Phát triển kinh tế:Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực

Cập nhật: 13-07-2011 | 00:00:00

Với môi trường đầu tư thuận lợi, Bình Dương đã và đang thu hút nhiều doanh nghiệp (DN) đầu tư để phát triển công nghiệp. Tuy nhiên, vấn đề tuyển dụng và đào tạo lao động (LĐ) thời gian qua đang gặp nhiều khó khăn do nguồn LĐ không có tay nghề chiếm đa số hoặc có nghề nhưng phải đào tạo lại tại DN... Giải quyết vấn đề này, Bình Dương đang thực hiện nhiều giải pháp.

Lo ngại cả chất và lượng

Tính đến nay, Bình Dương đã thu hút gần 13.100 DN đầu tư trong và ngoài nước với tổng số LĐ trên 700.000 người, trong đó LĐ đến từ các khu vực ngoài tỉnh chiếm đến 84%; mỗi năm nhu cầu tuyển dụng của các DN trên địa bàn tỉnh cần trên 100.000 LĐ. Bên cạnh đó, đa số LĐ ngoài tỉnh đến xin việc làm tại các DN thời gian qua hầu hết chưa qua đào tạo. Vì vậy, để có LĐ, phần lớn DN phải tuyển vào và đào tạo nghề tại DN, vừa mất thời gian vừa làm giảm năng suất. Theo Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương (BIFA), khó khăn hiện nay là DN hầu như phải tự tìm kiếm nguồn nhân lực để đáp ứng nhu cầu sản xuất, có DN tuyển dụng thông qua Trung tâm giới thiệu việc làm ở các tỉnh, thành, địa phương khác dù chi phí để có được 1 LĐ từ 500.000 - 700.000 đồng/người, nhưng nhìn chung thiếu LĐ vẫn là vấn đề mà DN phải đối diện hàng ngày.

 Nhờ hỗ trợ đào tạo từ các ngành chức năng, công nhân Công ty TNHH Gỗ Minh Phương đã nâng cao tay nghề trong sản xuất hàng xuất khấu Bên cạnh về nhu cầu LĐ tăng cao, công tác đào tạo nghề thời gian qua cũng còn nhiều điều đáng bàn. Nói đến việc này, ông Võ Trường Thành, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Gỗ Trường Thành cho biết: “Ngành chế biến gỗ cần lực lượng LĐ có tay nghề, có kiến thức để vận hành máy móc thiết bị hiện đại, cũng như co thể bắt kịp với tình hình phát triển chung. Nhưng nguồn LĐ phổ thông chủ yếu tại Bình Dương là nhập cư, có trình độ thấp, ý thức chưa cao, thuần nông đến từ các vùng miền trên cả nước. Với tác phong nông nghiệp chưa quen với nhịp độ của sản xuất công nghiệp đã gây không ít khó khăn cho DN trong việc hướng dẫn, đào tạo nghề. Đồng thời, tình trạng LĐ thường xuyên “nhảy việc” vì mức lương ở DN khác nhỉnh hơn một chút, do đó DN phải đào tạo lại từ đầu vì mỗi nơi có một quy trình sản xuất khác nhau, dẫn đến thiếu LĐ tay nghề cao”.

Cũng như ngành gỗ, ông Nguyễn Tiến Thành, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gốm sứ Bình Dương trăn trở: “Lực lượng LĐ có tay nghề phục vụ cho ngành sản xuất gốm sứ đang thiếu hụt trầm trọng, lớp quá tuổi LĐ ngày một nhiều trong khi đội ngũ kế cận chưa có, thậm chí có rất nhiều công nhân có tay nghề đã chuyển sang làm các nghề khác. Do đó, hiệp hội kiến nghị nên có chương trình đào tạo, khuyến khích nhân lực phục vụ ngành sản xuất gốm sứ, giúp DN bớt khó khăn và cùng với DN góp phần gìn giữ, phát triển nghề truyền thống này”.

Giải pháp gắn với thực tiễn

Từ thực tế, để ổn định nguồn nhân lực, BIFA đề xuất: “Nhà nước nên có thêm nhiều chính sách hỗ trợ, tuyên truyền, nâng cao nhận thức để người LĐ quen dần với tác phong công nghiệp. Trong việc thu hút LĐ, cần tăng cường hơn nữa việc xây dựng cư xá, nhà ở phục vụ cho người LĐ có thu nhập thấp; xây dựng nhà trẻ, trường học để phục vụ cho con em công nhân; quy hoạch, xây dựng nhiều khu vui chơi giải trí để thanh thiếu niên, người LĐ có sân chơi giải trí lành mạnh... Có như vậy mới hấp dẫn người LĐ đến làm việc tại tỉnh nhiều hơn và giúp DN giải quyết bài toán nhân lực”.

Bên cạnh việc thu hút nhân lực, vấn đề đào tạo nghề nhằm nâng cao tay nghề cho LĐ hiện cũng đang được nhiều DN quan tâm. Ông Huỳnh Quang Thanh, Chủ tịch HĐQT Công ty Gỗ Hiệp Long cho biết: “Năng suất LĐ của công nhân nhiều nước rất cao nhờ họ quan tâm vào khâu đào tạo. Cụ thể, trong ngành gỗ tại Đức, năng suất bình quân của công nhân làm việc trong ngày là 150 USD/người; Ý là 80 USD/người; Trung Quốc là 40 USD/người...; trong khi đó công nhân của ta còn thấp dưới 30 USD/người. Các nước có năng suất cao như vậy là nhờ phương thức đào tạo nghề của họ rất sát thực tiễn, phần lớn trường dạy nghề chỉ 20% lý thuyết, còn lại 80% là thực hành. Vấn đề này chúng ta cũng có thể làm được nếu trường nghề bắt tay tốt hơn với DN. Mong rằng thời gian tới, các trường nghề cần phối hợp tốt hơn với DN ngay cả trong quá trình đào tạo, tránh tình trạng lý thuyết suông để khi đến làm việc người LĐ phải học lại từ đầu gây lãng phí”.

  Về phía tỉnh, không phải chờ DN phản ảnh mà thời gian qua tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp để ổn định nguồn nhân lực. Với quan điểm phát triển đi đôi với bền vững, tỉnh luôn quan tâm vấn đề an sinh xã hội, thời gian qua đã kêu gọi khuyến khích nhiều thành phần kinh tế đầu tư vào việc xây dựng nhà ở công nhân, nhà trẻ, trường mẫu giao, các siêu thị, nhà hát ngoài trời... nhằm phục vụ về văn hóa tinh thần cho người LĐ. Bên cạnh đó, để người LĐ nâng cao tay nghề, bằng cách vừa xây dựng, vừa hợp tác liên kết phát triển các dự án đào tạo nghề trên địa ban... bước đầu cũng đang phát huy hiệu quả. Với những giải pháp thiết thực mà Bình Dương thực hiện này, có thể tin tưởng rằng thời gian tới sẽ giúp DN cải thiện được quan ngại về vấn đề nhân lực và đào tạo.

T.MINH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên