Các sở, ngành liên quan của tỉnh và địa phương cần phối hợp tháo gỡ khó khăn, đồng thời tham mưu các chính sách hỗ trợ để các làng nghề truyền thống duy trì phát triển, cũng như giữ gìn, bảo tồn văn hóa làng nghề lâu đời của quê hương... Đó là chỉ đạo của ông Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh khi đến khảo sát và làm việc với các hiệp hội gốm sứ, sơn mài trên địa bàn tỉnh vào sáng qua (15-9).
Ông Nguyễn Văn Lợi (bìa phải), Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, làm việc với các DN thuộc Hiệp hội Gốm sứ Bình Dương. Ảnh: QUỐC CHIẾN
Doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn
Báo cáo với đoàn công tác của Bí thư Tỉnh ủy, đại diện Hiệp hội Gốm sứ tỉnh Bình Dương, cho biết thời gian qua do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 và suy giảm kinh tế thế giới nên tình hình sản xuất - kinh doanh (SX-KD) của các doanh nghiệp (DN) gốm sứ gặp rất nhiều khó khăn. Ước trong 9 tháng năm 2023, các DN trong hiệp hội sản xuất đạt khoảng 60% kế hoạch, giảm 50% so với cùng kỳ năm 2022. Dự báo, trong thời gian tới người dân nhiều nước thắt chặt chi tiêu nên hoạt động SX-KD của các DN gốm sứ vẫn còn khó khăn.
Do tình hình SX-KD gặp khó khăn nên nhiều DN giảm lao động, trong đó có những lao động có tay nghề cao. Theo đại diện hiệp hội, đây là điều rất đáng tiếc bởi lao động có tay nghề trong sản xuất xuất khẩu gốm mỹ nghệ phải có quá trình đào tạo rất lâu. Mặt khác, hiện nay rất ít lao động yêu thích nghề làm gốm sứ mỹ nghệ. Các DN lo lắng rằng khi có đơn hàng trở lại DN rất khó tuyển lao động, nhất là lao động có tay nghề, từ đó sẽ ảnh hưởng đến năng suất, hiệu quả SX-KD của DN.
Một trong những khó khăn, vướng mắc được Hiệp hội Gốm sứ kiến nghị tỉnh có hướng tháo gỡ đó là việc di dời các DN sản xuất gốm sứ vào các khu, cụm công nghiệp. Ông Nguyễn Tiến Thành, Chủ tịch Hiệp hội Gốm sứ tỉnh Bình Dương, kiến nghị kéo dài thời gian đối với các DN sản xuất gốm sứ thuộc diện di dời.
“Hiện nay, gần cuối năm 2023 nhưng chưa biết DN nào phải di dời và di dời đến đâu. Tuy nhiên, có một số DN đã hết hạn thuê đất không xin gia hạn được vì vướng chủ trương di dời. Việc này ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động SX-KD của DN”, ông Thành nói và cho rằng, các khách hàng lớn năm nào cũng kiểm tra nhà máy nên họ sẽ hạn chế hoặc ngưng mua hàng nếu các thủ tục pháp lý của DN không đầy đủ.
Đầu tư phải hiệu quả
Làm việc với đoàn công tác của Bí thư Tỉnh ủy, đại diện Hiệp hội Sơn mài - Điêu khắc đã báo cáo tình hình hoạt động của hiệp hội thời gian qua, cũng như hoạt động SX-KD của làng nghề sơn mài trong 8 tháng năm 2023. Theo đó, trong 8 tháng đầu năm hiệp hội sản xuất đạt 60% kế hoạch. Thị trường xuất khẩu tập trung ở châu Á với 60% và châu Âu 40%. Hiệp hội kiến nghị tỉnh và TP.Thủ Dầu Một sớm triển khai Đề án Bảo tồn và phát triển làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp kết hợp du lịch.
Ông Thái Kim Điền, Chủ tịch Hiệp hội Sơn mài - Điêu khắc, cho biết đề án là niềm mong đợi của những người làm sơn mài trong tỉnh. Đây không chỉ là nơi giới thiệu các sản phẩm sơn mài của các làng nghề mà còn là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa, truyền thống của nghề sơn mài. Đây cũng là một trong những điểm đến thú vị của du khách khi đến với TP.Thủ Dầu Một.
Các thành viên trong hiệp hội còn kiến nghị tỉnh hỗ trợ đầu tư máy móc thiết bị nhằm giảm chi phí đầu vào, tạo điều kiện để DN, cơ sở sản xuất sơn mài theo hướng xanh, bền vững. Bên cạnh đó, hiệp hội cũng kiến nghị ngành chức năng của tỉnh hỗ trợ tổ chức chương trình xúc tiến thương mại, tham gia hội chợ trong và ngoài nước nhằm quảng bá sản phẩm đến khách hàng gần xa.
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Lợi đánh giá cao hiệp hội, các nghệ nhân, họa sĩ đã khắc phục nhiều khó khăn, duy trì sản xuất, tạo việc làm, góp phần bảo tồn làng nghề sơn mài. Bí thư Tỉnh ủy đề nghị các ngành của tỉnh và TP.Thủ Dầu Một ghi nhận những ý kiến, kiến nghị của hiệp hội báo cáo Thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, đồng thời ngành chức năng của tỉnh cần nghiên cứu áp dụng các chính sách của Đảng, Nhà nước đối với làng nghề; tạo thuận lợi hơn nữa để làng nghề sơn mài vừa tiếp tục phát triển SX-KD vừa bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa kết hợp du lịch trải nghiệm.
Đối với Đề án Bảo tồn và phát triển làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp kết hợp du lịch, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu TP.Thủ Dầu Một và các ngành liên quan rà soát, điều chỉnh, bổ sung các nội dung, hạng mục phù hợp trước khi trình UBND tỉnh phê duyệt để triển khai đầu tư trong thời gian tới. “Đầu tư phải hiệu quả, không hiệu quả thì không đầu tư. Do vậy, cần tính toán, điều chỉnh phù hợp trước khi triển khai thực hiện đề án...”, ông Nguyễn Văn Lợi nhấn mạnh.
Trước đó, khi đến khảo sát tại Công ty TNHH Minh Long I và làm việc với Hiệp hội Gốm sứ Bình Dương, ông Nguyễn Văn Lợi ghi nhận, đánh giá cao sự nỗ lực vượt khó của Công ty TNHH Minh Long I và các DN, cơ sở sản xuất gốm sứ thời gian qua. Bí thư Tỉnh ủy chia sẻ những khó khăn trong SX-KD của các DN gốm sứ, cũng như việc bảo tồn duy trì nghề truyền thống. Ông yêu cầu các sở, ngành liên quan của tỉnh, TP.Thuận An phối hợp tháo gỡ khó khăn cho DN sản xuất gốm sứ; trong đó tham mưu tỉnh xây dựng chính sách hỗ trợ về di dời vào khu, cụm công nghiệp, chính sách về giá thuê đất; vốn, xúc tiến thương mại... tạo thuận lợi cho các DN gốm sứ duy trì phát triển sản xuất, cũng như bảo tồn nghề truyền thống của tỉnh...
Nghệ nhân ưu tú Trương Quang Tịnh (Cơ sở Sơn mài Định Hòa) kiến nghị chính quyền cho phép ông xây dựng Khu bảo tồn nghề sơn mài Bình Dương để trưng bày hình ảnh, tư liệu, sách báo về lịch sử hình thành và phát triển nghề sơn mài ở Bình Dương; trưng bày tranh mẫu, tác phẩm của các họa sĩ, nghệ nhân đất Thủ từ thập niên 40 thế kỷ trước đến nay. Bên cạnh đó, ông còn kiến nghị làm phim về làng nghề để thế hệ mai sau hiểu kỹ thuật sản xuất, kỹ thuật trang trí sơn mài... |
TRÍ DŨNG