Phát triển phong trào sản xuất, kinh doanh giỏi trong nông dân
Theo dõi Báo Bình Dương trên

Phát huy vai trò chủ thể, trung tâm của nông dân trong sản xuất nông nghiệp, thời gian qua các cấp Hội Nông dân trên địa bàn tỉnh luôn đồng hành với hội viên nông dân thông qua nhiều hoạt động gần hội viên và sát cơ sở.
-66.jpg)
Nâng cao hiệu quả công tác hội
Với sự đa dạng hình thức, hướng mạnh công tác, phong trào hội về cơ sở, các cấp Hội Nông dân (ND) đã tập hợp và thúc đẩy hội viên tham gia phát triển phong trào ND sản xuất, kinh doanh giỏi, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Một trong những điển hình về đổi mới nội dung và phương thức hoạt động hội cơ sở là mô hình “Cà phê sáng ND” đang được nhân rộng trên địa bàn TP.Tân Uyên. Mô hình đã cụ thể hóa thực tiễn công tác, phong trào hội gắn bó, gần gũi với ND. Cụ thể, tại Văn phòng khu phố Tân Hội, phường Tân Hiệp, Hội ND phường vừa tổ chức mô hình sinh hoạt “Cà phê sáng ND”. Trong buổi sinh hoạt, hội viên ND thảo luận về tình hình sản xuất nông nghiệp, giá cả thị trường và các phương pháp canh tác bền vững; đồng thời cập nhật thông tin về chính sách hỗ trợ, các chương trình vay vốn ưu đãi và ứng dụng khoa học - công nghệ trong nông nghiệp.
Tùy vào mỗi địa phương có đặc trưng nông nghiệp khác nhau, mô hình “Cà phê sáng ND” sẽ có những nội dung phù hợp với tình hình sản xuất của bà con ND. Điển hình như Hội ND xã Bạch Đằng (TP.Tân Uyên) vừa sinh hoạt mô hình “Cà phê sáng ND” kết hợp tập huấn phòng trừ sâu bệnh trên cây bưởi cho các hộ trồng bưởi trên địa bàn xã. Ngoài ra, hội viên còn trao đổi về cách nhận dạng, tập tính gây hại, biện pháp phòng trừ bằng sinh học, thủ công, hóa học và các loại thuốc đặc trị rệp vảy trên cây bưởi hiệu quả nhất...
Có thể nói, mô hình sinh hoạt “Cà phê sáng ND” là hoạt động thiết thực khuyến khích hội viên ND tích cực trao đổi, học hỏi kinh nghiệm để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Mặt khác, qua mô hình còn lồng ghép hoạt động trao hỗ trợ, trao quà tặng cho ND có hoàn cảnh khó khăn nhằm chia sẻ, động viên, tiếp thêm động lực để hội viên vươn lên trong lao động sản xuất.
Hiện nay, Hội ND ở cơ sở còn duy trì tốt hoạt động chi, tổ hội ND nghề nghiệp nhằm tạo môi trường cho ND trao đổi, tham quan học tập kỹ thuật từ các mô hình thực tiễn. Qua hoạt động này, Hội ND tại cơ sở sẽ đồng hành với ND phát triển sản xuất; tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên ND tích cực tham gia thực hiện các chủ trương, chính sách về xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; nâng cao nhận thức chính trị, hiểu biết pháp luật, tham gia bảo đảm an sinh xã hội và khơi dậy khát vọng vươn lên làm giàu chính đáng cho ND.
Hỗ trợ sản xuất
Trong quá trình thực hiện công tác hội, các cấp Hội ND luôn quan tâm và xác định nhiệm vụ tăng cường hỗ trợ, đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao và đẩy mạnh kết nối, hợp tác, tiêu thụ nông sản cho ND. Trong công tác năm, Hội ND các cấp đề ra kế hoạch tham gia quảng bá và kết nối xúc tiến thương mại hàng hóa, nông sản; hỗ trợ ND đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, nông sản và phương thức sản xuất an toàn, sản xuất hữu cơ theo hướng VietGAP, GlobalGAP…
Thực hiện Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP), Hội ND xã Trừ Văn Thố (huyện Bàu Bàng) đã phối hợp tổ chức và triển khai trong cán bộ, hội viên ND về những giá trị từ Chương trình OCOP mang lại, với nhiều lợi ích cho các hộ trồng cây ăn trái. Được biết, hộ ông Nguyễn Thanh Tuấn với 30 ha bưởi da xanh chăm sóc theo quy trình hoàn toàn bằng phân hữu cơ và gia đình có mong muốn xây dựng thương hiệu, Hội ND xã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện và Phòng Kinh tế huyện hướng dẫn làm các thủ tục để đăng ký OCOP. Thời gian tới, Hội ND xã sẽ tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ hội viên về giống, vốn, khoa học kỹ thuật; tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới, áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến, quản lý sản phẩm theo tiêu chuẩn chất lượng để có nhiều sản phẩm đạt tiêu chí OCOP, góp phần quảng bá các sản phẩm tại địa phương.
Không những vậy, Hội ND các cấp còn tích cực hỗ trợ hội viên ND tiếp cận các cơ chế chính sách, nguồn vốn vay ưu đãi; thường xuyên tạo điều kiện, hỗ trợ cán bộ, hội viên ND học tập kinh nghiệm, tham gia các hội nghị, hội thảo chuyên đề, nâng cao kiến thức, kỹ năng, tư duy về ứng dụng công nghệ kỹ thuật mới vào sản xuất, phương pháp canh tác sản xuất nông nghiệp tiến bộ…
Sự đồng hành của Hội ND các cấp và các chính sách hỗ trợ sản xuất sẽ giúp cho ND an tâm đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Theo Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh, năm 2025, toàn hội thực hiện chỉ tiêu trên 60% hộ hội viên nông dân đăng ký thi đua đạt danh hiệu “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi”; trong đó có từ 80% số hộ xét đạt danh hiệu hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp so với số hộ đăng ký; phấn đấu vận động tăng trưởng nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân các cấp đạt chỉ tiêu được giao... |
KIM TUYẾN - THẢO NGUYÊN