Thời gian qua, Bình Dương đã trở thành hình mẫu của cả nước về xây dựng nhà ở xã hội (NƠXH) cho người lao động thu nhập thấp. Phát huy kết quả đạt được, Bình Dương tiếp tục chú trọng cải thiện, nâng cao chất lượng và phát triển xây dựng NƠXH; đồng thời góp phần ổn định thị trường bất động sản, nâng cao điều kiện ở của người dân, bảo đảm an sinh xã hội. Ông Huỳnh Phạm Tuấn Anh, Phó Giám đốc Sở Xây dựng đã trả lời phỏng vấn của Báo Bình Dương về chương trình phát triển NƠXH của tỉnh trong thời gian tới.
- Thưa ông, Bình Dương đang có định hướng, mục tiêu và giải pháp gì trong việc cải thiện, nâng cao chất lượng nhà ở trên địa bàn tỉnh?
Về mục tiêu của tỉnh, theo chương trình phát triển nhà ở tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021-2030 đã được UBND tỉnh phê duyệt, đến năm 2025, phấn đấu nâng chất lượng nhà ở kiên cố và bán kiên cố đạt 99,9% (trong đó khu vực đô thị đạt 100% và khu vực nông thôn đạt 99,8%). Đến năm 2030, phấn đấu nâng chất lượng nhà ở kiên cố và bán kiên cố đạt 100%, không còn phát sinh nhà ở đơn sơ. Đến năm 2045, phấn đấu giữ vững bảo đảm chất lượng nhà ở đạt 100% kiên cố và bán kiên cố, không phát sinh nhà ở đơn sơ.
Khu nhà ở xã hội Định Hòa
Đối với gia đình chính sách, người có công và thân nhân, tỉnh đã triển khai lồng ghép chính sách hỗ trợ nhà ở đối với nhóm đối tượng này, kể cả thân nhân với mức hỗ trợ là 80 triệu đồng/căn và sửa chữa là 40 triệu đồng/căn, phần kinh phí chênh lệch có được do vận động, huy động tổng hợp các nguồn lực, để hỗ trợ người có công có khó khăn về nhà ở, góp phần cải thiện điều kiện sống, thực hiện mục tiêu: “Chăm lo tốt hơn đối với gia đình chính sách và những người có công, bảo đảm tất cả các gia đình chính sách có cuộc sống bằng hoặc khá hơn mức sống trung bình của người dân địa phương nơi cư trú”.
Tính đến nay đã có 635 trường hợp (xây dựng nhà ở mới là 96 hộ; sửa chữa, cải tạo nhà ở là 539 hộ) với tổng số tiền 14.620.000.000 đồng đã được giải ngân để thực hiện chương trình này. Trong giai đoạn tiếp theo, qua số liệu báo cáo của địa phương, giai đoạn 2021-2025, còn khoảng 384 trường hợp người có công và thân nhân cần được xây dựng mới, sữa chữa cải tạo nhà ở. Tỉnh sẽ tiếp tục giải quyết các trường hợp này.
Đối với hộ nghèo, cận nghèo (di cư vùng khác đến, nhà ở chưa ổn định), thực hiện mục tiêu về nâng cao chất lượng nhà ở, tỉnh sẽ lồng ghép nhiều chương trình hỗ trợ vay vốn để sửa chữa cải tạo nhà ở bằng nguồn vốn ngân sách Trung ương và địa phương thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh. Bên cạnh đó tỉnh đẩy mạnh kêu gọi hơn nữa nguồn vốn xã hội hóa trong công tác này nhất là các gia đình hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách xây dựng nhà tình thương, nhà đại đoàn kết đã làm rất tốt trong thời gian qua, đẩy nhanh xóa bỏ nhà thô sơ trên địa bàn tỉnh.
- Năm 2023, chỉ tiêu xây mới NƠXH được HĐND tỉnh thông qua là 8.000 - 10.000 căn. Để thực hiện đạt chỉ tiêu này, tỉnh có những kế hoạch triển khai thực hiện như thế nào, thưa ông?
Sở đang xây dựng Đề án phát triển NƠXH, nhà ở công nhân tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Với các giải pháp và nguồn lực dự kiến sẽ được triển khai, tiến độ phát triển NƠXH trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới sẽ có những chuyển biến tích cực hơn nữa.
Trong năm 2023, sở sẽ triển khai một số kế hoạch. Cụ thể: Triển khai lập kế hoạch thực hiện nhanh, hiệu quả các giải pháp trong đề án đã được phê duyệt; rà soát quỹ đất ở để phát triển NƠXH tại các dự án nhà ở thương mại có bố trí, để đôn đốc, thúc đẩy chủ đầu tư triển khai đầu tư xây dựng, tạo lập quỹ NƠXH cho tỉnh; trong trường hợp chủ đầu tư không hoặc chậm triển khai thực hiện theo tiến độ đã được phê duyệt, thực hiện thu hồi và giao các nhà đầu tư có năng lực để triển khai đầu tư xây dựng, tránh lãng phí quỹ đất; rà soát, chuyển đổi công năng cơ sở sản xuất trong đô thị, đặc biệt là các đô thị phía nam, để chỉnh trang đô thị, tạo quỹ đất cho phát triển NƠXH trong các đồ án điều chỉnh quy hoạch chung đô thị phía nam.
Tổ chỉ đạo của UBND tỉnh sẽ nghiên cứu tháo gỡ các vướng mắc khó khăn đối với các dự án NƠXH đang và sẽ triển khai nhằm rút ngắn thủ tục hành chính liên quan đến dự án.
- Thời gian qua, chương trình phát triển nhà ở được tỉnh thực hiện đạt nhiều kết quả tích cực. Để tiếp tục phát huy những kết quả đó, ngành xây dựng tiếp tục tham mưu UBND tỉnh định hướng phát triển nhà ở trong thời gian tới như thế nào, thưa ông?
Để tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, đáp ứng nhu cầu về nhà ở của người dân nhất là lực lượng công nhân từ địa phương khác đến làm việc tại Bình Dương, giúp người lao động an cư lạc nghiệp trên địa bàn tỉnh; UBND tỉnh đã phê duyệt Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021-2030. Theo đó, định hướng phát triển NƠXH, nhà ở dành cho công nhân trong giai đoạn 2021-2025 sẽ phát triển tăng thêm 1.890.000m2 sàn NƠXH, tương đương khoảng 42.000 căn hộ. Giai đoạn 2026- 2030 phát triển tăng thêm được 2.100.000m2 sàn NƠXH, tương đương khoảng 42.000 căn nhà xây dựng mới.
UBND tỉnh cũng giao Sở Xây dựng nghiên cứu xây dựng Đề án phát triển NƠXH, nhà ở công nhân tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Trong đề án, sẽ có các giải pháp (về quỹ đất, nguồn vốn, cơ chế chính sách...) nhằm tạo đà đẩy nhanh tiến độ phát triển quỹ NƠXH trên địa bàn tỉnh theo đúng chỉ tiêu chương trình phát triển nhà ở đã đề ra, và phấn đấu xây dựng thêm hơn 100.000 căn NƠXH, nhà ở công nhân, góp phần giải quyết nhu cầu về nhà ở cho người lao động trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, người có thu nhập thấp.
- Vậy những đối tượng, tiêu chuẩn nào thì được mua NƠXH và người dân có thể tìm kiếm thông tin về các dự án NƠXH trên các kênh nào, thưa ông?
Về đối tượng được mua, thuê, thuê mua NƠXH, được quy định tại Điều 49 Luật Nhà ở năm 2014, gồm 10 đối tượng, cụ thể: Hộ gia đình nghèo và cận nghèo tại khu vực nông thôn; người thu nhập thấp, hộ nghèo, cận nghèo tại khu vực đô thị; người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp; quân nhân; cán bộ, công chức, viên chức; sinh viên; tổ chức, cá nhân bị thu hồi đất.
Về tiêu chuẩn được mua, thuê, thuê mua NƠXH, được quy định tại Điều 51 Luật Nhà ở năm 2014, cụ thể: Trường hợp thứ nhất, người chưa có nhà ở (mua hoặc thuê); chưa được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở, đất ở dưới mọi hình thức tại nơi sinh sống, học tập hoặc có nhà ở thuộc sở hữu của mình nhưng diện tích nhà ở bình quân đầu người trong hộ gia đình thấp hơn mức diện tích nhà ở tối thiểu do Chính phủ quy định theo từng thời kỳ, khu vực; phải có đăng ký thường trú tại địa phương mua/thuê nơi có nhà ở xã hội; trường hợp không có đăng ký thường trú thì phải có đăng ký tạm trú từ một năm trở lên; đối với một số trường hợp phải thuộc diện không phải nộp thuế thu nhập thường xuyên theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân; trường hợp là hộ nghèo, cận nghèo thì phải thuộc diện nghèo, cận nghèo theo quy định Trung ương.
Trường hợp thứ 2, đáp ứng điều kiện theo quy định tại quyết định phê duyệt chương trình mục tiêu về nhà ở tương ứng của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền; trường hợp 3, phải đáp ứng điều kiện về nhà ở, cư trú như có đất ở nhưng chưa có nhà ở/có nhà ở nhưng nhà ở bị hư hỏng, dột nát; có đăng ký thường trú tại địa phương nơi có đất ở, nhà ở cần phải xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa.
Sở Xây dựng thường xuyên cập nhật thông tin các dự án NƠXH, danh sách các đối tượng đủ điều kiện ký hợp đồng mua, thuê, thuê mua NƠXH theo quy định của pháp luật về nhà ở trên cổng thông tin điện tử của Sở Xây dựng, địa chỉ website: sxd. binhduong.gov.vn.
- Xin cám ơn ông!
PHƯƠNG LÊ