Triển khai xây dựng thành phố thông minh (TPTM), thời gian qua Bình Dương đã chú trọng đầu tư xây dựng hạ tầng thông tin để các chính sách được vận dụng vào thực tiễn đạt hiệu quả cao. Bên cạnh là điều kiện để kết nối, hiện thực hóa các ý tưởng khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo (ĐMST).
Hội tụ các nguồn tin
Trung tâm Thông tin và Thống kê khoa học và công nghệ tỉnh Bình Dương (Trung tâm) là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Khoa học và Công nghệ (KHCN), thực hiện chức năng thông tin, thống kê KHCN phục vụ công tác quản lý nhà nước của tỉnh. Trung tâm với nhiệm vụ tổ chức và thực hiện xử lý, phân tích, tổng hợp, cung cấp thông tin, số liệu thống kê KHCN phục vụ lãnh đạo, quản lý nhà nước của địa phương, xuất bản và cung cấp các ấn phẩm…
Sinh viên thực nghiệm tại phòng thí nghiệm chế tạo (fablab) thuộc BIIC (ảnh chụp trước thời điểm dịch bệnh)
Hiện nay, trụ sở của Trung tâm được đặt tại Trung tâm Sáng kiến cộng đồng và Hỗ trợ khởi nghiệp (BIIC). Nơi đây hội tụ các nguồn tin cung cấp như hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST, tuyên truyền quảng bá, phòng lưu trữ thông tin, không gian hỗ trợ tổ chức các sự kiện; quản lý các phần mềm, trang web, hệ thống Faplap… Tại BIIC, các nhóm khởi nghiệp có thể kết nối cho tất cả các thành viên có cơ hội giao lưu, hợp tác và học hỏi lẫn nhau trong các lĩnh vực liên quan đến hoạt động khởi nghiệp ĐMST. Bên cạnh đó, không gian hoạt động giáo dục STEM được sử dụng để triển khai các hoạt động đào tạo liên quan đến các môn khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán cho đối tượng giáo viên nguồn tại các trường và học sinh các cấp. Nơi đây, còn có không gian hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, không gian làm việc chung (Co-working space), đào tạo và tổ chức sự kiện…
Thạc sĩ Trần Trọng Tuyên, Giám đốc Trung tâm Thông tin và Thống kê KHCN, cho biết: “Việc thành lập và phát triển BIIC, trong đó hỗ trợ đào tạo, huấn luyện khởi nghiệp, cung cấp dịch vụ, kết nối các thành phần trong hệ sinh thái là hết sức cần thiết. BIIC phù hợp xu hướng phát triển các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp, góp phần quan trọng trong việc hình thành một hệ sinh thái khởi nghiệp mạnh và bền vững tại Bình Dương”.
Đầu tư hạ tầng hệ sinh thái
Qua thực tiễn tiếp cận nhiệm vụ và học tập kinh nghiệm, Sở KHCN nhận thấy việc cần đầu tư một cơ sở hạ tầng để những thành phần của hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST gặp gỡ, kết nối, tạo không gian để thu hút sáng kiến cộng đồng là một hoạt động rất cần thiết, có vai trò quan trọng, là một yếu tố góp phần thúc đẩy phát triển TPTM Bình Dương theo nhiệm vụ đã được phê duyệt. Nhiều trung tâm ươm tạo đã đưa vào hoạt động như Trung tâm Sáng kiến cộng đồng và Hỗ trợ khởi nghiệp - Đại học Quốc tế Miền Đông, với mục tiêu thực hiện kết nối các thành phần của hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST trên địa bàn tỉnh. Một số trung tâm nghiên cứu được doanh nghiệp thành lập, tiêu biểu như Tổng Công ty Becamex thành lập Viện Nghiên cứu và phát triển, VNTT và Wustech lập phòng nghiên cứu và phát triển chung. Đặc biệt, dự án trọng điểm về xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp, cầu nối phát triển kinh doanh tại Việt Nam - BLOCK71- hợp tác với Đại học Quốc gia Singapore đặt tại TP.Hồ Chí Minh, hình thành cầu nối để Bình Dương gắn kết nguồn lực và hòa nhập vào chuỗi khởi nghiệp toàn cầu.
Bên cạnh, tỉnh đã thành lập các phòng thí nghiệm chế tạo (fablab) dựa trên những lĩnh vực thuộc thế mạnh của địa phương: Fablab lĩnh vực cơ khí chế tạo (Trường Cao đẳng Nghề Việt Nam - Singapore); Fablab lĩnh vực công nghệ sinh học (Trường Đại học Thủ Dầu Một); Fablab đa ngành (Trung tâm Sáng kiến cộng đông và Hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh Bình Dương); Becamex FabLab; phòng thí nghiệm chiếu sáng Philips EIU tại Đại học Quốc tế Miền Đông. Hiện tại trên địa bàn tỉnh có 2 Fablab đã gia nhập và tham gia vào mạng lưới Fablab của thế giới.
Ông Trần Hùng Phong, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề Việt Nam - Singapore, cho biết với mong muốn đóng góp nhiều hơn cho cộng đồng, góp phần thúc đẩy nền khoa học kỹ thuật ngay tại Bình Dương, trường đã thành lập mô hình hoạt động của Fablab cơ - điện Bình Dương gồm 3 hoạt động “Đào tạo (Learn) - Chế tạo (Make) - Chia sẻ (Share)”. Qua đó, trường thường xuyên mở các lớp đào tạo về kỹ năng thực hiện, phát triển ý tưởng, in 3D… kết hợp các Fablab khác để đào tạo triển khai theo xu hướng STEM. Mọi cá nhân có thể tham gia vào Fablab nhằm thực hiện ý tưởng chế tạo của bản thân thông qua sự hỗ trợ của đội ngũ và trang thiết bị mà Fablab đã được trang bị để tạo ra những sản phẩm thiết thực với cuộc sống. “Bên cạnh đó, Fablab là nơi mọi người có thể gặp gỡ, chia sẻ kiến thức hay cùng nhau trao đổi về các dự án để thúc đẩy quá trình ĐMST trong cộng đồng những người đam mê sáng chế, trao đổi với đội ngũ kỹ thuật chuyên môn cao nhằm đạt được mục tiêu thực hiện ý tưởng khoa học”, ông Trần Hùng Phong nói.
Sinh viên Nguyễn Thanh Dũng, lớp C18CK1, Trường Cao đẳng Nghề Việt Nam - Singapore, chia sẻ: “Em đang theo học năm thứ 2 khoa cơ khí tại trường. Những loại máy móc vừa được đầu tư tại phòng Fablab rất hiện đại, trước đây em chưa từng thấy và chưa được thực tập trên các máy này bao giờ. Em nghĩ rằng nếu mình được học lý thuyết, kết hợp với việc thực tập thường xuyên trên các loại máy cơ khí hiện đại, ngày ra trường sẽ có một kiến thức khá ổn có thể tìm kiếm việc làm phù hợp”.
PHƯƠNG LÊ