Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ trên khắp thế giới. Thực tế này tác động đến thị trường lao động, đặc biệt là ở khu vực vốn được xem là có nguồn lao động dồi dào như Việt Nam. Làm thế nào để nâng cao chất lượng lao động đáp ứng với thời đại mới là vấn đề đặt ra cho các nước châu Á, đặc biệt là với Việt Nam.
Phát huy vai trò của giáo dục
Tại phiên họp Viễn cảnh thị trường lao động châu Á trong khuôn khổ Horasis 2018, các diễn giả cho rằng tại các nước phát triển ở châu Á, cơ cấu kinh tế chuyển dịch nhanh theo hướng phát triển công nghệ và nguồn lao động trí thức cao. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ khiến thị trường thay đổi theo hướng sử dụng nhiều lao động có hàm lượng chất xám cao hơn. Dự báo, thị trường lao động giản đơn tại châu Á sẽ khó thích nghi với cách mạng công nghiệp 4.0. Vì vậy, các doanh nghiệp trong khu vực cần thay đổi tư duy quản lý và lao động; các trường học cần định hướng giáo dục theo xu hướng ứng dụng.
Dây chuyền sản xuất của Công ty TPR Việt Nam. Ảnh: PHƯƠNG AN
Theo đánh giá của các chuyên gia tại phiên họp, có 4 yếu tố quyết định để doanh nghiệp phát triển trong thời kỳ mới là: Chiến lược phát triển của doanh nghiệp; ứng dụng công nghệ; cơ sở dữ liệu và trí tuệ nhân tạo. Vấn đề này đặt ra cho các doanh nghiệp phải sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao trong hành trình phát triển của mình.
Đa số các đại biểu và diễn giả tham dự phiên họp đều cho rằng giải pháp để thực hiện những yếu tố nói trên nằm trong việc đổi mới phương pháp giảng dạy từ các cấp học, nhất là cấp đào tạo nghề của các trường học tại châu Á. Các nhà hoạch định giáo dục phải trả lời được các câu hỏi kiến thức đó là cái gì; vận hành như thế nào; đáp ứng vấn đề nào của doanh nghiệp đặt ra.
Tuy nhiên, trong thời đại công nghiệp 4.0, người lao động ngoài kiến thức chuyên môn còn phải có kỹ năng mềm, bao gồm kỹ năng tự học, kỹ năng thích ứng, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng giải quyết các vấn đề… Vấn đề mà các đại biểu tranh luận sôi nổi nhất là ai dạy cho người lao động những kỹ năng này; liệu rằng nhà trường có đủ sức để trang bị cho học viên những kỹ năng này; liệu có quá sức không khi trông đợi tất cả từ giáo dục trong khi tất cả có thể được trang bị từ cộng đồng, gia đình… Đối với các doanh nghiệp cũng là người có thể đào tạo để phát triển kỹ năng cho người lao động đáp ứng nhu cầu của người lao động mà họ mong muốn.
Đại biểu đến từ một số nước như Singapore, Ấn Độ cho rằng nền giáo dục của họ có thể đáp ứng cơ bản kỹ năng nói trên, tuy vậy nhiều đại biểu cho rằng sự thật rất khó để đánh giá mức độ đáp ứng. Thực tế, mỗi quốc gia, mỗi doanh nghiệp trong mỗi giai đoạn có một yêu cầu khác nhau, không có mẫu số chung về yêu cầu đối với người lao động về kỹ năng...
Người lao động cần chủ động thay đổi
Theo đánh giá của các chuyên gia, Việt Nam đang trong thời kỳ hội nhập quốc tế. Có được các kiến thức nghề nghiệp và kỹ năng phù hợp, có nghĩa là Việt Nam sẽ đáp ứng tốt và hưởng lợi từ việc phát triển và sẽ là nơi hấp dẫn cho các doanh nghiệp từ khắp nơi trên thế giới đến đầu tư. Hiện nay, việc không ngừng đổi mới giáo dục và dạy nghề là mục tiêu quan trọng của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội quốc gia, yêu cầu cải tiến chất lượng lực lượng lao động sẽ là mấu chốt để tiếp tục hiện đại hóa nền kinh tế và phát triển bền vững tại Việt Nam.
Hiện nay, với những cơ hội phát triển kinh tế được mở ra từ việc hội nhập sâu rộng hơn vào nền kinh tế thế giới, nhu cầu nhân lực của Việt Nam được dự báo sẽ tăng mạnh. Để đáp ứng nhu cầu việc làm cho người lao động, hàng năm nền kinh tế Việt Nam cần tạo thêm khoảng 650.000 việc làm mới. Nguồn lao động dồi dào đang là lợi thế rất lớn của Việt Nam so với các nước trong việc thu hút đầu tư.
Tuy nhiên, trong xu hướng chung của châu Á, thị trường sẽ đòi hỏi cao hơn về trình độ của người lao động, lực lượng lao động trẻ khỏe trước đây thường có ưu thế, nay sẽ giảm cơ hội hơn so với lực lượng lao động có tri thức và kỹ năng.
Trong điều kiện phát triển hiện nay, nhóm người lao động dễ bị tổn thương là nhóm lao động giản đơn; những lao động này sẽ đối mặt với nguy cơ mất việc làm hoặc không đáp ứng được yêu cầu khi có cơ hội ở công việc mới. Chính vì vậy, việc đầu tư cho đào tạo cần phải được các nước cũng như Việt Nam quan tâm nhiều hơn để nâng cao năng suất lao động và tay nghề của người lao động có trình độ thấp.
Trao đổi với phóng viên Báo Bình Dương về hướng đi nào thúc đẩy sự phát triển nguồn lao động vốn dồi dào của Việt Nam, bà Tetyana Kretova, Giám đốc Ie Business School phụ trách khu vực châu Á - Thái Bình Dương, cho rằng sự phát triển của công nghệ thông tin hình thành cấu trúc công việc khác nhau. So với trước đây, ngày nay các doanh nghiệp đòi hỏi rất nhiều ở người lao động. Vì thế, mỗi người cần tập trung vào kỹ năng mềm và kỹ năng tự học. Đối với Việt Nam là nước có dân số trẻ, lao động đa dạng nhưng theo đánh giá chung thì lao động Việt Nam còn hạn chế về hai yếu tố kỹ năng nói trên. Người lao động Việt Nam nên chủ động thay đổi để thích ứng với thời đại, tận dụng cơ hội việc làm đang rộng mở.
TIỂU MY