Phát triển giao thông theo hướng đô thị hóa, kết nối

Cập nhật: 02-12-2021 | 08:09:07

Tập trung đầu tư, nâng cấp và phát triển hệ thống giao thông của huyện theo hướng đồng bộ, đồng thời quy hoạch hạ tầng giao thông kết nối vùng, bền vững, gắn với phát triển các đô thị trên địa bàn… là mục tiêu của Đảng bộ huyện Dầu Tiếng trong phát triển hạ tầng giao thông trong giai đoạn 2021- 2025 và những năm tiếp theo. Phát triển hệ thống giao thông cũng là một trong những ưu tiên trong trong đầu tư hạ tầng của huyện nhằm tạo tiền đề, động lực phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững của địa phương.

Giao thông… cần phải thông

Trong những năm qua, huyện Dầu Tiếng đã tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, huy động các nguồn lực từ các thành phần kinh tế để đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của huyện, nhất là các công trình mang tính động lực, trong đó hệ thống giao thông ngày càng được chú trọng đầu tư. Hiện 100% tuyến đường huyện quản lý và 32% tuyến đường do xã quản lý đã được nhựa hóa, bê tông xi măng. Bên cạnh đó, huyện đã triển khai tốt phong trào làm đường giao thông nông thôn; mở rộng đường ĐT744 và phối hợp thực hiện dự án đường dẫn, cầu nối tỉnh Bình Dương và tỉnh Tây Ninh nhằm tạo thuận lợi trong giao thương, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của huyện trong tương lai. Ngoài ra, hiện nay trên địa bàn huyện còn có hai con sông lớn chảy qua là sông Sài Gòn và sông Thị Tính, rất thuận lợi để phát triển giao thông đường thủy.

Huyện Dầu Tiếng quyết tâm xây dựng hệ thống hạ tầng đồng bộ, gắn với phát triển đô thị và tăng kết nối liên vùng để phát triển kinh tế - xã hội. Trong ảnh: Tuyến đường nối Bình Dương và Tây Ninh đi qua địa bàn huyện đang được đẩy nhanh tiến độ thi công

Mặc dù có nhiều tiềm năng, lợi thế và huyện cũng đã tập trung mọi nguồn lực để phát triển hạ tầng giao thông, tuy nhiên hiện nay hệ thống giao thông trên địa bàn huyện vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Các tuyến đường chính của huyện như đường ĐT750, ĐT748, ĐT749A, ĐT749D kết nối với huyện Bàu Bàng, TX.Bến Cát, hay như đường ĐT749B kết nối huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước; đường ĐT744 kết nối với các huyện Củ Chi (TP.Hồ Chí Minh) và huyện Dương Minh Châu (Tây Ninh)… đã xuống cấp nghiêm trọng. Hàng năm ngành chức năng chỉ duy tu, dặm vá, sửa chữa để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân mà chưa có sự đầu tư đồng bộ, chưa tạo liên kết trong giao thương và vận chuyển hàng hóa giữa các vùng.

Một trong những mục tiêu quan trọng được xác định trong Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ V, nhiệm kỳ 2020-2025, đó là xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, gắn với quá trình đô thị hóa, nhất là tập trung đầu tư hệ thống giao thông kết nối để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

 

Theo UBND huyện, việc kết nối hạ tầng giao thông giữa các tuyến đường tỉnh đi qua huyện và giữa các tuyến đường huyện “chưa thông” do nhiều nguyên nhân, trong đó một trong những nguyên nhân cơ bản là cơ chế, chính sách về huy động, thu hút các nguồn lực xã hội tham gia đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông còn gặp nhiều khó khăn. Việc đầu tư cho đường thủy nội địa, cảng sông… đòi hỏi nguồn vốn lớn, thời gian thực hiện dự án dài. Bên cạnh đó, công tác giải phóng mặt bằng dù đã được huyện quan tâm, tập trung đẩy mạnh nhưng vẫn còn nhiều khó khăn nên một số dự án chậm tiến độ trong đầu tư xây dựng. Mặt khác, công tác chuẩn bị đầu tư còn kéo dài, vai trò của các chủ đầu tư, sự phối hợp với các ngành, địa phương chưa đồng bộ… cũng là những nguyên nhân gây khó khăn cho công tác đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông trên địa bàn huyện.

Hướng mở cho địa phương

Một trong những mục tiêu quan trọng được xác định trong Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ V, nhiệm kỳ 2020-2025, đó là xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, gắn với quá trình đô thị hóa, nhất là tập trung đầu tư hệ thống giao thông kết nối để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, trong giai đoạn này, song song với việc phấn đấu bảo đảm 100% tuyến đường do huyện quản lý được duy tu, sửa chữa thường xuyên, 40% tuyến đường do xã quản lý được nhựa hóa, bê tông xi măng…, huyện sẽ tập trung đầu tư nâng cấp một số dự án giao thông trọng điểm để tăng cường kết nối, tạo thuận lợi hơn nữa trong lưu thông, vận chuyển hàng hóa liên vùng.

Bên cạnh đó, mới đây UBND huyện đã tổ chức họp thông qua Dự thảo Kế hoạch của Huyện ủy triển khai thực hiện Chương trình số 42-CTr/ TU ngày 2-8-2021 của Tỉnh ủy Bình Dương về tập trung phát triển hạ tầng giao thông theo hướng đô thị hóa, xây dựng thành phố thông minh Bình Dương giai đoạn 2021- 2025, định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045” trên địa bàn huyện Dầu Tiếng. Theo đó, mục tiêu trong kế hoạch của Huyện ủy là tập trung đầu tư, nâng cấp và phát triển hệ thống giao thông của huyện đồng bộ; đồng thời quy hoạch hạ tầng giao thông tổng thể, kết nối liên vùng, bền vững, gắn với phát triển đô thị Thanh Tuyền, Long Hòa, Minh Hòa và thị trấn Dầu Tiếng; tập trung đầu tư các trục đường giao thông trọng điểm, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững theo hướng công nghiệp hóa, đô thị hóa, bảo đảm an sinh xã hội, giữ vững quốc phòng an ninh, góp phần xây dựng huyện Dầu Tiếng thành đô thị vệ tinh của thành phố thông minh Bình Dương - Vùng đổi mới sáng tạo Bình Dương.

Để thực hiện mục tiêu đó, Huyện ủy Dầu Tiếng đã đề ra các nhiệm vụ, giải pháp mang tính trước mắt và cả về lâu dài để phát triển hạ tầng giao thông phù hợp với từng giai đoạn cụ thể. Đồng chí Nguyễn Phương Linh, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện, cho biết một trong những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu được huyện ưu tiên thực hiện ngay đó là tập trung rà soát và nâng cao chất lượng công tác lập, triển khai, quản lý quy hoạch; phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại đúng quy hoạch. Song song đó huyện sẽ rà soát, vận dụng các cơ chế, chính sách của Đảng, Nhà nước, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để thu hút nguồn lực xã hội cùng với ngân sách triển khai nhanh các dự án hạ tầng giao thông; tạo quỹ đất sạch hai bên đường mới hình thành, nhất là các dự án, công trình giao thông trọng điểm, kết nối liên vùng, có tính chất lan tỏa và khai thông các điểm nghẽn về giao thông, tạo bứt phá lớn và toàn diện cho huyện. Bên cạnh các nhiệm vụ, giải pháp về chuyên môn, kỹ thuật, Huyện ủy cũng yêu cầu nâng cao nhận thức, phát huy vai trò chủ động và trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, HĐND, UBND các cấp và người đứng đầu cơ quan, đơn vị, các chủ đầu tư trong quá trình huy động nguồn lực, quản lý đầu tư xây dựng, quản lý chất lượng công trình giao thông, nhất là các dự án giao thông trọng điểm.

Nằm tiếp giáp với 3 địa phương (Củ Chi - TP.Hồ Chí Minh; Chơn Thành - Bình Phước và Dương Minh Châu - Tây Ninh), huyện Dầu Tiếng có vị trí vô cùng thuận lợi để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội với các vùng lân cận. Do đó, việc hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông trên địa bàn không chỉ tác động đến quá trình phát triển đô thị, phát triển du lịch và nông nghiệp ứng dụng kỹ thuật cao mà còn tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương một khi hệ thống giao thông được kết nối liên vùng. Đó cũng là hướng mở đầy tiềm năng mà cán bộ và nhân dân huyện Dầu Tiếng kỳ vọng lâu nay.

Theo định hướng, huyện Dầu Tiếng sẽ tập trung đầu tư các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm mang tính đột phá. Đó là các dự án trục Bắc - Nam: Nâng cấp, mở rộng ĐT749A (đoạn qua trung tâm xã Long Hòa), ĐH704 (đoạn qua xã Thanh An, Định Hiệp, Minh Hòa và Minh Tân). Trục Đông - Tây: Nâng cấp, mở rộng đường ĐT750 (đoạn từ ngã ba làng 5 đến xã Định Hiệp). Ngoài ra huyện còn tăng cường công tác quy hoạch, phát triển đường thủy nội địa nhằm chia sẻ áp lực giao thông đường bộ.

TRÍ DŨNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên