Trong chiến lược phát triển, đẩy mạnh chuyển đổi số là một trong những chìa khóa quan trọng nhằm xây dựng nền sản xuất, thương mại - dịch vụ (TM-DV) thông minh, gia tăng giá trị. Đặc biệt, Bình Dương chú trọng phát triển thương mại điện tử, thương mại quốc tế nhằm hướng đến mục tiêu phát triển kinh tế cân bằng.
Cơ hội từ số hóa
PGS-TS, chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên cho rằng Đề án “Vùng Đổi mới sáng tạo (ĐMST) Bình Dương” kỳ vọng sẽ tạo ra đòn bẩy nhằm xây dựng nền tảng một hệ sinh thái ĐMST và rộng hơn là văn hóa ĐMST bền vững. Đây được xem là “bàn đạp” giúp Bình Dương xây dựng một môi trường hấp dẫn cho các nhà khởi nghiệp, các công ty công nghệ, tiếp tục tham gia vào các tổ chức kinh tế lớn trên thế giới. Từ đó, sẽ nâng cấp nền sản xuất hiện tại, tạo ra các công cụ sản xuất mới và phát triển đồng đều trên tất cả các mặt của đời sống xã hội, dần tăng tỷ trọng kinh tế số.
Tính đến nay, Bình Dương có 3 lần liên tiếp được xướng tên trong Top 21, 2 lần vào Top 7 thành phố, khu vực có chiến lược phát triển thành phố thông minh tiêu biểu trên thế giới của Diễn đàn Cộng đồng thông minh thế giới (ICF). Thành tích này mở ra cơ hội để Bình Dương hợp tác trao đổi kinh nghiệm với mạng lưới hơn 180 thành phố thông minh khắp thế giới của ICF. Bên cạnh đó, điều này góp phần gia tăng niềm tin cho nhà đầu tư, doanh nghiệp (DN), đồng thời giúp Bình Dương bứt phá trong thu hút đầu tư nước ngoài giai đoạn mới, tạo nền tảng cho phát triển TM-DV, sản xuất công nghệ cao trong tương lai.
Lãnh đạo các sở, ngành, viện, trường và DN trao đổi với đối tác nước ngoài tại Hội thảo “Tiếng nói từ thị trường” tổ chức tại Bình Dương
Ông Phạm Ngọc Thuận, Tổng Giám đốc Becamex IDC, cho biết: “Chúng tôi tiếp tục cùng tỉnh tạo động lực thu hút đầu tư FDI thông qua nâng cấp hạ tầng giao thông kết nối vùng, hệ thống logistics, chủ động quy hoạch các khu công nghiệp, hệ sinh thái công nghệ cao, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, xây dựng nhà ở xã hội... Becamex IDC sẽ hướng tới xây dựng thành công Vùng ĐMST Bình Dương, khu công nghiệp khoa học - công nghệ và Trung tâm Thương mại thế giới thành phố mới Bình Dương (WTC BD)”.
Với vai trò “cánh cửa” kết nối phát triển, thu hút lĩnh vực thương mại chất lượng cao cho tỉnh, WTC BD làm tốt công tác hỗ trợ cộng đồng DN không chỉ tại Bình Dương mà DN cả nước kết nối với thế giới. Thông qua các hoạt động thiết thực đã hỗ trợ, đồng hành cùng DN phát triển thương mại điện tử, dịch vụ, đẩy mạnh giao thương, qua đó góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế mang lại giá trị gia tăng nhiều hơn.
Theo bà Huỳnh Đinh Thái Linh, Giám đốc WTC BD, từ năm 2019 khi WTC BD gia nhập Hiệp hội các Trung tâm Thương mại thế giới đã kết nối với mạng lưới 330 trung tâm thương mại trên gần 100 quốc gia, lãnh thổ. Qua đó, WTC BD trở thành cầu nối hỗ trợ các DN nhỏ và vừa kết nối với chuỗi cung ứng toàn cầu, phát triển thương mại điện tử thông qua mạng lưới quốc tế của tổ chức. WTC BD cũng được nhiều đối tác quốc tế lựa chọn tổ chức các hội nghị, hội thảo mang tính toàn cầu, hỗ trợ DN các giải pháp phát triển thương mại thông minh và bền vững.
“Sự hợp tác hiệu quả, mở ra tiềm năng và cơ hội thuận lợi trong việc phối hợp tổ chức các chương trình sự kiện, hội nghị, hội chợ và triển lãm quốc tế gắn với du lịch, trao đổi giao lưu văn hóa; đồng thời, tiếp thị, quảng bá, thu hút tiềm năng từ thị trường khu vực và thế giới, góp phần xây dựng và khẳng định thương hiệu của địa phương với các đối tác quốc tế trong thời gian tới”, bà Huỳnh Đinh Thái Linh nhấn mạnh. Cũng theo bà Linh, việc ứng dụng công nghệ số, xây dựng kênh phân phối mới đang trở thành phương án để các nhà sản xuất, kinh doanh tiếp cận người tiêu dùng toàn cầu, nhất là trong bối cảnh thói quen mua sắm đang có sự chuyển biến mạnh mẽ từ mua hàng truyền thống sang mua hàng trực tuyến. Đây là cơ hội rất lớn để các sản phẩm Bình Dương bắt nhịp được sự chuyển động thị trường từ người tiêu dùng toàn cầu.
Chuẩn bị nguồn lực
Để tận dụng thành quả của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vào phát triển kinh tế, Bình Dương đang xây dựng chiến lược chuyển đổi số toàn diện, trong cả khu vực công và tư nhân, DN. Công cuộc chuyển đổi số hứa hẹn giúp Bình Dương tối ưu hóa hoạt động ở cả khu vực công và tư, các mô hình kinh doanh hiện hữu, tăng năng suất, giảm thâm dụng lao động. Từ đó, thu hút được các mô hình kinh doanh trên không gian số hình thành trên địa bàn tỉnh.
Cộng đồng DN cũng chủ động lập kế hoạch, xây dựng chiến lược kinh doanh phù hợp, linh hoạt, thích ứng với những biến đổi nhanh chóng của môi trường kinh doanh; tích cực, chủ động hội nhập, tận dụng lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do để tham gia sâu rộng vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Ông Yeh Ming Yuh, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Polytex Far Eastern Việt Nam (Khu công nghiệp Bàu Bàng), cho rằng: “Bình Dương có tầm nhìn quy hoạch khá tốt khi hạ tầng liên tục được xây dựng và ngày càng hoàn thiện, kết nối vùng để tạo điều kiện cho việc lưu thông hàng hóa xuất, nhập khẩu của DN. Tôi đánh giá cao những nỗ lực, quyết tâm của tỉnh Bình Dương trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, phát triển cơ sở hạ tầng giao thông một cách đồng bộ, rộng khắp. Với định hướng phát triển của Bình Dương, chúng tôi đã quyết định mở rộng quy mô sản xuất của nhà máy lên gấp đôi tại Khu công nghiệp Bàu Bàng”.
Nhiều địa phương đã và đang chuẩn bị mọi nguồn lực để đón dòng vốn đầu tư trong lĩnh vực TM-DV, nâng tầm phát triển trong giai đoạn mới. Ông Nguyễn Thanh Tâm, Chủ tịch UBND TP.Thuận An, cho biết: “Thuận An đã và đang chuẩn bị nguồn lực để thu hút đầu tư vào lĩnh vực TM-DV chất lượng cao. Chúng tôi đang điều chỉnh quy hoạch, kỳ vọng sẽ hình thành nên những phố tài chính, ngân hàng, khu phức hợp, khu giải trí chất lượng cao… Tất cả được quy hoạch theo hướng ít thâm dụng đất đai, tăng cường công nghệ, tạo ra môi trường phát triển bền vững”.
Tại nhiều hội nghị, ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh cam kết luôn tạo mọi điều kiện tốt nhất cho DN trong và ngoài nước đầu tư, hoạt động sản xuất, kinh doanh. Lãnh đạo tỉnh mong muốn những nhà đầu tư FDI hàng đầu thế giới có thế mạnh về vốn, công nghệ sẽ giúp DN trong tỉnh tiếp cận, hợp tác, chuyển giao công nghệ, cùng tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, hướng đến mục tiêu phát triển nhanh, bền vững.
► Ông Phạm Ngọc Thuận, Tổng Giám đốc Becamex IDC: “Chúng tôi tiếp tục cùng tỉnh tạo động lực thu hút đầu tư FDI thông qua nâng cấp hạ tầng giao thông kết nối vùng, hệ thống logistics, chủ động quy hoạch các khu công nghiệp, hệ sinh thái công nghệ cao, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, xây dựng nhà ở xã hội... Becamex IDC sẽ hướng tới xây dựng thành công Vùng ĐMST Bình Dương, khu công nghiệp khoa học - công nghệ và Trung tâm Thương mại thế giới thành phố mới Bình Dương (WTC BD)”. ► Ông Jean-Jacques Bouflet, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam (EuroCham): Bình Dương không ngừng xây dựng hình ảnh về địa điểm đầu tư an toàn và ổn định với hệ thống cơ sở hạ tầng ngày càng hoàn thiện, đáp ứng mong muốn của nhà đầu tư FDI. Các thành viên EuroCham thường xuyên tiếp cận, nghiên cứu, đồng thời sẽ tiếp tục mở rộng, đầu tư lâu dài tại Bình Dương. ► TS Ngô Minh Đức, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Quốc tế Miền Đông: Trên nền tảng sẵn có về nghiên cứu phát triển, thông qua Diễn đàn Hợp tác kinh tế Ấn Độ - Horasis 2022 chúng tôi kỳ vọng sẽ được hợp tác trong lĩnh vực nghiên cứu phát triển với các đối tác Ấn Độ và các quốc gia. Qua đó, nghiên cứu những giải pháp phát triển trong sản xuất, kinh doanh dựa trên những nền tảng công nghệ số và cách mạng 4.0. |
TIỂU MY