Phẫu thuật tán sỏi niệu quản bằng laser: Phương pháp điều trị hiệu quả cao

Cập nhật: 19-06-2014 | 00:00:00
Phương pháp tán sỏi bằng laser đang được Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn Bình Dương (BVĐK SGBD) áp dụng trong điều trị cho bệnh nhân (BN) bị sỏi niệu quản, không chỉ mang lại hiệu quả cao trong điều trị, mà còn giúp BN sớm hồi phục sức khỏe…

 Mới đây, với sự phối hợp của các tiến sĩ, bác sĩ đến từ TP.HCM, BVĐK SGBD đã thực hiện thành công ca phẫu thuật tán sỏi niệu quản bằng laser cho BN N.T.N, 53 tuổi, ở xã Long Nguyên, huyện Bàu Bàng. Kết quả sau khi phẫu thuật rất khả quan, tình trạng sức khỏe của BN có biểu hiện hồi phục tốt và đã sớm xuất viện.

   Phẫu thuật tán sỏi niệu quản bằng laser tại BVĐK SGBD. Ảnh: H.THUẬN

Theo bác sĩ Trần Thiện Dũng, Trưởng khoa ngoại - tiết niệu, BVĐK SGBD, sỏi đường tiết niệu là sỏi nằm trên đường bài tiết của hệ niệu, bao gồm: sỏi đài thận, bể thận, sỏi niệu quản, sỏi bàng quang, sỏi niệu đạo. Trong đó, sỏi niệu quản là thường gặp nhất ở người trong độ tuổi lao động. Tỷ lệ sỏi niệu quả ở nam giới cao hơn nữ giới từ 2 - 3 lần. Những người sinh sống, làm việc ở vùng có khí hậu nóng, lao động nặng, ít uống nước, nằm lâu ít vận động… tỷ lệ mắc sỏi niệu quản càng cao hơn. Tùy theo thành phần của sỏi, người ta phân thành 2 loại: sỏi vô cơ là loại sỏi cản quang, với thành phần canxi, oxalate, photphat hay hỗn hợp các chất trên và sỏi hữu cơ là loại sỏi cản quang kém hay không cản quang thành phần thường gặp là axít uric, xanthin, cystin.

Khi hạt sỏi còn nhỏ, bệnh sỏi niệu quản thường không gây triệu chứng nên rất khó phát hiện. Đến khi hạt sỏi phát triển lớn, gây tắc nghẽn đường tiết niệu mới gây ra nhiều triệu chứng và biến chứng nguy hiểm đối với BN. Về triệu chứng bế tắc, sẽ xuất hiện các biểu hiện, như: đau lưng nặng, cơn đau quặn thận, tiểu khó, bí tiểu. Với triệu chứng nhiễm trùng, khi đi tiểu người bệnh sẽ bị gắt buốt, tiểu máu mủ, sốt cao và có thể gây biến chứng nguy hiểm đó là suy thận cấp vô niệu hoặc suy thận mạn với những tổn thương ở chủ mô thận không hồi phục. Vì vậy, sỏi niệu quản cần phải phát hiện sớm để điều trị kịp thời và cho kết quả tốt.

Bác sĩ Trần Thiện Dũng cho biết: “Sỏi niệu quản đa số là sỏi được hình thành ở thận theo dòng nước tiểu di chuyển xuống rồi bị mắc kẹt ở niệu quản và phát triển ngày càng to ra. Tùy theo vị trí của hòn sỏi, kích thước, mức độ gây bế tắc thể trạng mà có hướng điều trị và tiên lượng khác nhau. Sỏi nhỏ có đường kính dưới 7mm thường chưa gây triệu chứng, có thể theo dõi qua phim chụp hệ niệu không chuẩn bị (KUB) và siêu âm trong 4 - 6 tuần để đánh giá mức độ di chuyển và bế tắc do sỏi gây ra, từ đó có hướng điều trị phù hợp. Khi bệnh nhân có triệu chứng nhẹ với những cơn đau quặn thận, cần điều trị nội khoa bằng thuốc kháng sinh, kháng viêm, giảm đau, giãn cơ trơn, uống nhiều nước, kết hợp thuốc làm tan sỏi. Sau 2 - 4 tuần điều trị làm lại siêu âm chụp, X.quang để xem xét, đánh giá kết quả điều trị và cho hướng điều trị tiếp theo. Đối với sỏi có đường kính trên 7mm, nên xem xét điều trị bằng các phẫu thuật tán sỏi, hoặc phẫu thuật lấy sỏi. Tán sỏi có thể là tán sỏi ngoài cơ thể (đối với sỏi niệu quản hông đường kính dưới 1cm) cho kết quả tốt. Tán sỏi nội soi niệu có thể thực hiện bằng máy xung hơi, máy laser Hotmium. Đặc biệt là phương pháp tán sỏi niệu quản bằng laser Hotmium cho kết quả điều trị rất cao, thời gian nằm viện ngắn”.

Tóm lại, tùy theo kích thước, hình dáng, mật độ cản quang của hạt sỏi, tình trạng sức khỏe và điều kiện tài chính của bệnh nhân mà chọn lựa phương pháp điều trị thích hợp, có lợi nhất cho người bệnh.

Cũng theo bác sĩ Dũng, phương pháp điều trị tốt nhất vẫn là phòng bệnh. Để phòng bệnh sỏi niệu quản, người trong độ tuổi lao động nên đi khám sức khỏe định kỳ ít nhất mỗi năm một lần, siêu âm để phát hiện xem có bị sỏi hay không. Mỗi ngày, nên uống nhiều nước, tối thiểu từ 1,5 - 2 lít/ngày, bảo đảm lượng nước tiểu mỗi ngày từ 1,5 - 2 lít. Đặc biệt, ở những người lao động nặng nhọc ngoài trời nắng nóng, khi mắc tiểu phải đi ngay, không nên nhịn lâu. Nếu phát hiện có các triệu chứng về đường tiết niệu, như: đái buốt, khó đái mau, đau lưng, tiểu đục… cần phải đi khám ngay để được bác sĩ tư vấn và cho hướng điều trị thích hợp.

 HỒNG THUẬN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên