Phát triển hạ tầng đồng bộ, hiện đại, tạo sự bứt phá mới

Cập nhật: 08-08-2024 | 08:16:54

Kỳ 1: Tháo gỡ điểm nghẽn từ hạ tầng

 Trải qua 27 năm phát triển, bằng tư duy sáng tạo, đổi mới không ngừng, Bình Dương đã vươn mình phát triển mạnh mẽ và đạt được những thành tựu đáng tự hào trên mọi lĩnh vực, trở thành tỉnh có công nghiệp phát triển hàng đầu cả nước. Trong tiến trình xây dựng và phát triển, trước yêu cầu phát triển theo xu thế của thời đại, Bình Dương cũng không tránh khỏi những khó khăn, thách thức mới đòi hỏi sự nỗ lực hơn nữa của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh nhà.

 Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore tại Bình Dương đã trở thành mô hình phát triển kiểu mẫu trong cả nước và lan tỏa ra nhiều địa phương khác

 “Nút thắt” từ hạ tầng giao thông kết nối

Với quan điểm “giao thông đi trước mở đường” tạo nền tảng, động lực cho sự phát triển, trong nhiều năm qua Bình Dương đã chủ động đầu tư xây dựng, phát triển hệ thống hạ tầng giao thông, tạo ra sự khác biệt rõ nét, tạo lợi thế trong việc thu hút đầu tư và phát triển kinh tế. Từ năm 2021 đến nay, nhiều công trình giao thông trọng điểm mang tính kết nối vùng đã được tỉnh Bình Dương hoàn thành và đưa vào sử dụng, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh theo định hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa. Điển hình như các công trình đường Mỹ Phước - Tân Vạn, đường ĐT743 đoạn từ miếu Ông Cù đến cầu vượt Sóng Thần, đường Thủ Biên - Đất Cuốc (giai đoạn 1), đường và cầu kết nối tỉnh Bình Dương với tỉnh Tây Ninh… đã và đang phát huy hiệu quả.

Tuy nhiên, cùng với tốc độ phát triển kinh tế - xã hội, hệ thống hạ tầng giao thông của Bình Dương cũng đang gặp phải những khó khăn, thách thức do không theo kịp tốc độ phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, hiện tại các tuyến giao thông huyết mạch của tỉnh đã xảy ra tình trạng quá tải vào giờ cao điểm, như Quốc lộ 13, đường Mỹ Phước - Tân Vạn... Bên cạnh đó, nhu cầu và khối lượng hàng hóa vận chuyển của Bình Dương cũng như các tỉnh, thành lân cận đi qua địa bàn ngày càng tăng. Mặc dù hệ thống kết cấu hạ tầng nội tỉnh ở Bình Dương đã được quan tâm đầu tư phát triển hoàn thiện và hiện đại, tuy nhiên chưa đồng bộ với sự phát triển kết cấu hạ tầng Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; chưa khai thông liên kết vùng, dẫn đến thiếu sự kết nối thông suốt với kết cấu hạ tầng của vùng để liên thông với hệ thống sân bay, cảng biển quốc tế. Bên cạnh đó, việc phát triển giao thông thủy ở Bình Dương hiện nay không thuận lợi vì tuyến ngắn, sông Sài Gòn bị hạn chế bởi tĩnh không của cầu Bình Triệu 1, sông Đồng Nai bị ảnh hưởng bởi tĩnh không của cầu Đồng Nai 1 và các bãi đá ngầm…

 Ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh: Những năm qua, Bình Dương luôn quan tâm và dành nhiều nguồn lực để xây dựng và phát triển hệ thống các KCN. Bình Dương đang chuẩn bị tốt các điều kiện, thỏa mãn nhu cầu của nhà đầu tư nhằm tăng cường hiệu quả hợp tác, khai thác thời cơ từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để chủ động đón dòng vốn FDI mới. UBND tỉnh đã yêu cầu Ban Quản lý các KCN tỉnh phối hợp với các đơn vị khẩn trương hoàn tất thủ tục pháp lý đầu tư phát triển hạ tầng để các KCN vận hành ổn định và tạo thuận lợi cho hoạt động thu hút đầu tư.

Phó Giáo sư - Tiến sĩ Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam: Trước những “nút thắt” về hạ tầng, Bình Dương cần tháo gỡ điểm nghẽn tuyến kết nối hiện tại từ Bình Dương đến sân bay Long Thành, xây dựng đường sắt trên cao nối với TP.Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, tỉnh cần khơi thông hạ tầng kết nối các tuyến đường thủy. Bình Dương có 2 con sông lớn chảy qua địa bàn là Sài Gòn và Đồng Nai, đây cũng là lợi thế của tỉnh, tuy nhiên tỉnh chưa phát huy hết lợi thế này.

Đầu tư hạ tầng khu công nghiệp hiện đại, đồng bộ

Những năm qua, tỉnh Bình Dương đã tập trung thu hút nguồn lực đầu tư, xây dựng phát triển hạ tầng các khu công nghiệp (KCN) theo hướng hiện đại, đồng bộ, xử lý triệt để nguồn nước thải, khí thải, chất thải rắn; yêu cầu các chủ đầu tư hạ tầng, doanh nghiệp trong KCN tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật về môi trường. KCN Việt Nam - Singapore đã trở thành mô hình phát triển kiểu mẫu tại Việt Nam và lan tỏa ra nhiều địa phương trong cả nước thông qua doanh nghiệp đầu tàu của tỉnh. Đặc biệt, cơ sở hạ tầng các KCN của Bình Dương ngày càng được hoàn thiện với chất lượng cao, các KCN được xây dựng theo hướng xanh và thân thiện với môi trường, đan xen với những khu đô thị dành cho chuyên gia và các khu nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp. Các hệ sinh thái công nghiệp - đô thị này đã tạo ra sự bình đẳng về thụ hưởng hạ tầng xã hội, hệ thống y tế và giáo dục cho mọi tầng lớp trong xã hội.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 28 KCN đã cơ bản lấp đầy dự án đầu tư (tỷ lệ lấp đầy là 93,7%). Chỉ tính trong 7 tháng năm 2024, các KCN tại Bình Dương đã thu hút 895 triệu đô la Mỹ vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Đến nay, toàn tỉnh có 4.342 dự án FDI, với tổng số vốn 40,9 tỷ đô la Mỹ. Bình Dương là một trong 3 tỉnh thu hút vốn FDI lớn nhất cả nước.

Tuy vậy, hiện nay nhiều ngành công nghiệp vẫn sử dụng nhiều lao động phổ thông, vì vậy tăng trưởng năng suất lao động của tỉnh vẫn còn chậm. Tính chung giai đoạn 2011- 2020, tăng trưởng năng suất lao động ngành công nghiệp - xây dựng của tỉnh đạt bình quân 1,08%/năm. Bên cạnh đó, các KCN đang hoạt động trên địa bàn tỉnh vẫn là KCN đa ngành, chưa hình thành các KCN chuyên ngành. Các KCN và khu đô thị - dịch vụ vẫn là 2 khu vực riêng biệt, chưa tạo được sự gắn kết chặt chẽ trong phát triển công nghiệp. Nguyên nhân là do trước đây thiếu căn cứ pháp lý để triển khai xây dựng loại hình này. Gần đây, mô hình KCN - đô thị - dịch vụ mới được quy định cụ thể tại Nghị định số 35/2022/NĐ-CP ngày 28-5-2022 của Chính phủ quy định về quản lý KCN và khu kinh tế.

Để thích ứng với sự phát triển của thời kỳ công nghệ 4.0, phát triển công nghiệp bền vững, Bình Dương đã và đang phát triển các KCN theo hướng xanh, thông minh. Cụ thể, Bình Dương đã triển khai xây dựng Đề án “Vùng đổi mới sáng tạo”, trong đó xây dựng KCN khoa học công nghệ tại huyện Bàu Bàng; quy hoạch xây dựng các KCN chuyên ngành như cơ khí, gỗ, công nghệ thông tin, sinh thái... hướng đến nền sản xuất xanh, thông minh.

Để thực hiện mục tiêu trên, hiện Sở Xây dựng đang phối hợp với Ban Quản lý các KCN tỉnh và các ngành liên quan lập nhiệm vụ và Đồ án quy hoạch chung xây dựng tỷ lệ 1/5.000 KCN chuyên ngành cơ khí (KCN Bắc Tân Uyên 1), dự kiến xây dựng tại địa bàn TP.Tân Uyên và huyện Bắc Tân Uyên; thực hiện dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng KCN Bàu Bàng mở rộng. Dự án này đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư tại thị trấn Lai Uyên, xã Cây Trường II, huyện Bàu Bàng và xã Long Tân, huyện Dầu Tiếng với diện tích 1.000 ha. Riêng KCN Cây Trường (thị trấn Lai Uyên và xã Cây Trường II, huyện Bàu Bàng) đã được phê duyệt quy hoạch tỷ lệ 1/5.000, 1/2.000…

Sở Xây dựng cũng cho biết đang khẩn trương hoàn thành các thủ tục pháp lý để đẩy nhanh tiến độ đầu tư KCN Việt Nam - Singapore III giai đoạn 2, KCN Rạch Bắp mở rộng, KCN Tân Bình, KCN Đất Cuốc mở rộng. Đồng thời, đơn vị đang nghiên cứu và tham mưu đầu tư KCN chuyên ngành cơ khí để thu hút các ngành cơ khí ô tô, tạo tiền đề phát triển công nghiệp công nghệ cao, tự động hóa… (Còn tiếp)

 PHƯƠNG LÊ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=2092
Quay lên trên