Phát triển du lịch gắn với gìn giữ văn hóa truyền thống

Thứ sáu, ngày 23/05/2025
Theo dõi Báo Bình Dương trên

Việc phát triển TP.Thủ Dầu Một năng động, hiện đại, song hành cùng nâng cao ý thức gìn giữ những nét văn hóa truyền thống riêng của thành phố đã và đang tạo ra dấu ấn đậm nét về vùng đất Thủ trong lòng du khách. Thời gian gần đây, việc TP.Thủ Dầu Một hỗ trợ phát triển gắn bảo tồn làng nghề truyền thống, tôn tạo, xây dựng các công trình kiến trúc lịch sử, tôn giáo, nghệ thuật đã mở ra những triển vọng mới cho việc phát triển ngành công nghiệp “không khói”.

 Khu lưu niệm Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc được xây dựng, điểm tham quan góp phần giáo dục truyền thống yêu nước. Trong ảnh: Phối cảnh Khu lưu niệm Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc

 Nâng tầm không gian phát triển

Suốt chặng đường dài phát triển, TP.Thủ Dầu Một huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng và phát triển đô thị theo hướng đô thị xanh, thông minh, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu; nâng cao chất lượng các tiêu chí đô thị loại I; phát triển kết cấu hạ tầng, chỉnh trang đô thị hiện hữu, phát triển đô thị mới. Cùng với đó, thành phố luôn tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư sản xuất, kinh doanh, bảo tồn không gian văn hóa. Đây là nền tảng vững chắc để địa phương phát triển kinh tế du lịch.

Trao đổi với chúng tôi, kiến trúc sư Nguyễn Thanh Hải, chia sẻ Thủ Dầu Một là thành phố rất thơ mộng, mang một nét riêng trong lòng mỗi du khách. Nói đến TP.Thủ Dầu Một, nhiều người nghĩ ngay đến con đường Bạch Đằng, nhộn nhịp, rộn ràng, muôn vàn sắc hoa vào những ngày giáp tết. Du khách đến đây có nhiều ấn tượng với những ngôi nhà cổ, kiến trúc cổ, như nhà cổ ông Trần Công Vàng, nhà cổ ông Trần Văn Hổ, mang đậm nét văn hóa - lịch sử của Bình Dương xưa; với chùa Hội Khánh, một công trình kiến trúc tôn giáo, nghệ thuật lớn nhất Bình Dương, được công nhận di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia, cũng để lại nhiều dấu ấn đẹp trong lòng mọi người. Tuy vậy, TP.Thủ Dầu Một cần nhiều hơn các điểm du lịch gắn kết để đa dạng hóa các điểm đến và dịch vụ phục vụ du khách.

Tin vui cho du lịch TP.Thủ Dầu Một nói riêng, Bình Dương nói chung là mới đây tỉnh đã tổ chức lễ khởi công Khu lưu niệm Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, tọa lạc tại phường Phú Cường, TP.Thủ Dầu Một. Khu lưu niệm có diện tích khoảng 3,6 ha, được xây dựng theo hướng không gian mở, hài hòa, phù hợp với kiến trúc của chùa Hội Khánh, kết hợp chỉnh trang đô thị. Khu lưu niệm hình thành một quần thể không gian văn hóa, lịch sử linh thiêng, có công viên xanh - sạch - đẹp, phục vụ tốt nhất nhu cầu học tập, giáo dục truyền thống yêu nước, tham quan, vui chơi, giải trí của người dân.

Ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, bày tỏ tin tưởng sau khi hoàn thành, Khu lưu niệm Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc sẽ trở thành một địa chỉ đỏ mang đậm dấu ấn văn hóa - lịch sử của địa phương; là không gian giáo dục truyền thống, tham quan, sinh hoạt văn hóa - tâm linh có giá trị cho nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ; góp phần tạo điểm nhấn cảnh quan và nâng cao chất lượng không gian đô thị trong giai đoạn phát triển mới.

Chú trọng du lịch làng nghề

Một lợi thế lớn để phát triển du lịch sinh thái, trải nghiệm đó là TP.Thủ Dầu Một có nhiều vườn cây trái, làng gốm, làng sơn mài, những ngôi chùa cổ. Ông Lê Bá Linh, Giám đốc Công ty TNHH MTV Sơn mài mỹ nghệ Tư Bốn, cho biết trải qua nhiều thế hệ, sơn mài Tương Bình Hiệp vẫn giữ được nét đẹp truyền thống, đó là sự tinh xảo, nhẹ nhàng mang đậm phong cách Á Đông. Làng nghề Sơn mài truyền thống Tương Bình Hiệp từ sản xuất tự phát đơn lẻ đã đi vào sản xuất theo yêu cầu của khách hàng. Từ những hộ gia đình sản xuất theo dạng truyền thống, nhiều mô hình sản xuất lớn đã được hình thành. Bên cạnh đó, hàng loạt sản phẩm với mẫu mã hiện đại, phù hợp với nhu cầu của khách hàng được hình thành tạo nên tính đa dạng, phong phú cho sản phẩm sơn mài. Theo thời gian, các sản phẩm sơn mài đa dạng hơn về màu sắc, hình vẽ, chất liệu… để đáp ứng nhu cầu thị trường.

Cùng với đó, những vật liệu mới được đưa vào sử dụng làm phong phú thêm mỹ nghệ sơn mài. Làng nghề Sơn mài truyền thống Tương Bình Hiệp đã được gìn giữ và lưu truyền qua nhiều thế hệ. Làng sơn mài không chỉ là niềm tự hào của các thế hệ nơi đây mà còn là nét văn hóa đẹp đáng trân trọng. “Sản phẩm sơn mài Tương Bình Hiệp không chỉ là hàng hóa mỹ nghệ đơn thuần, mà có nhiều sản phẩm đã đạt đến đỉnh cao của giá trị nghệ thuật. Trải qua bao thế hệ với những thăng trầm của một làng nghề, sơn mài Tương Bình Hiệp vẫn mang đậm nét văn hóa truyền thống, đậm đà bản sắc dân tộc. Chúng tôi mong muốn sản xuất kết hợp với phát triển du lịch trải nghiệm cho du khách đến tham quan làng nghề, quảng bá nét văn hóa đặc sắc của địa phương”, ông Lê Bá Linh nói.

Ðể hỗ trợ Làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp phát triển, TP.Thủ Dầu Một tiếp tục triển khai dự án phát triển du lịch liên kết với làng sơn mài, xây dựng nhãn hiệu tập thể, hỗ trợ vốn để các cơ sở sản xuất bảo đảm môi trường. Đến nay, Làng nghề Sơn mài truyền thống Tương Bình Hiệp đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia… Với sự nỗ lực chung, tin tưởng rằng trong thời gian tới, Làng nghề Sơn mài truyền thống Tương Bình Hiệp tiếp tục gìn giữ, duy trì, vun đắp và phát triển nét văn hóa truyền thống đặc trưng và niềm tự hào của Bình Dương.

 Để tôn vinh và quảng bá, tạo cơ hội cho làng nghề tiếp tục phát triển, TP.Thủ Dầu Một đang triển khai xây dựng đề án phát triển Làng nghề Sơn mài Tương Bình Hiệp một cách đồng bộ, hiệu quả. Đề án tập trung các nội dung xây dựng tổng thể làng nghề, quy hoạch và xây dựng khu sản xuất tập trung cho các doanh nghiệp sơn mài để bảo đảm về môi trường, xây dựng nơi trưng bày sản phẩm chung cho làng nghề; đồng thời kết hợp xây dựng các tour du lịch tham quan, giới thiệu sản phẩm của làng nghề đến du khách trong và ngoài nước...

 KHẢI ANH - CHÂU TIẾN