Phát triển mô hình trồng xen cây ca cao trong vườn điều

Cập nhật: 06-01-2010 | 00:00:00

Trồng xen ca cao trong vườn điều tận dụng được diện tích đất canh tác và cho thu nhập cao

Hiện nay, diện tích trồng cây ca cao trên địa bàn tỉnh Bình Phước đã lên đến 1.300 ha, đứng thứ 2 so với cả nước, chỉ sau tỉnh Bến Tre. Việc trồng xen cây ca cao trong vườn điều và các loài cây có tán khác trên địa bàn tỉnh Bình Phước trong thời gian qua đã tiết kiệm được diện tích đất canh tác, góp phần tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng đa dạng hóa, phục vụ cho chương trình xóa đói giảm nghèo cho đồng bào các dân tộc sinh sống vùng miền núi Bình Phước.

Theo ông Nguyễn Văn Thỏa, Chủ tịch Liên hiệp hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Bình Phước, căn cứ vào điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng và những yếu tố thuận lợi thì Bình Phước rất thích hợp để phát triển mô hình trồng xen cây ca cao. Lợi thế để phát triển mô hình trồng xen cây ca cao vào các vườn cây khác ở Bình Phước là toàn tỉnh có trên 165.000 ha cây điều, 12.000 ha hồ tiêu, 10.000 ha cà phê, hơn 17.000 ha cây ăn trái khác sẽ tạo tán lá cho cây ca cao.

Đối với cây điều, nếu trồng xen trên cùng một ha đất thì mật độ cây điều dao động từ 150 đến 200 cây/ha, năng suất bình quân của cây điều là 2,5 đến 3 tấn/ha, thu nhập trung bình của cây điều từ 25 đến 30 triệu đồng/ha. Còn đối với cây ca cao nếu trồng xen trên cùng một ha với cây điều thì mật độ dao động của cây ca cao từ 600 đến 800 cây/ha, năng suất bình quân của cây ca cao từ 1,5 đến 2 tấn/ha, thu nhập bình quân từ cây ca cao đạt 45 đến 60 triệu đồng/ha. Như vậy, tổng thu trên cùng một ha đất trồng xen cây điều và ca cao sẽ cho doanh thu từ 75 đến 90 triệu đồng/ha.

Cây ca cao có ưu thế cạnh tranh rất lớn về giá trị hàng hóa trên thị trường, do có tính ổn định và xu hướng tăng lên trong vòng 25 năm qua. Giá thu mua ca cao hiện nay trung bình khoảng 37.000 đồng/kg, riêng Công ty Cargill Việt Nam có mức thu mua 40.000 đồng/kg, cao hơn ngoài thị trường. Nếu được quy hoạch và đầu tư đúng mức, dự kiến sau 15 năm, diện tích ca cao trên địa bàn tỉnh Bình Phước sẽ đạt khoảng 30.000 - 50.000 ha, sản lượng ước tính trên 30.000 - 50.000 tấn/năm, giá trị xuất khẩu từ 60 đến 100 triệu USD, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống cho 20.000 hộ gia đình, đào tạo nghề và tạo việc làm ổn định cho 20.000 lao động ở vùng nông thôn miền núi.

AN BÌNH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1146
Quay lên trên