Phát triển kinh tế từ vốn vay Quỹ Tín dụng nhân dân

Thứ năm, ngày 06/06/2013

Xoay trở mãi vẫn nghèo

Anh Đước cho biết, năm 1985 gia đình anh chuyển từ tỉnh Hà Nam vào và chọn mảnh đất Phước Hòa lập nghiệp. Cầm trong tay số tiền tích góp từ quê, vợ chồng anh chỉ vừa đủ mua một miếng đất nhỏ trong xóm, rồi hai vợ chồng dựng tạm một căn nhà tranh vách đất để che nắng che mưa. Với hai bàn tay trắng, anh chị chỉ biết đi làm thuê làm mướn để nuôi con. Năm 1986, anh chị xin vào làm công nhân Công ty Cao su Phước Hòa, với mức lương mỗi tháng chỉ hơn 200.000 đồng, nên cuộc sống của gia đình rất khó khăn. Để kiếm thêm thu nhập lo cho gia đình, ngoài giờ làm công nhân anh Đước phải chạy xe ôm, chị Tạm tranh thủ đi làm mướn. Chẳng từ nan việc gì, nhưng hơn 10 năm vừa làm công nhân, vừa làm thuê làm mướn, cuộc sống gia đình cũng chẳng khá lên. Gia đình anh là một trong những gia đình khó khăn nhất trong xóm lúc bấy giờ.

 Kinh tế gia đình phát triển, anh Đước đã mua ô tô tải để phục vụ sản xuất, kinh doanh

Vươn lên từ vốn vay

Anh Đước cho biết: “Biết thân biết phận mình nghèo, nên vợ chồng không từ nan việc gì, nhưng cái nghèo vẫn cứ đeo bám mãi”. Năm 1997 khi QTDNDPH được thành lập, anh chị đã vay 3 triệu đồng theo hình thức vay trả góp để làm ăn. Cũng vào thời gian này, anh chị xin nghỉ làm công nhân. Sau khi trả xong số nợ 3 triệu đồng, anh chị tiếp tục vay 5 triệu đồng cũng theo hình thức vay trả góp để buôn bán cá tại chợ Phước Hòa. Kể từ đây cuộc sống của gia đình anh chị ngày càng bớt khó khăn và số tiền mà anh chị vay của QTDNDPH để buôn bán cũng tăng dần theo hàng năm. Năm 2003 khi các con đã lớn, anh chị quyết định vay của QTDNDPH số tiền 80 triệu đồng để đầu tư làm ăn lớn. Kết hợp với số vốn tích lũy được, anh chị đã mua 1 ha cao su. Anh vẫn chạy xe ôm, chị buôn bán cá, các con khai thác cao su, chỉ trong thời gian ngắn kinh tế gia đình anh khá hẳn lên.

Năm 2006, anh bỏ nghề chạy xe ôm để phụ chị buôn bán cá. Từ đồng vốn tích cóp của mình, năm 2007 anh chị xây được căn nhà khang trang trị giá gần 400 triệu đồng. Không chỉ buôn bán nhỏ lẻ ở chợ, anh chị còn xuống Tân Uyên rồi qua Biên Hòa lấy cá về vừa bỏ mối, vừa bán lẻ. Chỉ vào hai chiếc xe máy cũ, anh hóm hỉnh cho biết “Xe mua từ vốn vay Quỹ tín dụng hồi đó, một chiếc dùng để chạy xe ôm còn một chiếc chở cá. Những con “ngựa sắt” cứ mỗi ngày cõng trên lưng cả người và cá hơn 200kg, nay “nó” mệt rồi phải cho nghỉ, nhưng tôi vẫn để đó làm kỷ niệm”. Từ hai chiếc xe “kỷ niệm” đó, bây giờ gia đình anh đã mua được chiếc xe tải nhỏ để làm ăn. Theo anh Đước thì chiếc xe tải này cũng từ nguồn vốn vay QTDNDPH. Từ ngày mua xe ô tô anh chị cũng cảm thấy an toàn và đỡ vất vả hơn nhiều, thu nhập cũng tăng lên. Được biết, tiền thu mủ cao su và tiền lời từ buôn bán cá mỗi ngày gia đình anh thu được hơn 1 triệu đồng.

Từ chỗ “chạy ăn từng bữa toát mồ hôi”, sau hơn 10 năm kể từ khi được vay vốn của QTDNDPH, gia đình anh Nguyễn Duy Đước không chỉ vươn lên thoát nghèo mà còn có của ăn của để, xây được nhà kiên cố, mua được xe ô tô, con cái đều thành đạt. Thành quả đó chính là những nỗ lực vượt khó vươn lên thoát nghèo của gia đình anh chị. Nhưng với vợ anh Đước thì “Nhân tố chính là nhờ có vốn của QTDNDPH hỗ trợ mà gia đình tôi mới có được ngày hôm nay”. Bởi theo lời chị cho biết “nếu không có sự hỗ trợ đó, gia đình phải đi vay nặng lãi bên ngoài làm ăn thì không những không xây được nhà, có khi còn phải bán cả đất nữa”.

 HOÀI PHƯƠNG - ĐOÀN HUÂN