Phát triển sản phẩm OCOP, nâng cao giá trị kinh tế

Cập nhật: 17-04-2024 | 07:47:33

 Nhằm nâng tầm giá trị sản phẩm địa phương, khẳng định thương hiệu trên thị trường, huyện Phú Giáo đã tích cực triển khai Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP).

 Sản phẩm OCOP huyện Phú Giáo giới thiệu trên sàn thương mại điện tử tỉnh Bình Dương

 Đa dng sn phm

Chương trình OCOP được triển khai mạnh mẽ tại các địa phương trên địa bàn huyện Phú Giáo, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống cho người dân. Huyện chú trọng đa dạng hóa sản phẩm OCOP từ những cây trồng chủ lực, như: Bưởi, sầu riêng, dưa lưới, na dứa Đài Loan, vú sữa Hoàng Kim, chanh không hạt… Ngoài ra, còn có các sản phẩm khác như cà phê rang xay nguyên chất, chả lụa, tổ yến, mật ong nguyên chất...

Trang trại Bình Minh (ấp Đuôi Chuột, xã Tam Lập) là cơ sở đứng đầu trong những trang trại trồng bưởi trên địa bàn xã với diện tích 3 ha, đồng thời liên kết tiêu thụ thêm 6 ha, tổng sản lượng bình quân hơn 200 tấn/năm. Trang trại được chứng nhận quy trình sản xuất, trồng, chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP, bảo đảm sản phẩm sạch, an toàn và đạt được chứng nhận tiêu chuẩn OCOP 3 sao năm 2023. Ông Nguyễn Thanh Minh, chủ trang trại Bình Minh, cho biết: “Chúng tôi luôn hướng đến cải thiện chất lượng, nâng cao năng suất và bảo đảm an toàn. Mong muốn mang đến cho người tiêu dùng sản phẩm sạch, chất lượng, giá cả phải chăng. Bên cạnh đó, hoàn thiện bao bì, nhãn mác, đạt chuẩn OCOP 3 sao, tiêu thụ trong và ngoài địa phương”.

Cũng nằm trên địa bàn xã Tam Lập, sản phẩm chanh không hạt của trang trại Chiến Thắng (ấp Gia Biện) đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao. Đại diện trang trại, ông Nguyễn Thắng Vương, cho biết: “Với tâm huyết tạo ra sản phẩm sạch để phục vụ nhu cầu khách hàng, chúng tôi từng bước chuyển sang hướng VietGAP, hữu cơ. Từng bước hoàn thiện sản phẩm theo tiêu chí xanh -sạch, an toàn, phấn đấu để trở thành sản phẩm tiêu biểu của địa phương. Năm 2023, sản phẩm được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao, đủ điều kiện để tham gia vào thị trường chanh không hạt, sánh vai với các thương hiệu khác trên toàn quốc”.

Thực tế cho thấy, thị trường tiêu dùng ngày càng đa dạng, người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến chất lượng, nguồn gốc xuất xứ và giá trị sử dụng của sản phẩm. Mặt khác, mỗi địa phương đều có những tiềm năng riêng về điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, nguồn nguyên liệu. Do đó, việc đa dạng hóa sản phẩm OCOP sẽ giúp đáp ứng tốt hơn nhu cầu thị trường, thu hút người tiêu dùng, giúp khai thác tối đa tiềm năng, tạo ra những sản phẩm đặc trưng, mang thương hiệu riêng cho địa phương.

Nâng cao cht lưng

Ông Nguyễn Thanh Minh cho rằng việc tham gia Chương trình OCOP để xây dựng thương hiệu cho sản phẩm là cơ hội hiện thực hóa mục tiêu phát triển, nâng cao giá trị sản phẩm của địa phương.

Hiện nay, cây sầu riêng là một trong những cây trồng thế mạnh trên địa bàn huyện Phú Giáo với diện tích trồng khoảng 239 ha, 35 hộ canh tác. Ông Nguyễn Tấn Liêm, chủ thể sản phẩm sầu riêng OCOP 3 sao (xã An Bình), chia sẻ: “Các chủ thể OCOP rất mong chính quyền hỗ trợ để có thị trường đầu ra ổn định, tiếp cận với đơn vị thu mua lớn, hướng tới thị trường xuất khẩu”.

Ông Đoàn Văn Đồng, Chủ tịch UBND huyện Phú Giáo, cho biết để góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất theo chuỗi, kết nối các cơ sở sản xuất với cơ sở tiêu thụ trong và ngoài tỉnh, các cơ quan liên quan tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình OCOP. Cùng với đó, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá, làm tốt vai trò cầu nối, đưa nông sản, sản phẩm công nghiệp của huyện đến với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh thông qua các hội chợ, triển lãm, hội nghị, ký kết thỏa thuận hợp tác. Ngành nông nghiệp huyện cần đẩy mạnh nghiên cứu, mở rộng vùng trồng nông sản theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ, ứng dụng mạnh mẽ các chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, truy xuất nguồn gốc, đẩy mạnh cạnh tranh và tăng uy tín trên thịtrường. Để đưa sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử, huyện Phú Giáo đã phối hợp với Sở Công thương tổ chức tập huấn cho các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ sản xuất.

 Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự hưởng ứng nhiệt tình của các tầng lớp nhân dân, Chương trình OCOP trên địa bàn huyện Phú Giáo đã trở thành một giải pháp trong phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới ở tất cả các địa phương. Đến nay, huyện Phú Giáo đã có 20 sản phẩm được chứng nhận sản phẩm OCOP đạt 3 - 4 sao.

 HẠNH NHI - LÝ HUY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=587
Quay lên trên