Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu.
Tiếp tục Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 9, sáng 20/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi).
Đề nghị giữ nguyên tên gọi
Trình bày Tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, việc sửa đổi, bổ sung toàn diện Luật Hợp tác xã hiện hành sẽ tạo hành lang pháp lý thuận lợi, thông thoáng cho phát triển của các tổ chức kinh tế hợp tác trong tình hình phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, hội nhập quốc tế; loại bỏ các quy định gây trở ngại gia nhập thị trường; tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức kinh tế hợp tác phát triển năng động, hiệu quả, bền vững, thực sự là thành phần quan trọng trong nền kinh tế.
Dự án Luật trình Quốc hội bao gồm 12 chương, 117 điều, bám sát 5 nhóm chính sách trong Đề nghị xây dựng Luật Hợp tác xã (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua. Các chính sách gồm hoàn thiện các quy định về bản chất hợp tác xã, phát triển thành viên hợp tác xã; mở rộng phạm vi điều chỉnh và hoàn thiện các quy định về loại hình tổ chức kinh tế hợp tác, tổ chức đại diện; mở rộng thị trường, nâng cao khả năng huy động vốn, tạo động lực cho hợp tác xã phát triển; hoàn thiện và nâng cao hiệu quả công tác quản trị, điều hành hợp tác xã; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực kinh tế tập thể.
Về tên gọi, Chính phủ lựa chọn phương án với tên gọi Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác. Bởi, tên gọi này phù hợp với đối tượng và phạm vi điều chỉnh của Luật; phù hợp với tôn chỉ, mục đích, bản chất của mô hình kinh tế hợp tác, đề cao tinh thần "hợp tác" giữa các thành viên. Đây là cách tiếp cận phù hợp, phản ánh đúng bản chất, mối quan hệ của mô hình kinh tế này với nội hàm về mối quan hệ hợp tác, bình đẳng, chặt chẽ trong nền kinh tế thị trường hiện đại; phù hợp với xu thế phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam; dần xóa bỏ định kiến đối với hợp tác xã kiểu cũ.
Qua thảo luận, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Luật Hợp tác xã (sửa đổi) nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý thống nhất, đầy đủ, góp phần thúc đẩy việc phát triển kinh tế tập thể năng động, hiệu quả, bền vững, theo đúng tinh thần của Nghị quyết 20-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới.
Liên quan đến tên gọi dự án Luật, nhiều ý kiến đề nghị cân nhắc giữ tên như đã đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 là Luật Hợp tác xã (sửa đổi).
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi).
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh, đại diện cơ quan thẩm tra, tên gọi này xác định vai trò nòng cốt của hợp tác xã với các loại hình hợp tác xã. Một mặt vẫn bảo đảm bao quát được phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng đối với các loại hình hợp tác xã; mặt khác tránh việc thay đổi tên gọi dẫn đến các chi phí xã hội và hệ lụy phát sinh liên quan đến công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, rà soát về dẫn chiếu trong các văn bản pháp luật hiện hành.
Tán thành với việc giữ nguyên tên gọi, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho rằng, hình thức hợp tác xã vẫn là nòng cốt; còn liên đoàn, liên hiệp hợp tác xã là những hình thức phái sinh từ hợp tác xã theo định nghĩa trong Luật; mặc dù có những chế định, nhiệm vụ và quyền hạn khác, nhưng cũng là tổ chức phái sinh của hợp tác xã. Bên cạnh đó, tên gọi Luật Hợp tác xã đã rất quen thuộc và đi vào tiềm thức của mọi người.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đề nghị giữ tên gọi là Luật Hợp tác xã (sửa đổi) bởi khái niệm, tên hợp tác xã gắn với lịch sử phát triển của đất nước. Chúng ta đã có Luật Hợp tác xã năm 1996, Luật Hợp tác xã năm 2003, Luật Hợp tác xã năm 2012… Quốc tế có Liên minh Hợp tác xã, khu vực châu Á-Thái Bình Dương cũng có tổ chức này. Tên gọi này đã ăn sâu trong tiềm thức, thành thói quen kể cả trong truyền thông hay pháp luật dẫn chiếu. Ngoài ra, tên gọi hợp tác xã cũng không ngăn cấm việc mở rộng phạm vi điều chỉnh. Do vậy, việc đổi tên là không cần thiết.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo thống kê, đánh giá kỹ lưỡng hơn về các điều khoản liên quan Bộ luật Dân sự, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa... rà soát tính đồng bộ giữa các quy định ngay trong dự thảo Luật.
Làm rõ quy định về quỹ chung không chia
Một điểm đáng chú ý là dự án Luật bổ sung quy định về quỹ chung không chia, yêu cầu trích lập vào quỹ chung không chia hằng năm tối thiểu 5% lợi nhuận từ các hoạt động giao dịch bên ngoài, do quỹ này mang tính đặc thù riêng của các tổ chức kinh tế hợp tác để hình thành và phát triển tài sản chung không chia. Tài sản chung không chia lạc hậu về kỹ thuật, công nghệ, bị hư hỏng, hết khấu hao thì được phép chuyển nhượng, định giá, thanh lý theo quy định của điều lệ và đưa vào quỹ chung không chia. Quỹ chung không chia và tài sản chung không chia không được chia lại cho thành viên trong mọi trường hợp, kể cả khi giải thể, phá sản.
Thường trực Ủy ban Kinh tế nhận thấy các quy định này chưa phản ánh rõ nét việc trích lập quỹ chung không chia từ lợi nhuận do giao dịch bên ngoài; chưa cụ thể về cách thức quản lý và sử dụng quỹ nhằm phát huy hiệu quả tài chính, chống thất thoát, tham nhũng, lãng phí để tạo sự yên tâm cho các thành viên đồng thuận với việc để lại một phần thu nhập của mình để đầu tư phát triển hợp tác xã. Ngoài ra, cơ quan thẩm tra đề nghị bổ sung quy định về điều kiện, tiêu chuẩn cụ thể trong việc bàn giao tài sản chung không chia, quỹ chung không chia sau khi hợp tác xã giải thể, phá sản sang cho hợp tác xã khác bảo đảm nguyên tắc trong việc bảo hộ quyền sở hữu.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng phát biểu.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho rằng quy định về quỹ chung không chia và tài sản chung không chia còn liên quan đến quy định của Bộ luật Dân sự. Do vậy, cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu thêm và làm rõ hơn để bảo đảm phù hợp với nguyên tắc Hiến định về bảo hộ quyền sở hữu đã được cụ thể hóa trong Bộ luật Dân sự.
Theo dự thảo Luật, với quỹ chung không chia, kể cả khi tổ chức kinh tế hợp tác giải thể, phá sản thì tổ chức ấy cũng không được quyền định đoạt, phải giao lại cho Ủy ban nhân dân để bàn giao cho tổ chức kinh tế tập thể khác. Tính hợp lý, hợp hiến của dự thảo quy định này phải phân tích để làm rõ thêm.
Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thị Thanh chỉ rõ việc trích lập quỹ chung không chia cần nghiên cứu kỹ hơn để làm sao thu hút được những người góp vốn cho hoạt động hợp tác xã. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo cần làm rõ hơn căn cứ để quy định mức trích lập quỹ chung không phân chia cho các loại hình hợp tác xã trong dự án Luật này./.
Theo TTXVN