Quy định cụ thể về chế độ thù lao thỉnh giảng, định mức biên chế và cơ chế thực hiện việc kết hợp vừa dạy văn hóa vừa dạy nghề cho học sinh mới tốt nghiệp THCS vào học nghề nhằm thực hiện tốt chủ trương phân luồng học sinh THCS của Nhà nước hiện nay.

*Hiệu trưởng trường Cao đẳng nghề Việt Nam - Singapore Nguyễn Văn Hiệp: Cần có chính sách ưu đãi, đãi ngộ

Bên cạnh những yếu tố thuận lợi đã có nhiều thách thức đặt ra đối với cơ sở dạy nghề trong tỉnh như: Sự cạnh tranh quyết liệt giữa các trường trong công tác tuyển sinh, đào tạo, giữa doanh nghiệp và chuyên nghiệp, giữa các trường doanh nghiệp với nhau. Đòi hỏi chuẩn về đào tạo, chuẩn về trình độ giáo viên ngày càng cao (kiểm định, kỹ năng nghề) và điều kiện tiếp cận về công nghệ đào tạo trong khu vực đến chương trình, công nghệ, trình độ... Để giải quyết những yêu cầu đó cần phải tiếp tục nâng cao trình độ giáo viên về chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm, ngoại ngữ, trách nhiệm. Ông Hiệp cũng kiến nghị: Cần quan tâm  hơn đến đời sống CBCNV ngành dạy nghề bằng các chính sách ưu đãi, đãi ngộ. Hỗ trợ việc nâng cao trình độ giáo viên một cách tập trung. Có sự chỉ đạo tập trung từ cấp sở trong các chủ trương, chiến lược để thực hiện nhiệm vụ của tỉnh...

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên
X