Phát triển phương tiện giao thông công cộng: Xu hướng tất yếu của một đô thị văn minh

Thứ hai, ngày 21/02/2011

Phương tiện giao thông (PTGT) cá nhân đặc biệt là xe hai bánh đang là PT đi lại chủ yếu của người dân, nhưng cần phải  nhìn nhận lại loại PTGT này, nhất là ở Bình Dương, một tỉnh có nhiều khu công nghiệp, khu đô thị.

Hàng triệu xe gắn máy hàng ngày lưu thông trên khắp các nẻo đường đất nước, hàng trăm vụ tai nạn giao thông xảy ra mỗi ngày mà chủ yếu liên quan đến xe gắn máy cho chúng ta thấy  toàn cảnh bức tranh giao thông hỗn loạn khó kiểm soát. Đã có thời kỳ chúng ta dùng biện pháp hạn chế lưu lượng xe gắn máy bằng hình thức kiểm soát đăng ký xe mới (mỗi người chỉ được đứng tên một xe gắn máy), tuy nhiên biện pháp này đã sớm bị phá sản vì không phù hợp và vẫn còn đó vấn nạn kẹt xe, tai nạn gây lãng phí rất lớn cho xã hội.

 

Xe buýt, phương tiện vận tải công cộng ngày một thịnh hành

Lợi ích của xe gắn máy không cần bàn cãi, nhưng trước sự phát triển của xã hội thì xe gắn máy cũng đem lại không ít phiền hà, thậm chí cản trở bước đi chung của đất nước. Bình Dương đang phát triển nhanh các khu đô thị, các khu tập trung dân cư lại càng cần giải bài toán giao thông tận gốc khi mà thời gian còn cho phép. Không thể cấm người dân đi xe máy, không thể hạn chế người dân mua xe máy bằng các biện pháp hành chính, mà phải làm cho người dân thấy việc mua xe gắn máy là không cần thiết, và để làm được điều này tốt nhất là phát triển PTGT công cộng.

Thời gian gần đây các PTGT công cộng đã phát triển nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân mặc dù đã được Nhà nước trợ giá, có nhiều lý do trong đó lợi nhuận cho nhà kinh doanh chưa thật sự hấp dẫn, lượng khách sử dụng xe công cộng chưa cao do không thuận tiện. Xe buýt ngày nay đã được trang bị tương đối tiện nghi, bảo đảm an toàn, nhưng người kinh doanh chưa chú trọng vào phục vụ dân sinh, các tuyến xe chủ yếu đi các trung tâm, các khu vui chơi mà quên rằng hàng ngày người dân từ khắp các địa phương, từ các thôn xóm cũng cần đi lại để học hành, giao thương... Và như vậy để từng bước hạn chế lưu lượng xe gắn máy cần có những tuyến xe buýt đi qua tất cả các khu vực dân cư trong tỉnh với mật độ bảo đảm người dân chỉ phải đi bộ không quá 500 mét, đứng chờ không quá 15 phút là có thể lên được xe. Làm được điều này chắc chắn người dân sẽ không nghĩ đến việc cố sắm xe gắn máy, và ngược lại người kinh doanh xe buýt cũng tăng được doanh thu.

Thực trạng việc chấp hành luật lệ giao thông còn nhiều bất cập, ai cũng có giấy phép lái xe nhưng hiểu và chấp hành lại là chuyện khác, việc kiểm tra sát hạch cấp giấy phép lái xe nhất là xe hai bánh không chặt chẽ, việc có tấm giấy phép lái xe hai bánh dễ như không đã góp phần làm tăng thêm tình trạng lộn xộn của bức tranh giao thông, vì vậy kiểm soát nghiêm khắc cấp giấy phép lái xe cũng là biện pháp tốt để giảm lượng xe máy lưu thông.

Bên cạnh phát triển tuyến xe buýt thì taxi, một phương tiện cần được ưu tiên phát triển, vì khoảng trống thời gian (ban đêm) của xe buýt thì taxi hoàn toàn khỏa lấp được một cách hiệu quả. Trên địa bàn tỉnh Bình Dương hiện nay có 5 doanh nghiệp (DN) taxi hoạt động với hơn 530 xe đăng ký. Gần đây do thu nhập tăng nên người dân cũng không xa lạ gì với loại phương tiện cao cấp này, nhưng tính đại chúng của taxi chưa cao vì giá cước cao, chưa phù hợp với đông đảo người dân lao động. Bên cạnh đó, phát triển taxi cũng cần có tính chuyên nghiệp cao nhất là công tác quản lý, bảo đảm an toàn cho hành khách cũng như tài xế, đã không ít tài xế taxi bị giết hại. Cần có biện pháp an ninh như toàn bộ xe taxi đều được ngăn cách giữa tài xế và hành khách bằng nhựa cứng trong suốt, bảo đảm tài xế không bị tấn công và ngược lại tài xế cũng khó tấn công được hành khách.

Phát triển PTGT công cộng là một tất yếu của đô thị văn minh hiện đại, nhưng để làm được cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các địa phương, nhất là các địa phương lân cận. Về phía Nhà nước cũng cần giúp đỡ kinh phí cho địa phương duy trì lượng xe đủ để đáp ứng cho người dân đi lại nhất là thời gian đầu khi mà mục tiêu là thuyết phục người dân từ bỏ thói quen sử dụng phương tiện cá nhân sang sử dụng dịch vụ GT công cộng.

PHƯƠNG AN