Phát triển nguồn nhân lực: Cần thêm nhiều chính sách hỗ trợ

Cập nhật: 19-06-2015 | 06:00:34

Thực hiện ý kiến chỉ đạo tại văn bản số 341/TTg-KGVX ngày 7-3-2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai giải pháp Quy hoạch phát triển nhân lực các địa phương thời kỳ 2011-2020, trong thời gian qua Bình Dương đã triển khai thực hiện văn bản phù hợp với quy hoạch và đạt được nhiều kết quả tốt. Tuy nhiên, do đặc thù là tỉnh phát triển nhiều khu công nghiệp và thu hút lực lượng lao động lớn nên Bình Dương cần thêm nhiều chính sách hỗ trợ đào tạo, phát triển nguồn nhân lực.

 Trường Đại học Quốc tế Miền Đông đầu tư trang thiết bị hiện đại, đáp ứng tốt giờ học thực hành cho sinh viên. Ảnh: A.SÁNG

 Thực hiện phù hợp với quy hoạch

Kết quả thực hiện chỉ tiêu phát triển nhân lực năm 2014 của tỉnh Bình Dương cho thấy, tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia là 58,92% (kế hoạch làphát triển nhân lực 56%); tạo việc làm cho 46.100 lao động; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 66,7%; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng là 9,4% (kế hoạch là nhỏ hơn 9,7%); số giường bệnh trên vạn dân đạt 24 giường... Ông Phú Hữu Minh, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư, cho biết thực hiện quy hoạch phát triển nhân lực tỉnh thời kỳ 2011- 2020, Bình Dương đã thực hiện theo đúng tiến độ, nội dung hướng dẫn và phù hợp với quy hoạch phát triển nhân lực chung của cả nước.

Theo lãnh đạo Sở Giáo dục - Đào tạo, thực hiện Văn bản số 341/TTg-KGVX, thời gian qua tỉnh đã chỉ đạo rà soát số lượng học sinh, sửa chữa, đầu tư trang thiết bị, điều chuyển cơ sở vật chất và tổ chức xét tuyển mới 1.519 viên chức để kịp thời phục vụ năm học mới. Đến nay, tỷ lệ trường công lập được lầu hóa đạt 60,46%. Tỉnh đã công nhận thêm 28 trường công lập đạt chuẩn quốc gia, nâng tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia đến nay đạt 58,92%. Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 8 trường đại học, 1 trường cao đẳng, 9 trường trung cấp chuyên nghiệp và 59 cơ sở dạy nghề, cơ bản đáp ứng được nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực cho tỉnh.

Đối với ngành giáo dục - đào tạo, chất lượng giáo dục năm học 2013-2014 tiếp tục được nâng lên. Tỷ lệ học sinh khá, giỏi các cấp tăng so với năm học trước; tỷ lệ tốt nghiệp khối trung học phổ thông là 99,88% (năm học 2012-2013 là 99,34%), trong đó có 26 trường có tỷ lệ đậu tốt nghiệp đạt 100%. Ngành giáo dục - đào tạo của tỉnh cũng đã thực hiện tốt công tác tư vấn hướng nghiệp, tuyển sinh vào lớp 6, lớp 10 và các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp. Năm 2014, tỷ lệ trúng tuyển vào đại học, cao đẳng của học sinh trên địa bàn tỉnh là 68,4%, trong đó tỷ lệ đậu đại học là 50,3% (năm 2013 tỷ lệ trúng tuyển vào các trường đại học, cao đẳng là 59,2%, trong đó tỷ lệ đậu đại học là 39,5%). Năm học 2014- 2015 tăng thêm khoảng 27.100 học sinh nhưng cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ giáo viên cơ bản đáp ứng nhu cầu dạy, học theo kế hoạch. Đến nay, toàn ngành giáo dục - đào tạo có 516 đơn vị, trường học.

Ông Phạm Ngọc Thuận, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đầu tư Phát triển công nghiệp - TNHH MTV (Becamex IDC), cho biết thời gian qua, công ty đã khảo sát nhu cầu nguồn nhân lực tại Bình Dương. Trên cơ sở khoảng 19.000 công ty hoạt động tại Bình Dương và xuất phát từ nhu cầu thực tế về nguồn nhân lực của tỉnh, Becamex IDC đã quyết định đầu tư xây dựng trường Đại học Quốc tế Miền Đông. Trường này có nhiệm vụ là một trung tâm đào tạo, chuyển giao công nghệ để thu hút làn sóng công nghệ từ khắp nơi về đây. Trường có 3 chương trình trụ cột là chương trình đào tạo, máy móc thiết bị và đội ngũ giáo viên; trong đó về đào tạo sẽ gồm 70% tại trường và 30% ở doanh nghiệp. Ông Thuận khẳng định định hướng phát triển của trường căn cứ vào hướng đi của Becamex IDC và định hướng phát triển của tỉnh, phát triển của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Chú trọng đào tạo nghề, việc làm

Ông Nguyễn Văn Hiệp, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Nghề Việt Nam - Singapore, cho biết kể từ khi được nâng cấp thành trường cao đẳng nghề, trường tiếp tục được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đầu tư trang thiết bị, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nguồn nhân lực cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Từ năm 2011 đến nay, số học sinh, sinh viên tốt nghiệp ra trường là 2.577 em. Bên cạnh đó trường đã có quan hệ với hơn 70 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để giới thiệu, giải quyết việc làm cho 2.234 học sinh, sinh viên. Ông Hiệp cho biết thêm, nhằm nâng cao năng lực đào tạo một số nghề để các nước trong khu vực Đông Nam Á và quốc tế công nhận, góp phần đổi mới căn bản, toàn diện đào tạo nghề ở Việt Nam và đáp ứng yêu cầu nhân lực cao cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và địa phương, trường đã lập dự án đầu tư phát triển trường nghề chất lượng cao đến năm 2020 theo Quyết định số 761/QĐ-TTg ngày 23- 5-2014 của Thủ tướng Chính phủ, Quyết định phê duyệt “Đề án phát triển trường nghề chất lượng cao đến năm 2020” của Thủ tướng; trong đó trường Cao đẳng Nghề Việt Nam - Singapore là 1 trong 45 trường được đầu tư phát triển.

Đối với lĩnh vực lao động - việc làm, năm 2014 Bình Dương đã tổ chức 27 phiên giao dịch việc làm, có 4.058 lượt doanh nghiệp tham gia với nhu cầu tuyển dụng trên 70.000 lao động. Qua các phiên giao dịch việc làm đơn vị tổ chức đã tư vấn, giới thiệu việc làm cho khoảng 42.000 lượt người, trong đó giải quyết việc làm cho khoảng 37.100 người. Trong năm 2014, tỉnh đã giải quyết việc làm cho gần 46.100 người, vượt 2,4% kế hoạch năm. Năm qua đã có 811 doanh nghiệp chấp thuận sử dụng lao động nước ngoài với tổng số 5.028 người. Bình Dương cũng đã cấp mới 1.449 giấy phép lao động cho lao động là người nước ngoài, đạt 125% kế hoạch năm; cấp lại 1.110 giấy phép lao động cho lao động nước ngoài, đạt 158,5% kế hoạch năm.

Cần thêm chính sách

Bình Dương là một trong những tỉnh có nhiều khu công nghiệp, thu hút nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đến đầu tư. Cùng với đó kéo theo số lượng lớn lực lượng lao động từ các nơi khác về. Ông Phú Hữu Minh cho biết hàng năm, Bình Dương chi ngân sách từ 45 - 50% cho đầu tư xây dựng cơ bản. Trong những năm gần đây Bình Dương đều ưu tiên đầu tư cho giáo dục. Hiện nay nhu cầu về đầu tư cơ sở hạ tầng cho trường học vẫn là rất lớn, đặc biệt là nhu cầu về trường mầm non và trường tiểu học cho con em công nhân. Vì vậy, vốn đầu tư cho lĩnh vực này vẫn còn thiếu.

Bên cạnh đó, lao động qua đào tạo tuy đã có những chuyển biến tích cực về chất lượng nhưng cơ cấu chưa hợp lý, vẫn còn tồn tại tình trạng thừa lao động có bằng cấp, thiếu lao động có kỹ thuật. Lao động qua đào tạo vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động về chất lượng và số lượng.

Ông Phú Hữu Minh cho biết thêm, hiện nay Bình Dương rất cần Trung ương cho thêm cơ chế, chính sách hỗ trợ đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, ưu tiên tăng chi ngân sách đầu tư cho giáo dục - đào tạo, đặc biệt chú ý đến vấn đề đào tạo lại cho nhân lực đang làm việc. Bên cạnh đó cần có những chính sách hỗ trợ đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam phù hợp với nhu cầu sử dụng lao động của thị trường, cũng như bảo đảm nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Các bộ, ngành liên quan và địa phương cũng cần xây dựng và kết nối hệ thống thông tin thị trường lao động của địa phương và Trung ương để kịp thời nắm bắt nhu cầu sử dụng lao động, nguồn cung lao động cũng như nhu cầu về chất lượng lao động phục vụ cho sự phát triển chung.

 PHƯƠNG LÊ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=794
Quay lên trên