Phát triển đàn trâu, bò ở Bình Dương: Giúp nông dân giảm nghèo

Cập nhật: 28-04-2011 | 00:00:00

5 năm thực hiện chương trình phát triển đàn trâu, bò của tỉnh giai đoạn 2006-2010, thành quả đạt được lớn nhất là giải quyết lao động nông nhàn, giúp nông dân cải thiện đời sống. Con số đáng mừng là hàng trăm hộ tham gia chương trình đã vươn lên thoát nghèo hay trở thành những nông dân tiêu biểu sản xuất giỏi...

  Chăn nuôi trâu, bò giúp giải quyết lao động nhàn rỗi ở khu vực nông thôn

 Nhờ chương trình phát triển đàn trâu, bò của tỉnh mà những cái tên Nguyễn Tấn Sỹ ở xã Tân Mỹ (Tân Uyên), Đoàn Văn Nam xã Tương Bình Hiệp (TX.TDM), Nguyễn Văn Gòn ở xã Định Hiệp (Dầu Tiếng)... trở nên nổi tiếng, được nhắc đến nhiều trong các phong trào thi đua của Hội Nông dân các cấp. Bởi từ phong trào, nhiều người trong số họ không chỉ thoát nghèo mà trở thành những hộ có thu nhập khá. Ông Đoàn Văn Nam chia sẻ: “Tham gia chương trình, ngoài việc được đầu tư vốn, nông dân chúng tôi còn được tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, kinh nghiệm chăn nuôi. Qua đó, chúng tôi nắm vững được những kiến thức về chăm sóc, phòng bệnh nên đã hạn chế được dịch bệnh xảy ra, hiệu quả kinh tế cao hơn”. 

Ông Nguyễn Tấn Đình, Trưởng ban Kinh tế - Xã hội Hội Nông dân tỉnh cho biết, 5 năm qua, các cấp hội đã xây dựng được 372 tổ liên kết sản xuất với 4.471 thành viên; 25 câu lạc bộ với 516 thành viên. Các tổ này một mặt tạo điều kiện thuận lợi để nông dân hỗ trợ, giúp đỡ nhau trong chăn nuôi, cũng như quản lý đàn trâu, bò; thông qua đó, các cấp hội cũng tập hợp và thu hút nhiều nông dân tham gia vào tổ chức hội, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động hội.

Qua 5 năm triển khai chương trình, Bình Dương đã nâng tổng nguồn vốn đầu tư cho đàn trâu, bò lên gần 229 tỷ đồng, giải quyết cho trên 17.800 hộ vay vốn để mua và nuôi 21.689 con trâu, bò. Đến nay, đàn trâu, bò đã sinh sản được gần 3.250 con bê, nghé con. So với chỉ tiêu của chương trình đề ra đạt trên 123% về vốn, đạt 144% về hộ và về trâu, bò đạt 175%. Nguồn vốn hỗ trợ chủ yếu từ vốn vay Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Chính sách xã hội, vốn 120, Quỹ Hỗ trợ nông dân... Nhìn chung, các nguồn vốn đầu tư vào chương trình đều được sử dụng đúng mục đích, đúng đối tượng và bảo đảm đúng quy trình, thủ tục vay vốn.

Trong thời buổi dịch bệnh bùng phát, để người dân nắm vững kiến thức, hạn chế dịch bệnh để chăn nuôi có hiệu quả là việc làm cần thiết. Vì vậy, Hội Nông dân đã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông, Chi cục Thú y... tổ chức 516 lớp với 23.000 lượt người dự. Các vấn đề ưu tiên tập huấn là những kiến thức liên quan đến khâu chọn giống, chăm sóc; phát hiện sớm những bệnh thường xảy ra ở trâu, bò; mô hình trồng cỏ tạo nguồn thức ăn xanh cho đàn trâu, bò. 

Theo ông Nguyễn Tấn Đình, thành quả lớn nhất của chương trình phát triển đàn trâu, bò là đáp ứng được nguyện vọng và nhu cầu chăn nuôi của nông dân, giải quyết lao động nông thôn. Từ đó, giúp người nông dân tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống. Con số đáng mừng là có hàng trăm hộ vươn lên thoát nghèo, nhiều hộ đã vươn lên khá. Ông Đoàn Xuân Trường ở Phú Giáo nói: “Nuôi trâu, bò phù hợp với những người lớn tuổi vì nó không tốn nhiều công sức. Trâu, bò cũng rất dễ nuôi, chỉ cần chú ý chăm sóc là phát triển tốt”. Đặc biệt đối với trâu, bò, người chăn nuôi có thể tận dụng được các phế phẩm từ sản xuất nông nghiệp và nguồn cỏ tự nhiên nên không quá lo lắng về nguồn thức ăn, nhất là trong giai đoạn giá cả các loại thức ăn chăn nuôi tăng vùn vụt như hiện nay.

Mặc dù đạt kết quả tốt, nhưng chương trình vẫn còn nhiều hạn chế, đó là chưa thay đổi được tập quán chăn nuôi truyền thống của người nông dân; nông dân phải thế chấp sổ đỏ khi vay vốn ngân hàng; lãi suất tăng... nên chưa hấp dẫn nhiều nông dân. Vì vậy, thời gian tới, hội sẽ tiếp tục đề ra nhiều giải pháp để đẩy mạnh chương trình. Qua đó nhằm tăng tỷ trọng chăn nuôi trong cơ cấu nông nghiệp, đưa chăn nuôi trở thành ngành sản xuất chính. Trong đó, tập trung phát triển đàn trâu, bò ở các huyện phía bắc theo hướng sản xuất hàng hóa.

Thực hiện chương trình phát triển đàn trâu, bò trong giai đoạn 2011-2015, có 3.210 hộ đăng ký mua và nuôi trâu, bò với số tiền trên 32 tỷ đồng. Trong đó, huyện Dầu Tiếng có số nông dân đăng ký cao nhất là 1.500 hộ; còn lại Phú Giáo, Tân Uyên, Bến Cát, mỗi huyện 500 hộ... Để chương trình đạt hiệu quả, hội sẽ xây dựng mô hình điểm nuôi bò sinh sản ở mỗi huyện, thị nhằm tạo điều kiện cho các hộ khác tham quan học tập.

Trong điều kiện đồng cỏ dần bị thu hẹp, hội cũng sẽ phối hợp ngành chuyên môn xây dựng mô hình điểm trồng cỏ và vùng cỏ để hướng dẫn nông dân về chọn giống cỏ, kỹ thuật thâm canh, chăm sóc cỏ để tạo nguồn thức ăn xanh cho đàn trâu, bò.

 

THU THẢO

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=665
Quay lên trên