Phát triển nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao

Cập nhật: 07-05-2022 | 08:25:48

Với mục tiêu nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh cho nông sản địa phương và tạo nguồn thu nhập cao cho người nông dân, Bình Dương đã thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng tăng giá trị và phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Bình Dương đặt mục tiêu đưa tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm trên 30%, diện tích đất trồng nông sản đạt tiêu chuẩn GAP chiếm 20%, số trang trại chăn nuôi được cấp chứng nhận thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAHP) chiếm 30% vào năm 2025.


Trang trại nuôi gà lạnh của ông Đinh Ngọc Khương, xã An Bình, huyện Phú Giáo mang lại hiệu quả cao

Kết quả tích cực

Xác định rõ tầm quan trọng của khoa học công nghệ đối với sự phát triển của nông nghiệp, thời gian qua, Bình Dương đã ban hành nhiều kế hoạch, đề án cơ cấu lại ngành trồng trọt theo hướng phát triển các mô hình nông nghiệp ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật ưu việt, như: Công nghệ sinh học, công nghệ nhà kính, công nghệ tưới nhỏ giọt, công nghệ cảm biến, tự động hóa, internet vạn vật… vào sản xuất nhằm chuyển trọng tâm từ mục tiêu sản lượng sang chất lượng và hiệu quả.

Tỉnh đã triển khai nhiều chính sách phát triển, thu hút nhiều doanh nghiệp, nông dân mạnh dạn đầu tư vào sản xuất, phát triển các vùng chuyên canh cây cao su, cây ăn quả đặc sản, rau an toàn, gắn với chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị. Đẩy mạnh ứng dụng các giống năng suất và chất lượng cao, chống chịu sâu bệnh cho các đối tượng cây trồng chủ lực, như: Cao su, hồ tiêu, chuối, dưa lưới, cây có múi, rau củ... Qua đó, thu nhập và đời sống của người dân nông thôn ngày càng tăng lên, góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đến nay diện tích ứng dụng công nghệ cao trong trồng trọt trên địa bàn tỉnh khoảng 5.763,5ha với các loại cây trồng có giá trị như rau, nấm, cây ăn trái, hoa lan, cây cảnh. Bình Dương hiện đã có 4 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại xã Tân Hiệp và Phước Sang (huyện Phú Giáo), phường Vĩnh Tân (TX.Tân Uyên), xã An Thái (huyện Phú Giáo) và khu Tiến Hùng (huyện Bắc Tân Uyên).

Bên cạnh hiện đại hóa quy trình trồng trọt, lĩnh vực chăn nuôi cũng có bước chuyển dịch mạnh mẽ, nhiều mô hình trang trại tập trung ứng dụng công nghệ cao, liên kết theo chuỗi, bảo đảm an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường được thành lập, tạo nên chuỗi cung ứng có giá trị kinh tế cao. Hiên nay, trên địa bàn tỉnh có 3 dự án chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao với quy mô lớn, cụ thể Khu nông nghiệp Ứng dụng công nghệ cao Tiến Hùng, xã Hiếu Liêm, huyện Bắc Tân Uyên (diện tích 78,5ha); Khu chăn nuôi Gia cầm công nghệ cao tại phường Vĩnh Tân, TX.Tân Uyên do Công ty TNHH Ba Huân đầu tư (diện tích 17,6ha); Khu chăn nuôi bò sữa Ứng dụng công nghệ cao, xã Tân Hiệp và Phước Sang, huyện Phú Giáo do Công ty Cổ phần Phát triển nông nghiệp Bình Dương làm chủ đầu tư với tổng diện tích được giao là 471,81ha. Mô hình chuồng trại được thiết kế theo công nghệ cao, tự động hóa hoàn toàn các công đoạn như thu hoạch, chế biến thức ăn, thu gom và xử lý chất thải, vắt sữa… Riêng năm 2021, chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao tiếp tục phát triển với 146 trang trại đầu tư chăn nuôi gà giống, gà đẻ trứng và gà thịt với tổng đàn trên 8,4 triệu con, chiếm 65% tổng đàn.

Chuyển đổi số, phát triển thương mại điện tử

Bước sang giai đoạn mới, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 3485/QĐ-UBND, ngày 23-11-2020, “Về cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”. Bình Dương đặt mục tiêu đến năm 2025, sẽ đưa giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,5 - 3%/năm; tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm trên 30%; diện tích đất trồng nông sản thực phẩm được chứng nhận đạt tiêu chuẩn GAP chiếm 20%; số trang trại chăn nuôi được cấp chứng nhận thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAHP) chiếm 30%.

Để góp phần nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm nông nghiệp Bình Dương, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường, hội nhập quốc tế, hướng đến phát triển nông nghiệp bền vững, theo TS.Nguyễn Việt Long, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, chìa khóa phát triển của Bình Dương là việc vận dụng sáng tạo Nghị quyết 26 của Trung ương phù hợp hoàn cảnh địa phương, bám sát tầm nhìn xây dựng thành phố thông minh của tỉnh, từ đó đưa ra chiến lược phát triển nông nghiệp độc đáo.

Theo TS.Nguyễn Việt Long, thời gian tới Bình Dương cần đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, từng bước xây dựng nền nông nghiệp hữu cơ. Trước hết tập trung thu hút, khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp có kinh nghiệm sản xuất lâu đời, các trang trại lớn, chuyên nghiệp, có quy mô lớn, có nguồn tiêu thụ ổn định chuyển đổi dần sang sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Qua đó giúp hình thành những mô hình sản xuất hiệu quả, góp phần thúc đẩy, tạo động lực, nâng cấp các mô hình sản xuất nông nghiệp truyền thống hiện hữu. Bên cạnh đó, tỉnh cần xây dựng kế hoạch chuyển đổi số nông nghiệp, phát triển thương mại điện tử. Xây dựng nông thôn kiểu mẫu gắn liền với mô hình làng thông minh.

TS.Nguyễn Việt Long, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ: “Bước đầu Bình Dương đã thí điểm mô hình Làng thông minh tại xã Bạch Đằng, TX.Tân Uyên để thống nhất được các khái niệm và cách tiếp cận, tạo tiền đề hướng đến xây dựng xã nông thôn mới thông minh trong thời gian tới. Tỉnh chủ trương bảo đảm việc xây dựng nông thôn mới gắn với quá trình phát triển công nghiệp, đô thị là quá trình thường xuyên, liên tục hướng tới mục tiêu phát triển nông thôn bền vững, bảo đảm hài hòa các hiệu quả kinh tế, xã hội, môi trường và văn hóa”.

PHƯƠNG LÊ - QUANG TRÍ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1420
Quay lên trên