Trong Kế hoạch thực hiện Đề án Thành phố thông minh (TPTM) Bình Dương năm 2019 của Ban điều hành TPTM, tỉnh tập trung vào phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt về công nghệ trong tất cả các cấp. Đây là nền tảng quan trọng, tạo tiềm lực để đột phá, là chìa khóa thu hút đầu tư trong tương lai. Theo đó, tỉnh quan tâm phát triển mạnh mẽ phòng thí nghiệm chế tạo (fablab) tại các trường đại học và trên toàn tỉnh.
Sinh viên EIU tham gia nghiên cứu khoa học tại fablab của trường. Ảnh: PHƯƠNG LÊ
Tạo tiềm lực để đột phá
Hiện nay, thị trường có nhu cầu cao về lực lượng lao động có năng lực và kỹ năng, có kinh nghiệm làm việc thực tế và khả năng áp dụng các kiến thức lý thuyết. Các khái niệm fablab, phòng thí nghiệm công nghệ (techlab) và không gian sáng tạo (makerspaces) là những không gian có sẵn các máy móc thực hành sử dụng trong giáo dục đào tạo, nghiên cứu phát triển.
Sinh viên, công ty khởi nghiệp hay các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong khu vực có thể sử dụng chung thiết bị của các không gian này với một chi phí thấp để làm việc với công nghệ mà không cần đầu tư tốn kém vào máy móc. Cán bộ giảng dạy có thể hỗ trợ người sử dụng và tổ chức tập huấn cho mọi người. Đây là chìa khóa để cải thiện khả năng sản xuất để tăng tính hiệu quả, giảm chi phí và cải tiến về chất lượng sản xuất để duy trì vị thế cạnh tranh.
Tỉnh Bình Dương có nhiều khu công nghiệp và lực lượng lao động dồi dào. Do đó nhu cầu có các fablab tại đây mở cửa cho cả cộng đồng, khuyến khích mọi người, cá nhân, tập thể đến với fablab để sáng tạo và sử dụng các máy móc dụng cụ chế tạo ra sản phẩm mới là điều vô cùng cần thiết.
Các doanh nghiệp có thể tìm kiếm hoặc bắt gặp những sáng chế phát triển từ fablab và chúng có khả năng phát triển xa hơn, mạnh mẽ hơn khi có cơ hội hợp tác với các nhà kinh doanh. Khi các nhà kinh doanh thu được lợi nhuận từ những sản phẩm phát triển bởi fablab sẽ tái hỗ trợ cho fablab và mạng lưới cộng đồng đã đóng góp cho sự thành công của sản phẩm đó giúp duy trì bền vững và tự chủ cho các hoạt động của fablab...
Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là nội dung quan trọng trong Đề án xây dựng TPTM Bình Dương.
Đẩy mạnh phát triển fablab
Với mục tiêu gắn kết khoa học và doanh nghiệp, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, trường Đại học Quốc tế Miền Đông (EIU) đã thiết kế nhiều khu vực hỗ trợ nghiên cứu khoa học - công nghệ và khởi nghiệp, trong đó có fablab hướng tới các trải nghiệm công nghệ thực tế, mới và hiện đại. Fablab của trường hiện nay là fablab đầu tiên tại tỉnh được công nhận bởi hệ thống fablab thế giới. EIU cũng mở rộng các dịch vụ đào tạo nghiệp vụ nhằm đáp ứng nhu cầu cấp thiết về nâng cao trình độ người lao động của tỉnh.
Với diện tích 800m2, gồm các khu ý tưởng (conceive), thiết kế (design), thực hiện (implement) và vận hành (operate), fablab của EIU là một xưởng chế tác, một không gian mở tạo điều kiện cho người dùng biến ý tưởng của mình thành sản phẩm. Fablab của EIU được trang bị máy móc hiện đại như máy in 3D, máy cắt khắc laser, máy scan 3D, máy gia công CNC; ngoài ra còn có một xưởng cơ khí nhỏ trang bị đầy đủ thiết bị hỗ trợ người dùng tạo ra các sản phẩm từ thiết kế của mình.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Phúc, Hiệu trưởng EIU, cho biết fablab của trường là một không gian mở, năng động để giảng viên, sinh viên EIU và sinh viên, học sinh yêu thích kỹ thuât công nghệ các trường đại học, THPT lân cận có điều kiện học tập, trao đổi và hiện thực hóa ý tưởng của mình. Đặc biệt, đây cũng là nơi các sinh viên EIU có thể thực hành những lý thuyết được học trong chuyên ngành, từ đó có động lực tìm tòi và sáng tạo để thực hiện nhiều đề tài và ý tưởng mới. Fablab của trường đã tổ chức nhiều hoạt động đào tạo, hỗ trợ sáng tạo kỹ thuật và đào tạo STEM không chỉ cho sinh viên EIU mà còn cho học sinh phổ thông của các trường trên địa bàn tỉnh.
Fablab của EIU hướng tới việc tạo ra một tương lai mà trong đó ứng dụng khoa học và công nghệ hiện đại sẽ nâng cao chất lượng sống và trải nghiệm của con người; là nơi nuôi dưỡng và ươm mầm những sáng kiến và ý tưởng hay của các cá nhân, tổ chức. Tại đây, người dùng có thể tự do sáng tạo và theo đuổi những dự án của mình thông qua sự hỗ trợ của công nghệ mới cùng với sự hướng dẫn từ các chuyên gia trong lĩnh vực. Từ đó, những sản phẩm sẽ được sáng tạo, kiểm tra kỹ lưỡng, phát triển và đưa ra phục vụ lợi ích cho cộng đồng.
Vừa qua, UBND tỉnh đã ban hành quyết định phê duyệt Đề án “Thành lập phòng thí nghiệm chế tạo công nghệ Bình Dương tại trường Đại học Thủ Dầu Một”. Tiến sĩ Nguyễn Thị Liên Thương, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm trường Đại học Thủ Dầu Một, chia sẻ từ những ý tưởng, sáng tạo của các bạn trẻ muốn tham gia vào hoạt động khởi nghiệp sáng tạo, các bạn cần hiện thực hóa ý tưởng thành sản phẩm để các doanh nghiệp có thể quan sát, cảm thấy hứng thú tiếp tục đầu tư và hoàn thiện sản phẩm đưa ra thị trường. Fablab là nơi cung cấp cơ sở vật chất, cung cấp tư vấn, giúp các bạn hoàn thiện quy trình để tạo ra những ứng dụng chuyên về công nghệ sinh học làm tăng giá trị chuỗi nông sản… phục vụ các nhu cầu cộng đồng.
Các hoạt động của fablab trường Đại học Thủ Dầu Một đầu tiên là tạo ra cơ sở vật chất, một không gian để nghiên cứu, làm việc. Hệ thống máy móc ở đây khá phù hợp với đặc thù tạo ra nhu cầu sản phẩm như bao gói thế nào, chế biến thế nào… phù hợp với tiêu chuẩn trên thị trường và tiêu chuẩn của Bộ Y tế.
Dự kiến, fablab công nghệ Bình Dương sẽ đi vào hoạt động vào cuối năm 2019. Dự án fablab Bình Dương hỗ trợ cộng đồng trong khởi nghiệp từ các sản phẩm ứng dụng là kết quả của các đề tài nghiên cứu khoa học đã được UBND tỉnh phê duyệt.
PHƯƠNG LÊ