Phát triển tam nông Bình Dương: Hướng đến mục tiêu bền vững

Cập nhật: 04-04-2011 | 00:00:00

Nông nghiệp, nông dân, nông thôn (NNNDNT) là một chương trình lớn của của Bình Dương (BD) nói riêng và cả nước nói chung. Trong 3 năm qua, các cấp chính quyền và nhân dân BD đã tích cực thực hiện chương trình này và đạt được kết quả tốt.

Những đổi thay ở nông thôn

Sau khi có Nghị quyết số 26 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về NNNDNT, Tỉnh ủy Bình Dương đã triển khai quán triệt nghị quyết cho các cấp, các ngành thực hiện. Các cấp ủy Đảng tổ chức tuyên truyền, quán triệt nghị quyết với nhiều hình thức: tuyên truyền qua các phương tiện truyền thông đại chúng, mở các đợt tập huấn quán triệt trong hệ thống chính trị và trong nhân dân... qua đó đã nâng cao tư tưởng, nhận thức, tạo ra sự chuyển biến về nhận thức và hành động trong toàn Đảng, toàn dân. Chương trình đã thực sự làm thay đổi toàn diện NNNDNT của BD. Trong những năm qua, mặc dù diện tích đất nông nghiệp bình quân mỗi năm giảm trên 2.000 ha, tỷ trọng nông nghiệp tiếp tục giảm mạnh trong cơ cấu kinh tế chung của tỉnh, nhưng giá trị sản xuất ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục tăng bình quân trong giai đoạn 2006- 2010 là 4,7%. Sản xuất nông nghiệp của tỉnh tiếp tục phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, có giá trị và hiệu quả cao, nhất là trong điều g của nông nghiệp BD.

Cán bộ ngành nông nghiệp – phát triển nông thôn tỉnh kiểm tra mô hình trồng rau an toàn ở xã Tân Định, huyện Bến Cát. (Ảnh Minh Tùng)

Sự phát triển ngành nghề nông thôn kết hợp với việc đầu tư phát triển công nghiệp vào địa bàn nông thôn đã giúp đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế và góp phần chuyển dịch lao động nông nghiệp sang phi nông nghiệp. Lao động trong nông nghiệp đến cuối năm 2010 chiếm 12% trong cơ cấu lao động chung của tỉnh, giảm 7,1% so với năm 2008 và thấp hơn 5% so với mục tiêu của chương trình.

Bằng việc tích cực chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nông dân và thực hiện các chương trình, dự án hỗ trợ, trong thời gian qua giá trị sản xuất của nông nghiệp BD tiếp tục tăng cao. Trong đó, giá trị sản xuất bình quân trên 1 ha canh tác trong năm 2010 đạt 58,5 triệu đồng, tăng 46,25% so với mục tiêu của chương trình là 40 triệu đồng/ha. Giá trị sản xuất ngành trồng trọt tăng bình quân hàng năm là 3,2%; chăn nuôi là 13,7%. Cây lâu năm và chăn nuôi tập trung vẫn khẳng định thế mạnh trong nông nghiệp; các vùng chuyên canh cây trồng, vật nuôi phát triển ổn định và ngày càng định hình theo quy hoạch. Diện tích cây trồng hàng năm giảm mạnh, diện tích cây công nghiệp lâu năm tiếp tục tăng. Cây công nghiệp chủ lực của BD là cao su có năng suất đạt 1,8 tấn/ha, tăng 0,5% so với năm 2008 và tạo ra thu nhập cao cho nông dân.

Tổng đàn trâu bò đến cuối năm 2010 đạt 35.383 con; đàn heo là 385.197 con và đàn gia cầm là 2.829.000 con. Tổng lượng thịt hơi xuất chuồng đến năm 2010 đạt 68.248 tấn, tăng 245 so với năm 2008. Diện tích nuôi trồng thủy sản là 398 ha, giá trị sản xuất đạt 47,19 tỷ đồng. Trong lâm nghiệp Bình Dương đã góp phần hoàn thành dự án trồng mới 5 triệu ha rừng với tổng vốn đầu tư 43 tỷ đồng, tổng diện tích trồng mới là 5.828,3 ha, nâng tỷ lệ che phủ cây công, nông, lâm nghiệp và lâu năm trên địa bàn tỉnh đạt 57%, tăng 0,5% so với năm 2008.

Với quyết tâm chung của nhân dân và chính quyền BD, trong thời gian qua, chương trình đã góp phần tích cực trong việc nâng cao mức sống của nông dân và làm thay đổi mạnh mẽ bộ mặt nông thôn tỉnh nhà. Thu nhập khu vực nông thôn đạt hơn 19 triệu đồng/người/năm, tăng 36% so với năm 2008, vượt 19% so với mục tiêu chương trình là 16 triệu đồng. Qua thực hiện các giải pháp đồng bộ, đến cuối năm 2010, toàn tỉnh chỉ còn 3.044 hộ nghèo (chiếm 1,38%) theo tiêu chí của tỉnh, giảm 4,15% so với năm 2009; tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 95%; hộ nông thôn có nhà tiêu vệ sinh đạt 86%; tỷ lệ chuồng trại chăn nuôi được xử lý chất thải đạt 60%. Hiện nay, 100% xã, ấp có điện và tỷ lệ hộ dân sử dụng điện tại nông thôn đạt 98,8%. Chứng minh cho những thay đổi đó có thể kể như: 100% đường đến trung tâm xã được nhựa hóa; 100% xã, phường, thị trấn có bác sĩ phục vụ, có nữ hộ sinh hoặc y sĩ sản nhi; có 70% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập trung học và 89% xã, phường, thị trấn có Trung tâm học tập cộng đồng...

Tiếp tục được quan tâm đầu tư

Theo đánh giá chung, với các mục tiêu phấn đấu giai đoạn 2006-2010 của chương trình bao gồm 14 chỉ tiêu, sau 3 năm thực hiện đã có 8 chỉ tiêu đạt và vượt so với mục tiêu của chương trình. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện chương trình vẫn còn có những khó khăn, bất cập cần được khắc phục trong thời gian tới. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật giao thông, cấp điện, hệ thống thủy lợi, thu gom và xử lý nước thải... tuy đã được quan tâm đầu tư song nhìn về tổng thể  vẫn còn chưa tương xứng với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đặc biệt là vùng nông thôn. Khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp chưa tương xứng  với yêu cầu của nền sản xuất nông nghiệp hiện đại; năng suất, chất lượng, giá trị của một số sản phẩm nông nghiệp còn thấp; khả năng cạnh tranh trên thị trường hạn chế, thương hiệu nông sản vẫn chưa được chú trọng. Các doanh nghiệp chế biến chưa chú trọng phối hợp, liên kết để xây dựng vùng nguyên liệu để ổn định sản xuất. Nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu quá trình đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới từ cấp tỉnh đến cơ sở còn thiếu...

Trong buổi họp sơ kết 3 năm triển khai thực hiện Chương trình hành động số 77/CTHĐ-TU của Tỉnh ủy về NNNDNT, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Nam đánh giá cao những kết quả trong quá trình thực hiện chương trình NNNDNT của BD trong thời gian qua. Ông Trần Văn Nam cho rằng: BD một tỉnh phát triển công nghiệp nhưng cũng rất chú trọng đến nông nghiệp; tuy nhiên một số lĩnh vực cần phải được quan tâm chú ý đầu tư như: chính sách tín dụng cho nông dân vẫn chưa phát huy hiệu quả; đào tạo lao động trong nông thôn, các làng nghề nông thôn chưa được quan tâm đầu tư đúng mức; cần phân tích rõ các chỉ tiêu chưa đạt được để tìm ra nguyên nhân khắc phục...

Với những yêu cầu phát triển trong thời gian tới, song song với chương trình xây dựng nông thôn mới, tam nông BD sẽ được quan tâm đầu tư thực hiện. Muốn có bước phát triển mới đòi hỏi toàn thể nhân dân và các cấp chính quyền BD cần tích cực tham gia để đạt được các mục tiêu đề ra.

CAO SƠN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=268
Quay lên trên