Sau 3 năm thành lập, với những thành công bước đầu trong phát triển sản xuất theo hướng thân thiện môi trường, Hợp tác xã Nông nghiệp - Thương mại - Du lịch và Vận tải Dân Tiến (HTX Dân Tiến), xã Tân Định, huyện Bắc Tân Uyên tiếp tục xây dựng các mô hình du lịch sinh thái trải nghiệm để thu hút du khách, làm “bà đỡ” cho sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nâng cao nội lực, thích ứng với biến động của thị trường.
Du khách chụp ảnh tại vườn dâu của trang trại bà Bùi Thị Phượng, Phó Giám đốc HTX Dân Tiến
Mở lối du lịch sau mùa dịch bệnh
Sau 3 năm thành lập, với 8 thành viên, “cơ ngơi” của HTX Dân Tiến hôm nay đã khá bề thế với diện tích sản xuất xấp xỉ 50ha cây ăn trái kết hợp chăn nuôi trang trại. Không chỉ đồng hành trong phát triển sản xuất theo hướng VietGAP, thân thiện môi trường, HTX còn tích cực hỗ trợ thành viên, nông dân liên kết trong tiêu thụ sản phẩm. Những kết quả ban đầu khi tiếp cận mục tiêu xây dựng chuỗi liên kết khép kín, bền vững trong trồng trọt giúp hạn chế rủi ro về dịch bệnh, thị trường tiêu thụ ổn định, sản phẩm an toàn, đạt hiệu quả kinh tế cao. Cùng với việc tiếp tục đẩy mạnh xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm, HTX đã hướng tới kết hợp tổ chức các tour du lịch sinh thái, phát huy lợi thế về cảnh đẹp thiên nhiên của địa phương gắn với mô hình tham quan, trải nghiệm trực tiếp.
Bà Bùi Thị Phượng, Phó Giám đốc HTX Dân Tiến cho biết, bà đã có 27 năm ấp ủ ước mơ kiến tạo, xây dựng mô hình HTX kết hợp du lịch sinh thái. Những năm qua, khi không đủ vốn để đầu tư cây trái, để công nhân vẫn có việc làm và để thỏa niềm đam mê, bà lại trồng hoa với đủ các loại hoa từ osaka vàng, mùn đào, bằng lăng tím, phượng vĩ, phong linh, nhất chi mai… khắp trang trại. “Ban đầu tôi chỉ trồng vì đam mê. Song, càng ngày khi những vườn hoa nở rộ quanh vườn tôi lại muốn trồng thêm để mang thêm cái đẹp đến với mọi người. Mọi người đến thăm thích thú, tôi cũng rất hạnh phúc. Giờ đây, tôi dành mười mấy ha đất để trồng các loại hoa nở theo mùa để quanh năm trong trang trại đều có hoa rực rỡ…”. “Tổng công trình sư” những vườn hoa rực rỡ sắc màu tay vừa ôm vô lăng chở tôi đi dạo xung quanh trang trại, vừa chỉ về phía xa nơi những hoa mùn đào tô hồng rực rỡ.
Được biết, kế hoạch mở cửa cho những người yêu hoa vào tham quan đã được bà Phượng đưa ra từ nhiều năm trước nhưng rồi lại ngưng lại vì thiếu vốn. Không thể đầu tư thêm những cụm tiểu cảnh, nhà hàng và các dịch vụ kèm theo nên bà đành gác lại dự định và tiếp tục trồng hoa với hy vọng một ngày nào đó những người đam mê thiên nhiên, không cần đi đến vùng đất xa xôi như châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản… mà đến Tân Định sẽ được thưởng thức nhiều loại hoa, nhiều cây trái ngọt lành. Nay HTX triển khai mô hình phát triển du lịch sinh thái, bà là người hưởng ứng rất mạnh mẽ.
Cũng mang trong mình khát khao như bà Phượng, ông Nguyễn Văn Tiến, Giám đốc HTX Dân Tiến cho hay, những thành viên HTX, những người con gắn bó với đất đai, vườn tược nơi đây đều yêu đất như yêu từng thớ thịt. Chính vì thế, khi canh tác các thành viên đều tâm huyết câu giữa không phá hoại môi trường sống và lợi nhuận. “Bởi vậy, sau bao nhiêu năm trồng trọt, sản xuất, tất cả các khu vườn của HTX đều phát triển theo hướng xanh, sạch và đẹp hơn. Và đó cũng là lý do chúng tôi muốn những người khách phương xa đến đây được hòa mình vào thiên nhiên, không khí trong lành, thư giãn sau những ngày tất bật; được làm nông dân thực thụ với trải nghiệm tuyệt vời, thưởng thức hoa quả sạch, bữa ăn dân dã từ những vật nuôi của chính những thành viên của HTX”.
Còn nhiều việc phải làm
Trên thực tế, hiện nay, mô hình du lịch sinh thái của HTX Dân Tiến đã có khách đến tham quan, chụp ảnh và thưởng thức sản phẩm nhà vườn, trang trại, tạo ra những tiềm năng lớn để phát triển sản xuất kết hợp với khai thác hoạt động du lịch nông nghiệp sinh thái. Mô hình du lịch nông nghiệp sinh thái bước đầu cũng mở ra tiềm năng rất lớn cho những vùng nông nghiệp ven đô như Bắc Tân Uyên. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều vấn đề phải bàn. Trao đổi với chúng tôi sau khi thăm các mô hình trồng trọt, chăn nuôi, thưởng ngoạn những đồi hoa đủ màu sắc và thơm nức, chị Trần Thanh Vân, ngụ tại TP.Thủ Dầu Một cho biết, đây mô hình chân thực, giúp du khách có được trải nghiệm thú vị về nuôi trồng, thu hoạch cây trái. Thiên nhiên đẹp, trong lành. Tuy nhiên, nếu để thu hút khách thì cần có nhà hàng, khu dịch vụ ăn uống, lưu trú. Các điểm đến du lịch cần có sự kết nối đủ để khách có thời gian vui chơi, giải trí chứ không phải đến rồi về... và thu hút du khách chịu vượt đường xa mà đến.
Bà Phượng cho biết thêm, trang trại của bà cũng đã quy hoạch khu ven sông dọc theo phần đất của mình để đầu tư nhà hàng, nhà lưu trú cũng như đầu tư hoàn thiện cảnh quan các tiểu cảnh trên những cụm đồi khác nhau nhằm đáp ứng nhu cầu của khách lưu trú, tham quan. Tuy nhiên, mọi ý tưởng vẫn còn chưa được thực hiện khi nguồn vốn bị hạn chế. Bà cũng đã có đề xuất, kiến nghị, mong muốn các cấp, các ngành, địa phương tạo điều kiện, tháo gỡ khó khăn cho người dân như bà được cầm cố tài sản để vay vốn hay chuyển nhượng một phần đất để có vốn đầu tư.
Cũng theo bà Phượng, tuy bước đầu mô hình đã mang lại hiệu quả khả quan về triển vọng phát triển du lịch, song đây chỉ là sự phát triển tự phát, chưa có lộ trình cụ thể gắn với các nghiệp vụ cụ thể. Do đó, HTX cần liên kết các sở, ngành chức năng để đào tạo bài bản nhân sự trong việc tính toán hướng tuyến, hướng dẫn phục vụ khách, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch nhằm đưa mô hình sinh thái của mình phát triển bài bản, hiệu quả, bền vững, tránh những thất bại khi làm tự phát, rơi vào nhàm chán, lãng quên như một số trang trại trên địa bàn đã từng.
TIỂU MY - CẨM TÚ