Từ khi có Quyết định 04/2016/QĐ-UBND của UBND tỉnh về chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh Bình Dương giai đoạn 2016-2020 (Quyết định 04), việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp ở huyện Phú Giáo ngày càng phát triển mạnh mẽ. Dù vậy, nhiều nông dân muốn triển khai mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) chưa thể tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi từ chính sách này.
Ông Nguyễn Văn Cường, một trong những nông dân tiên phong trong việc áp dụng kỹ thuật cao vào sản xuất nông nghiệp bằng mô hình trồng dưa lưới trong nhà kính, ở ấp Cà Na, xã An Bình, huyện Phú Giáo, cho biết việc UBND tỉnh ban hành Quyết định số 04 về chính sách khuyến khích phát triển NNCNC là hết sức đúng đắn. Chính sách này tạo điều kiện để người nông dân được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư khoa học - kỹ thuật hiện đại vào sản xuất nông nghiệp, từ đó nâng cao giá trị chuỗi sản phẩm hàng hóa, tạo sức cạnh tranh hàng hóa của người nông dân trên thị trường.
Một mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, an toàn tại huyện Phú Giáo. Ảnh: H.PHƯƠNG
Tuy nhiên, để quyết định này thật sự tạo đà cho NNCNC trên địa bàn huyện Phú Giáo phát triển mạnh, ông kiến nghị cần có những chính sách mở hơn nữa để người dân thuận lợi hơn trong việc tiếp cận nguồn vốn này. Theo đó, trong quá trình thẩm định tài sản thế chấp vay vốn, Nhà nước nên nâng giá thẩm định của người vay; cùng với đó tạo điều kiện giải ngân vốn hai lần, với 50% giá trị vốn vay mỗi lần, nhằm tạo điều kiện cho người nông dân có kế hoạch đầu tư, duy trì tiến độ triển khai dự án được liên tục. Ngoài ra, Nhà nước nên lấy tài sản dự án làm thế chấp cho nông dân, nếu không những nông dân ít đất, ít tài sản thế chấp khó có thể tiếp cận được nguồn vốn này.
Ông Nguyễn Châu Long, Phó trưởng phòng Kinh tế huyện Phú Giáo, cho biết qua hai năm triển khai thực hiện Quyết định 04, người nông dân trong huyện rất phấn khởi vì quyết định có những ưu điểm như lãi suất vay thấp, chỉ 3%/ năm cho dự án năm đầu, từ năm thứ 2 đến năm thứ 5 lãi suất là 3,85%/năm, thấp hơn rất nhiều so với lãi suất ngân hàng; cùng với đó là việc trả lãi suất, hoàn vốn cũng rất linh hoạt; đối với dự án được triển khai mới hoàn toàn cũng rất thuận lợi nếu người vay có đầy đủ các chứng từ, kế hoạch dự án. Tuy nhiên, hiện nay cũng còn tồn tại những vướng mắc rất cần được điều chỉnh để người nông dân được tiếp cận dễ dàng hơn nữa đối với nguồn vốn vay ưu đãi. Chẳng hạn, hiện nay, những dự án đã triển khai người nông dân phải xuất toán hóa đơn, chứng từ hợp lệ chứng minh có triển khai dự án mới được tiếp cận nguồn vốn vay, như vậy vừa tốn kém cho người nông dân khi phải mua hóa đơn chứng từ.
Mặc dù thời gian qua, tỷ lệ giải ngân các dự án NNCNC ở Phú Giáo so với các huyện, thị, thành phố khác trong tỉnh đứng hàng đầu nhưng hầu hết các dự án được giải ngân là của doanh nghiệp, còn đối với người dân thì số vốn giải ngân rất ít, vì hầu hết dự án người dân đã triển khai nên vướng phải quy định về hóa đơn, về quy định dự án phải là năm đầu mới được vay vốn. Những vướng mắc này đang khiến cho việc phát triển NNCNC của người nông dân Phú Giáo gặp rất nhiều khó khăn.
Theo ông Bùi Văn Quen, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phú Giáo, thực tế cho thấy, nông dân trong huyện đang gặp khó khi tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi theo Quyết định 04. Nhiều nông dân rất muốn được vay vốn theo quyết định này, nhưng khi làm thủ tục, hồ sơ để vay vốn thì cả một quá trình nan giải. Do đó, Hội Nông dân huyện kiến nghị UBND tỉnh có những giải pháp mở hơn, như nông dân chỉ cần chứng minh có triển khai dự án, bỏ quy định phải là dự án năm đầu tiên, quy định xuất trình hóa đơn, chứng từ mua hàng hóa làm dự án; nâng tỷ lệ định giá tài sản thế chấp, đưa dự án của người nông dân vào tài sản thế chấp để nâng tỷ lệ vốn vay cho nông dân… Có như vậy, chủ trương đúng đắn này mới phát huy tốt nhất hiệu quả trên thực tế.
HOÀI PHƯƠNG