Phát triển kinh tế gia đình từ con bò sữa

Thứ ba, ngày 06/05/2014

Từ bột…

Năm 2000, vợ chồng anh Vừa rời quê hương Thanh Hóa đến Bình Dương lập nghiệp. Trên vùng đất mới vợ chồng anh đi làm công nhân nhưng thu nhập thấp, cuộc sống vẫn tiếp tục khó khăn. Quyết tâm thay đổi cuộc sống, năm 2001, anh chị đã dồn những đồng vốn vay mượn, chắt chiu từ quê mang vào quyết định thuê đất đầu tư nuôi heo. Nhớ lại những ngày khó khăn khi đó, anh Vừa kể: “Với số vốn ít ỏi, tôi mua 3 con heo nái và 10 con heo thịt. Cứ vậy tôi vừa bán lứa heo này, gây lứa heo khác. Nhưng rồi tính chuyện làm giàu bằng nuôi heo cũng không thành khi dịch bệnh tai xanh xuất hiện, đàn heo nái, heo thịt mà vợ chồng tôi dày công gầy dựng lần lượt nhiễm bệnh. Thấy nuôi heo không có lời, tôi lại chuyển sang mô hình nuôi bò nhưng cũng không thành. Sau một thời gian tìm hiểu và học hỏi kinh nghiệm, tôi đã quyết định vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội cùng với nguồn vốn tích lũy của gia đình mạnh dạn chuyển đổi sang mô hình nuôi bò sữa với quy mô 3 con”.    Nuôi bò sữa đã mang lại hiệu quả cao cho kinh tế hộ gia đình. Trong ảnh: Anh Nguyễn Văn Vừa bên đàn bò sữa của mình. Ảnh: PHƯƠNG AN

Bước đầu gặp không ít khó khăn trong việc chăm sóc giống bò mới mẻ này nhưng điều đó đã không làm vợ chồng anh nản lòng. Để có kinh nghiệm trong chăn nuôi bò sữa, anh thường xuyên tìm hiểu từ các hộ chăn nuôi trong xã và các địa phương bạn. Chia sẻ kinh nghiệm với chúng tôi, anh Vừa cho biết: “Bò sữa thích nghi tốt với nhiệt độ thoáng mát vì thế chuồng bò phải làm nơi khô ráo, sạch sẽ. Để đàn bò được thoáng mát vào mùa khô, tôi đã dùng hình thức phun sương làm mát mái chuồng. Chuồng được chia ra từng ngăn để nhốt riêng từng con nhằm thuận tiện cho việc vắt sữa và bảo đảm vệ sinh chuồng trại”. Anh Vừa cho biết thêm, người nuôi bò phải thường xuyên dọn vệ sinh, rải vôi chuồng trại. Bò sữa được ăn uống đầy đủ, đúng giờ sẽ cho lượng sữa cao và tăng sức đề kháng phòng chống các loại dịch bệnh. Ngoài việc chăm sóc và vệ sinh chuồng trại, phải tiêm phòng vắc-xin định kỳ để phòng chống các bệnh như lở mồm long móng, tụ huyết trùng, dịch tả... Để giảm chi phí đầu vào và có lãi, cần linh hoạt phối trộn nguồn thức ăn hỗn hợp.

… đã gột lên hồ

 Đánh giá về mô hình nuôi bò sữa ở Lai Hưng, ông Lê Thanh Len, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: “Ở Lai Hưng, kinh tế chủ yếu là nông nghiệp với khoảng 75% người dân sống bằng nghề nông. Ngoài nguồn thu từ cao su, chăn nuôi bò sữa đang là nguồn thu chủ lực ở đây. Hiện ở ấp Cầu Sắt người dân đã giàu lên nhờ chăn nuôi bò sữa. Đây là một trong những mô hình sản xuất cho hiệu quả kinh tế cao, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương”.

Bằng mô hình nuôi bò sữa đã mang lại cho gia đình anh Vừa đời sống ổn định, kinh tế phát triển. Anh Vừa chia sẻ thêm: “Nhờ nuôi bò sữa thành công, từ chỗ không có tấc đất trong tay phải đi thuê để ở và chăn nuôi, đến năm 2007 gia đình tôi đã mua được mảnh đất để xây nhà và có tiền cho con theo học cao đẳng sư phạm. Bình Dương đã trở thành quê hương thứ hai của gia đình tôi”. Anh Vừa cho biết, hiện giá sữa tăng cao và không còn bấp bênh như những năm trước. Với 6 con bò sữa hiện có, trong đó 5 con đang cho sữa, mỗi ngày bình quân khoảng 60kg sữa với giá 14.000 đồng/kg. Với thu nhập từ đàn bò sữa, cuộc sống của gia đình anh bây giờ đã khá hơn trước rất nhiều.

Chia sẻ những mong muốn của mình, anh Vừa nói: “Đây là mô hình làm kinh tế cho hiệu quả cao, vì vậy gia đình tôi đang rất muốn tăng đàn, nhưng lại gặp khó khăn về đồng vốn. Nuôi thêm bò thì cần thêm đất trồng cỏ để bảo đảm nguồn thức ăn và cần thêm vốn để đầu tư chuồng trại. Do đó, chúng tôi rất cần sự hỗ trợ vốn để có điều kiện thuận lợi đầu tư sản xuất, phát triển kinh tế gia đình”.

 PHƯƠNG AN